Ngành ngân hàng cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng vẫn đứng trước nhiều cơ hội lớn

Ngành ngân hàng cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng vẫn đứng trước nhiều cơ hội lớn

Ồ ạt vào thị trường bán lẻ, ngân hàng Thái Lan có định mua ngân hàng Việt?

(ĐTCK) Sau hàng loạt thương vụ mua lại ngành bán lẻ ở Việt Nam, câu hỏi đặt ra là ngành ngân hàng Thái Lan có làm tương tự? Ông  Tharabodee Serng Adichaiwit, Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok Đại chúng TNHH tại Việt Nam cũng khẳng định: "Hiện tại chưa phải là thời điểm tốt nhất với các nhà đầu tư ngoại để bỏ vốn vào ngân hàng Việt Nam, nhưng Ngân hàng sẽ tăng vốn để nắm bắt những cơ hội trong tương lai".

Mùa ĐHCĐ năm nay, rất nhiều ngân hàng Việt Nam tiếp tục đề cập đến việc tăng vốn điều lệ, trong khi với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc huy động vốn khó khả thi. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

Theo tôi, việc tăng vốn của các ngân hàng Việt Nam hiện nay khó khăn xuất phát từ nguyên nhân nợ xấu cao, ngân hàng phải trích lập dự phòng cao, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của toàn ngân hàng và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Đây là trạng thái thông thường xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới khi có vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng.

Đối với ngân hàng, việc tìm nguồn vốn mới để hỗ trợ nguồn vốn hiện có của họ là điều vô cùng khó khăn. Nhìn chung, các chính phủ phải sử dụng tiền thuế để hỗ trợ các ngân hàng như trường hợp nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bơm thêm vốn vào ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”.

Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng một cơ chế VAMC sáng tạo để khắc phục vấn đề này, nơi các ngân hàng có thêm thời gian để dần dần ghi nhận lỗ, thay vì ghi nhận lỗ một lần. Tình hình ngành ngân hàng Việt Nam tốt hơn nhiều so với những gì đã xảy ra cho các ngân hàng ở Thái Lan trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998.

Các ngân hàng ở Thái Lan đã phải ghi nhận tổn thất nợ xấu trong một lần và hiển nhiên đã phải tăng vốn với mức chiết khấu rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả hiển nhiên dẫn đến nhiều ngân hàng đã bị sở hữu bởi ngân hàng nước ngoài hoặc thậm chí có cổ phần nước ngoài chiếm tới 49%.

Ông  Tharabodee Serng Adichaiwit 

Câu chuyện nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam như ông đề cập ở trên cũng được rất nhiều định chế nước ngoài quan tâm?

Theo vòng quay, khi nền kinh tế bị chậm lại, vấn đề nợ xấu là không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ rằng, trong ngành ngân hàng, việc đối mặt với nợ xấu là vấn đề bình thường, miễn là các ngân hàng duy trì cơ chế quản lý rủi ro mạnh và chính sách thận trọng tuân theo quy định của ngân hàng trung ương thì sẽ có thể khắc phục vấn đề này mà không gặp khó khăn.

Theo quan điểm của tôi, các ngân hàng phải là người hiểu chính mình, tự biết sẽ làm gì để giải quyết vấn đề của chính mình và biết điều gì sẽ là lựa chọn tốt nhất cho ngân hàng mình trong tình hình đó. Những nhận xét của các định chế nước ngoài chỉ là gợi ý và lời khuyên cho chúng ta, nhưng quan trọng nhất là chiến lược nào tốt nhất cho đất nước chúng ta và cuối cùng chúng ta trở nên tốt hơn và có thể phục hồi được vấn đề nợ xấu.

Trong trường hợp này, NHNN Việt Nam đã có lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng đã vượt qua quá trình khó khăn này cũng cần phải rút ra bài học để thận trọng hơn nữa. Ngân hàng Bangkok cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự và đã vượt qua giai đoạn này vào năm 1998 nên đã có những điều chỉnh trong nội tại đáng kể. Ví dụ, chính sách của ngân hàng mẹ trích lập thêm dự phòng từ gần một nửa lợi nhuận của chúng tôi trong mỗi năm, ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Bangkok Đại chúng TNHH rất thấp. Với dự phòng cho nợ xấu chiếm hơn 7% danh mục cho vay, đến nay, chúng tôi rất tự tin để bước về phía trước.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn mà một trong những nguyên nhân chính là nợ xấu, theo ông, liệu đây có phải là cơ hội để các ngân hàng nước ngoài góp vốn mua cổ phần?

Trong suốt 11 năm qua làm việc tại Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam, tôi chứng kiến ngành ngân hàng Việt Nam được cải thiện mạnh theo tiêu chuẩn quốc tế, ngày càng minh bạch hơn, đặc biệt trong 2-3 gần đây. Tôi cũng ngưỡng mộ tất cả các chính sách và quy định của NHNN Việt Nam nhằm ổn định nền kinh tế và tiền tệ nhằm đạt được lợi ích tốt nhất cho Việt Nam. Trong vài năm tới, sau khi tất cả các ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ, sẽ không có nghi ngờ gì về sự ổn định và thịnh vượng của ngành ngân hàng Việt Nam.

Với sự lớn mạnh rõ nét của ngành ngân hàng, bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, tôi tin rằng, tỷ suất lợi nhuận ròng hay biên độ của các ngân hàng Việt Nam đang bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh này. Hiện tại không phải là thời điểm tốt nhất cho các nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào ngân hàng Việt Nam. Nhưng với triển vọng to lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển. Đó là điểm mấu chốt mà chúng tôi nhìn thấy để gia tăng đầu tư tại Việt Nam.

Được biết, Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam vừa tăng vốn điều lệ, trong bối cảnh các DN Thái Lan đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Thị trường đang đặt vấn đề, liệu Ngân hàng Bangkok có chuẩn bị cho việc thâu tóm ngân hàng Việt?

Sau 24 năm có mặt tại Việt Nam, là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy thời điểm đầu tư nào thích hợp hơn hôm nay khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ.

Bên cạnh đó là cải thiện môi trường kinh doanh, thị trường tiền tệ ổn định và lạm phát thấp, nhưng quan trọng nhất là Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất trên thế giới và bùng nổ tầng lớp trung lưu; đồng thời, cũng có mức nợ hộ gia đình thấp.

Đối với chúng tôi, đây là thời điểm thích hợp nhất để cam kết đầu tư hơn nữa vào Việt Nam với niềm tin rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất và lớn nhất trong AEC trong 5 - 10 năm nữa kể từ bây giờ. Theo đó, Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam tăng gấp ba lần vốn hiện tại lên 250 triệu USD để nắm bắt được nhiều cơ hội trong tương lai.

Với việc thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Thái Lan, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho các DN Thái Lan bây giờ. Các DN lớn của Thái Lan đang đến để khai thác thị trường Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng mong muốn hỗ trợ cho các công ty Việt Nam đã và đang trở nên lớn hơn, mạnh mẽ hơn trong tương lai cũng như là đối tác tài chính với các công ty Việt Nam đầu tư vào AEC nơi Ngân hàng Bangkok có sự hiện diện lâu dài.

Tôi có thể xác nhận rằng, cho đến nay, việc mua lại ngân hàng Việt không phải là mục tiêu của Ngân hàng Bangkok. Mặc dù chúng tôi là ngân hàng Thái Lan và hỗ trợ hầu hết các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam, nhưng lượng khách hàng Thái chiếm danh mục đầu tư của chúng tôi hiện tại chỉ có 40%, còn lại là các công ty Việt Nam và khách hàng từ các nước trong khu vực ASEAN.

Mục tiêu của chúng tôi trong tương lai là tăng số lượng công ty Việt lên 50% danh mục đầu tư và quan trọng hơn, Ngân hàng Bangkok muốn là một phần nhỏ của câu chuyện thành công của Việt Nam.

Tin bài liên quan