Nhân sự truyền thông, marketing như những đại sứ thương hiệu của ngân hàng

Nhân sự truyền thông, marketing như những đại sứ thương hiệu của ngân hàng

Nỗi niềm người xây thương hiệu ngân hàng

(ĐTCK) Biến động nhân sự của ngành ngân hàng không chỉ diễn ra ở vị trí “ghế nóng” Tổng giám đốc (CEO), Chủ tịch HĐQT, mà đã và đang xảy ra ngay ở các bộ phận chuyên môn, đặc biệt là marketing, truyền thông.

Nhân sự marketting thay đổi chóng mặt

Bẵng đi vài tháng không gặp, khi làm việc với nhân viên truyền thông của Ngân hàng O., người viết tiện dịp hỏi thăm về Giám đốc truyền thông mới của Ngân hàng thì bất ngờ được biết: “Sếp em đã nghỉ được vài tuần!”. Bất ngờ là bởi, vị này chỉ mới từ Ngân hàng T. chuyển về Ngân hàng O. chưa đầy 6 tháng.  

Chính tại Ngân hàng T., trước đó, hàng loạt nhân sự từ lãnh đạo đến nhân viên bộ phận marketing và truyền thông xin nghỉ việc và chuyển sang làm việc tại Ngân hàng M. Vị trí Giám đốc marketing của Ngân hàng T. có người mới từ một ngân hàng nước ngoài chuyển sang. Thế nhưng, cũng chỉ chưa đầy một năm sau đó, vị giám đốc này cũng ra đi.

Biến động nhân sự không chỉ diễn ra với vị trí cấp cao của Ngân hàng, mà ở các phòng ban chuyên môn cũng có sự thay đổi liên tục, đặc biệt là ở bộ phận marketing, truyền thông. Sự xáo trộn này diễn ra mạnh mẽ hơn ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Đơn cử như cuối năm 2016, cả trưởng và phó phòng marketing - truyền thông của một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có trụ sở chính tại TP.HCM đều xin nghỉ việc.

Một trong hai nhân sự đó đã chuyển sang làm việc trong ngành bán lẻ và người còn lại đảm nhiệm vị trí Phó phòng Truyền thông đối ngoại của một ngân hàng cổ phần có quy mô tương đương.

Một số ngân hàng quy mô nhỏ hiện đang thu hút nhiều nhân sự từ một số ngân hàng lớn trong chiến lược đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng này. Đáng chú ý, tại một số nhà băng thực hiện tái cơ cấu thông qua M&A, bộ phận marketing của ngân hàng nhỏ nhập vào ngân hàng lớn  cũng chứng kiến cảnh không ít người ra đi.

Biến động nhân sự đang diễn ra mạnh mẽ ở bộ phận truyền thông, marketing 

Câu chuyện thay đổi lãnh đạo chủ chốt của bộ phận marketing và truyền thông trong ngành ngân hàng có xu hướng mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhân sự trong lĩnh vực này hầu hết chỉ di chuyển từ nhà băng này sang nhà băng khác.

Chẳng hạn, tại DongA Bank, hiện Trưởng phòng Marketing và Trưởng bộ phận Truyền thông là những nhân sự đến từ bộ phận marketing của HDBank và Nam A Bank. Hay tại VietA Bank, nhân sự mới phụ trách Phòng Marketing và truyền thông hiện tại từng có thâm niên làm việc tại MaritimeBank.

Trong khi đó, một cán bộ phòng marketing của SCB cũng là người đến từ MaritimeBank. Giám đốc khối hỗ trợ và phó phòng thương hiệu, truyền thông của VietBank hiện nay là những người từng làm việc tại Techcombank, Sacombank, Viet Capital Bank…

Tất nhiên, cũng có trường hợp, nhân sự marketing ra đi rồi trở lại như Phó phòng Phụ trách Marketing Nam A Bank từng gián đoạn công việc trong khoảng hơn 1 năm, sau đó đã quay trở lại Ngân hàng. 

Anh N, nguyên giám đốc thương hiệu của một ngân hàng chia sẻ, trong vòng 6 năm, anh đã chuyển việc qua 3 ngân hàng. Công việc phát triển thương hiệu ngân hàng vất vả, bận rộn, nhiều áp lực, nhưng cũng đầy hấp dẫn, vì vậy, dù có lúc chuyển sang lĩnh vực bất động sản, anh vẫn quay trở về với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, anh N. không trở về ngân hàng cũ, mà chọn một ngân hàng mới.

Công việc nhiều áp lực

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, đặc biệt là khi cạnh tranh trong ngành ngân hàng ngày càng gay gắt, các nhà băng ngày càng chú trọng đến công tác marketing, quan hệ công chúng, phát triển thương hiệu. Hàng năm, các ngân hàng đều chi một khoản ngân sách không nhỏ cho các hoạt động này. Việc này, theo một nhân viên truyền thông, không tránh khỏi có lúc làm những lúc bị bộ phận khác trong ngân hàng “ghen tỵ”, cho rằng không tạo ra doanh thu mà “chỉ biết tiêu tiền”.

Thực tế, kết quả của hoạt động marketing và truyền thông không dễ đo đếm bằng tiền, mà chỉ có thể đo đếm bằng độ phủ của thương hiệu, bằng niềm tin của khách hàng. Một khi thị trường, khách hàng biết đến sản phẩm của ngân hàng mới có thể chấp nhận mua. Vì lẽ đó, bộ phận kinh doanh bán được hàng một phần nhờ đến các marketing, truyền thông sản phẩm của bộ phận này mới có thể truyền tải được thông tin đến khách hàng.

Kết quả của hoạt động marketing và truyền thông không dễ đo đếm bằng tiền, mà chỉ có thể đo đếm bằng độ phủ của thương hiệu, bằng niềm tin của khách hàng

“Nhiều khi cũng cảm thấy buồn, vì có tiếng mà chả có miếng khi làm việc ở bộ phận được cho là tiêu tiền của ngân hàng. May chăng các lãnh đạo cấp trên thấu hiểu nỗi vất vả của bộ phận marketing, truyền thông”, nhân viên truyền thông trên chia sẻ.

Đặc thù của hoạt động marketing và truyền thông ở các ngân hàng là không tuân thủ theo giờ hành chính như các bộ phận chuyên môn khác trong ngân hàng. Quanh năm suốt tháng xoay vòng trong các chương trình truyền thông, tổ chức sự kiện của ngân hàng (cả nội bộ và bên ngoài), tiếp xúc khách hàng, đối ngoại…, thường xuyên có các chuyến công tác xa và dài ngày, quỹ thời gian của những nhân sự làm truyền thông, marketing bị choán hết bởi công việc.

Nhưng đó chưa phải là áp lực lớn nhất đối với những người làm truyền thông, marketing ngân hàng. Bài toán khó nhất với họ là làm thế nào để tạo dấu ấn với khách hàng về sản phẩm, thương hiệu của ngân hàng mình, trong khi dịch vụ của ngành tài chính - ngân hàng không khác nhau nhiều, chỉ xoay quanh các dịch vụ như tiền gửi tiết kiệm, cho vay, thẻ, bao thanh toán… Những năm gầy đây, các ngân hàng ra sức đẩy mạnh bán lẻ, bán chéo sản phẩm, song cũng không thể có nhiều thay đổi so với các sản phẩm được kể trên.

Tuy nhiên, một khi sản phẩm được tung ra, chẳng hạn một chương trình khuyến mãi huy động tiền gửi tiết kiệm, hay ưu đãi lãi suất cho vay sau khi triển khai 3 - 4 tháng không mang hiệu quả như trù tính, ngân hàng sẽ xem xét đến đến việc có tiếp tục triển khai hay không và trong tình huống này trách nhiệm của bộ phận marketing và truyền thông không thể thiếu.

Áp lực nhiều chiều, nên chuyện nhân sự truyền thông, marketing chuyển việc, dù ở tư thế chủ động hay bị động, đang trở thành chuyện phổ biến trong ngành ngân hàng.

Tin bài liên quan