Chính sách tín dụng cần tập trung vào người mua nhà, nhân tố quyết định đầu ra của bất động sản

Chính sách tín dụng cần tập trung vào người mua nhà, nhân tố quyết định đầu ra của bất động sản

Ồ ạt ưu đãi, tín dụng mua nhà… chững lại

(ĐTCK) Đón mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng ồ ạt tung các gói tín dụng ưu đãi lãi vay cho khách hàng cá nhân mua, sữa chữa nhà… Thế nhưng, do giá bất động và lãi suất cho vay mua nhà đang có xu hướng nhích lên khiến khách hàng có phần e ngại.

Ưu đãi nhiều...

Anh Nguyễn Sơn Minh (Q. Tân Bình, TP. HCM) cho biết, đã có ý định vay tiền mua căn hộ từ giữa năm, nhưng đến nay vẫn chưa quyết định, vì qua tìm hiểu các gói tín dụng ưu đãi ở ngân hàng anh thấy, thời gian áp dụng ưu đãi lãi suất thấp rất ngắn, trong khi giá căn hộ chung cư không giảm, mà ngược lại còn tăng lên.

Còn chị Hồng Minh (Q. Thủ Đức, TP. HCM) phải “chạy đôn, chạy đáo” vay mượn người thân để tất toán khoản nợ gần 300 triệu đồng vay tại một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước mua căn hộ 1 năm trước, do lãi suất sau ưu đãi một năm tăng từ 8%/năm lên 12%/năm. 

Mặt bằng lãi suất cho vay có tăng nhẹ, nhưng vẫn được đánh giá là “ưu đãi” vì mức áp dụng thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn dài.

Chẳng hạn, tại TPBank, gói vay mua nhà đất tại ngân hàng này có lãi suất chỉ từ 6,9%/năm, mức giải ngân có thể lên tới 70% giá trị bất động sản trong 20 năm, thời gian giải ngân chỉ sau 24 giờ nếu hồ sơ đạt tiêu chuẩn… Hay tại VietBank, vay chuyển nhượng bất động sản có sẵn có lãi suất chỉ từ 3,6%/năm.

Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất 0%/năm để thu hút cá nhân vay vốn. Ví dụ, OCB cho vay với lãi suất ưu đãi 0%/năm cố định trong 1 năm đối với khách hàng mua căn hộ biệt lập Flora Fuji của Nam Long, thời hạn vay 20 năm và tỷ lệ cho vay lên đến 80%… Tại HDBank, chương trình ưu đãi lãi vay 0%/năm luôn được áp dụng đối với các dự án mà Ngân hàng liên kết tài trợ vốn. Mới đây nhất, HDBank dành gói tín dụng 1.700 tỷ đồng cho khách hàng mua căn hộ thuộc dự án Ariyana Beach Resort & Suites Da Nang.

Tuy các ngân hàng đang tung nhiều mức ưu đãi lãi vay để thu hút khách hàng vay vốn mua nhà, song thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng đối với phân khúc này khó có thể tăng nhanh như kỳ vọng, mà ngược lại có dấu hiệu chững trong thời gian gần đây, cho dù cầu về vốn mua nhà luôn có.

Lãnh đạo các nhà băng cho hay, chiến lược là luôn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, nhưng chỉ tập trung chủ yếu cho vay mua nhà. Vì thế, dư nợ tín dụng mua nhà chủ yếu tăng ở phân khúc cá nhân vay mua nhà để ở, trong khi hạn chế và thậm chí ngừng rót vốn cho vay kinh doanh bất động sản.

... Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Thống kê cho thấy, trong 2 quý giữa năm 2016, tín dụng mua nhà có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ 2015. Tại Sacombank, một lãnh đạo khối tín dụng cá nhân cho biết, cầu về tín dụng mua nhà của khách hàng cá nhân luôn tăng, song tâm lý vẫn muốn chờ lãi suất và giá bất động sản xuống thêm. Tăng trưởng dư nợ tín dụng mua nhà của Sacombank luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ khối tín dụng cá nhân, khoảng 40-45%, nhưng gần đây tăng chậm.

Còn tại OCB, một trong những ngân hàng thường liên kết, bảo lãnh nhiều dự án bất động sản để đẩy mạnh cho cá nhân vay mua căn hộ tại các dự án này, nên thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, nhưng không vì thế mà dư nợ tín dụng cho vay mua nhà tăng nhanh. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng cho vay mua nhà có dấu hiệu cải thiện tích cực trong 2 năm qua, nhưng chưa thể đột biến. Dư nợ tín dụng mua nhà tại OCB chiếm khoảng 25-30% trong tổng dư nợ Khối khách hàng cá nhân, nhưng so với tổng dư nợ toàn ngân hàng thì vẫn chưa cao.

Giải thích nguyên nhân về việc dư nợ tín dụng mua nhà có dấu hiệu chững lại trong 2 quý gần đây, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, một phần là do giá bất động sản có xu hướng tăng lên khiến người mua nhà cân nhắc, cho dù cung-cầu về nhà ở thường tăng vào cuối năm.

Cùng với đó, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế-tài chính, việc thời gian ưu đãi ngắn, cộng thêm lãi suất cho vay luôn tăng vọt trở lại sau khi hết ưu đãi, cũng là những lý do khiến cho nhiều cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà ở e ngại, nên tâm lý là muốn chờ lãi suất giảm thêm mới đi vay vốn.

Vì vậy, theo TS. Lịch, chính sách tín dụng của ngân hàng cần hướng đến đối tượng cá nhân vay mua nhà ở, chứ không chỉ nhắm vào chủ đầu tư để cung ứng vốn. Bởi người mua nhà mới là nhân tố quyết định đầu ra của các dự án bất động sản. Mặt khác, thời gian qua, bất động sản là thị trường được hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất giảm, nên chủ đầu tư cần xem xét đến giá bán để kích cầu.            

Tin bài liên quan