TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Nới “room” tín dụng, lo ngân hàng đẩy vốn vào bất động sản

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nới room tín dụng sẽ tác động tích cực lên hoạt động cho vay của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro, ngân hàng tránh đẩy vốn ồ ạt vào bất động sản.

Động thái tăng room tín dụng cho hàng loạt ngân hàng lên 30-35% mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang làm dấy lên không ít lo ngại. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt trên 6% so với cuối năm trước. Chính sự cải thiện của tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành ngân 6 tháng đầu năm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%. NHNN cũng vừa nới “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng cho hàng loạt ngân hàng lên mức 30-36% để có thêm dư địa cho vay.

Trong đó có, VietinBank, Vietcombank được nới lên 16%; SeaBank, TPBank lên 35%; Techcombank và LienVietPostBank 30%; VPBank 18%; Nam A Bank 25%; SHB 15%; VIB 20%; BaoVietBank 36%;  Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh TP.HCM cùng 30%; Taipei Fubon Chi nhánh Bình Dương là 20%; NCB 24%; Co-opBank 20%; Standard Chartered Việt Nam 30% và Ngân hàng Korea Exchange Bank Chi nhánh Hà Nội được lên 35%.

Theo tôi, việc NHNN điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng và đồng loạt nới room tăng trưởng dư nợ cho nhiều ngân hàng mới đây cho thấy, động thái nới lỏng chính sách tín dụng đang được NHNN áp dụng. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, nợ xấu chưa xử lý nhanh, muốn tăng tín dụng, các ngân hàng phải kiểm soát được nợ xấu.

Liệu có dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như trước đây, thưa ông?

Việc điều chỉnh tăng trưởng mục tiêu tín dụng lên 17% của NHNN năm nay cũng không phải quá cao, mà phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế đang có dấu hiệu ấm dần. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng bắt đầu có những cải thiện, dù sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục hẳn. Vì thế, động thái của NHNN vừa điều chỉnh tăng room tín dụng cho hàng hoạt NHTM lên 30-35% cũng không quá đáng ngại về việc tăng trưởng tín dụng nóng như thời gian trước đây. Bởi các ngân hàng cũng phải thận trọng để kiểm soát nợ xấu, khó có thể đẩy mạnh vốn ồ ạt như trước.

Thực tế, để được nới room tăng trưởng tín dụng, các NHTM cũng phải báo cáo NHNN về khả năng tính toán quy mô tăng trưởng, cũng như sức hấp thụ vốn của khách hàng. Đi kèm với quyết định nới room tăng trưởng dư nợ cho một loạt ngân hàng, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện việc cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2015.

Các ngân hàng phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện cấp tín dụng, quản trị rủi ro và giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro để hạn chế nợ xấu.

Tín dụng tăng thời gian qua và dự báo cải thiện, nhưng có đạt được mục tiêu 17% và liệu khi nới room tín dụng, các ngân hàng kiểm soát được rủi ro?

Với mức tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay, theo tôi, là có khả đạt được và không quá lo ngại việc nợ xấu phát sinh.

Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực nhà, đất. Điều này có đáng ngại cho hiện tượng bong bóng tín dụng bất động sản không?

Còn nhớ vào giai đoạn 2007-2008, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đã tăng lên mức quá cao, bất bình thường. Từ mức chỉ 20-30%, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành đã lên mức 57% vào năm 2007, trong đó có sự góp phần rất lớn của các NHTM, mà dòng vốn chủ yếu đổ vào bất động sản, chứng khoán khiến thị trường bất động sản, chứng khoán xì hơi.

Nếu so với mức đáy vào đầu năm 2012, tín dụng cho bất động của ngành ngân hàng hiện đã tăng khoảng 70%, từ 197.000 tỷ đồng lên 333.000 tỷ đồng vào tháng 3/2015 cũng không phải là con số quá lớn.

Điều lo ngại là, nguồn tín dụng của các NHTM vào bất động sản không được kiểm soát chặt chẽ và con số dư nợ tín dụng cho vay bất động sản từ trước đến nay không đúng, thấp hơn nhiều so với thực tế các NHTM đưa ra.

Chi phí huy động vốn tăng dần khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng tăng lãi suất cho vay của ngân hàng trong thời gian tới. Đánh giá của ông về xu hướng này?

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất đầu vào trong thời gian qua chủ yếu là để cân đối lại nguồn, nhưng chủ yếu là ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, có thị phần tiết kiệm chưa rộng. Còn hiện thanh khoản của các ngân hàng theo tôi, vẫn khá dồi dào.

Mặt khác, để tăng trưởng được dư nợ tín dụng trong bối cảnh này không dễ nên các ngân hàng khó có thê điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất đầu ra. Ngược lại, muốn thu hút được khách hàng tốt vay vốn, các ngân hàng còn phải xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay, nhất là với vốn vay trung, dài hạn cần thiết giảm thêm 1-1,5%, bởi lạm phát được kiểm soát thấp.

Tin bài liên quan