Việc các CTTC huy động với lãi suất cao hơn ngân hàng đã tạo hiệu ứng tâm lý “lãi suất đang tăng mạnh”

Việc các CTTC huy động với lãi suất cao hơn ngân hàng đã tạo hiệu ứng tâm lý “lãi suất đang tăng mạnh”

“Nỗi oan” của công ty tài chính

(ĐTCK) Một số thông tin cho rằng, các công ty tài chính (CTTC) đang có dấu hiệu “xé rào” trong hoạt động huy động vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, qua đó vô tình đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, gây bất ổn cho hoạt động tài chính của Việt Nam…, song thực tế có hẳn là như vậy?

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một khách hàng cho biết, tháng 10 năm ngoái, khi lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần kỳ hạn 12 tháng cao nhất cũng chỉ đến 7,5%/năm, bà mua chứng chỉ tiền gửi của Home Credit Việt Nam thông qua một công ty quản lý quỹ với lãi suất 9,5%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Hiện tại, tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, không chỉ khách hàng là cá nhân, mà thậm chí một số ngân hàng cũng mua chứng chỉ tiền gửi của CTTC với lãi suất lên đến 13%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Việc các CTTC huy động với lãi suất gần gấp đôi ngân hàng đã tạo hiệu ứng “truyền thông” về việc lãi suất huy động đang tăng mạnh. Và câu chuyện là có sự dịch chuyển tiền gửi của một bộ phận cư dân sang chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao. Câu hỏi đặt ra là “hiệu ứng có lan rộng”?

Bà Đoàn Mộng Điệp, Trưởng phòng Nguồn vốn Home Credit Việt Nam chia sẻ, từ trước đến nay, việc CTTC huy động vốn từ các tổ chức bằng chứng chỉ tiền gửi là điều bình thường, bởi các lý do: thứ nhất, các CTTC không được huy động tiền gửi từ dân cư; thứ hai, các CTTC vay liên ngân hàng chỉ được vay kỳ hạn tối đa là 1 năm; thứ ba, các CTTC vẫn phải tuân thủ các chỉ số thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn.

Do vậy, bà Điệp cho biết, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là một trong những kênh huy động nguồn vốn dài hạn của các CTTC từ các doanh nghiệp, tổ chức, với lãi suất huy động thường cao hơn lãi suất vay từ nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng là điều đương nhiên.

Hơn nữa, phần huy động từ chứng chỉ tiền gửi dài hạn chỉ chiếm một phần trong danh mục nguồn vốn vay của các CTTC. Do đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng/giảm là do cung cầu thị trường quyết định, bên cạnh chính sách điều tiết trên thị trường vốn của NHNN.

“Lãi suất chứng chỉ tiền gửi mà Home Credit Việt Nam áp dụng hiện nay dao động từ 8-11%/năm với các kỳ hạn lên đến 3 năm. Phần huy động chứng chỉ tiền gửi trung-dài hạn chiếm khoảng 15-20%  danh mục nguồn vốn”, bà Điệp nói.

Theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN ban hành cuối năm 2013, các TCTD phi ngân hàng, trong đó có các CTTC, được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Đối tượng mua là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.

Đối tượng mua giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành lần đầu trên thị trường không bao gồm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của TCTD. Khi phát hành các loại giấy tờ có giá, CTTC phải báo cáo NHNN về từng đợt phát hành.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam, điều này có nghĩa, các CTTC là các TCTD, chịu sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Khi phát hành giấy tờ có giá như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…, phải tuân thủ điều kiện, thủ tục phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

Quy mô nhỏ, tác động nhỏ

Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tín dụng Việt Nam đã tăng hơn 16% so với đầu năm, vượt mức 8,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 378 tỷ USD. Năm 2016, tất cả TCTD trong hệ thống đều ghi nhận tổng tài sản tăng so với hồi đầu năm. Trong đó, nhóm CTTC và cho thuê tài chính là nhóm có mức tăng tổng tài sản lớn nhất hệ thống với tỷ lệ tăng hơn 30%, đạt mức 114.370 tỷ đồng.

Bà Dương cho biết, hiện tại, quy mô hoạt động của các CTTC tiêu dùng dù rất tiềm năng, nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong hệ thống tài chính Việt Nam.

Cụ thể, tổng tài sản có của CTTC tính đến cuối năm 2016 ước đạt 114.370 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,34% tổng tài sản có của toàn hệ thống (số liệu này đối với ngành ngân hàng là hơn 8,272 triệu tỷ đồng, chiếm 97%); tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của toàn hệ thống; tổng huy động vốn của các CTTC hiện chỉ ở mức khoảng 40.000 tỷ đồng, chưa bằng số dư huy động một ngân hàng nhỏ và chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ trong tổng số dư huy động từ các tổ chức kinh tế của toàn hệ thống (xấp xỉ 2,5 triệu tỷ đồng).

Với quy mô này, có thể thấy, việc đưa lãi suất cao của khối CTTC chỉ có tính “cục bộ” và với đặc thù huy động lãi suất kỳ hạn dài thì mức độ tác động lên lãi suất chung của thị trường không lớn. Tuy nhiên, “cạnh tranh lãi suất” luôn là chủ đề nhạy cảm trên thị trường tiền tệ nhiều năm qua, cơ quan quản lý cần thiết giám sát chặt chẽ kế hoạch phát hành về khối lượng, kỳ hạn…, để tránh hiện tượng dịch chuyển tiền gửi người dân ở quy mô lớn, tạo hiệu ứng tâm lý “lãi suất đang tăng mạnh”.      

Tin bài liên quan