Các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào cho vay bất động sản

Các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào cho vay bất động sản

Nới lỏng tiền tệ và “lời nhắc” của WB

(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhưng phải đảm bảo hiệu quả, đây là thông điệp được phát liên tục trong thời gian gần đây.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, tín dụng trong nước đang tiếp tục tăng mạnh trong điều kiện chính sách tiền tệ tạo thuận lợi.

Sau khi tăng trưởng mạnh trong các năm 2015 - 2016, tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm 2017 với mức tăng khoảng 7,6% kể từ đầu năm, tương đương khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

“Chính phủ Việt Nam gần đây đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với kế hoạch ban đầu là 18%. Mặc dù tăng trưởng GDP với hàm lượng tín dụng cao hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, nhưng có thể gây lo ngại về hiệu xuất của tín dụng mới và khả năng định giá rủi ro chưa hợp lý.

Tín dụng tăng nhanh cũng có thể làm gia tăng quan ngại về chất lượng tài sản, đặc biệt khi những rủi ro trên bảng cân đối liên quan đến nợ xấu được tích lũy những năm qua chưa được giải quyết triệt để”, ông Sebastian Eckardt nói.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao nhưng tác động đến GDP không như mong muốn bởi tín dụng đi vào thị trường thứ cấp như mua bán nhà cửa, bất động sản, chứng khoán… nhiều hơn. Nghĩa là chỉ phục vụ thương mại, ít hỗ trợ sản xuất kinh doanh nên không hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Một điểm được TS. Hiếu nhấn mạnh đó là, thực tế thời gian qua, các ngân hàng kinh doanh không dễ dàng. Dịch vụ ngân hàng ít nên nhà băng phải cố gắng đẩy vốn nhiều vào tín dụng với hy vọng có lợi nhuận để trả cho cổ đông, bù trừ chi phí của ngân hàng, chi phí nợ xấu. 

“Đẩy tín dụng lớn, nhanh sẽ gặp nhiều rủi ro và đương nhiên, vấn đề đầu tiên là nợ xấu. Đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản luôn là miếng mồi ngon cho các ngân hàng vì nhu cầu vay có, số tiền vay lớn, lãi suất cao. Tôi cho rằng, quan ngại của WB là có cơ sở”, TS. Hiếu nói.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào cho vay bất động sản. Vị lãnh đạo này cho biết một số liệu đáng chú ý, cụ thể, khoảng 500 nghìn tỷ đồng là cho vay các khách hàng cá nhân liên quan đến bất động sản, xây dựng và phần tương tự là cho vay các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản, xây dựng. Tổng tiền hệ thống ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng là gần 1 triệu tỷ đồng.

Hiện tại, tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng vào khoảng 6 triệu tỷ đồng, mà 1 triệu tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng nghĩa là chiếm tỷ lệ gần 17%. Đây là con số không nhỏ. Chưa kể, nhiều khoản vay thực chất là cho vay bất động sản nhưng đang được đặt trong nhóm cho vay tiêu dùng, dẫn tới khó có được con số thống kê chính xác, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản lý.

WB chia sẻ, để xử lý quan ngại gia tăng về tác động bất lợi của tăng trưởng tín dụng cao đến chất lượng cho vay, NHNN đã ban hành các quy định chặt chẽ về an toàn trong các hoạt động cho vay, cụ thể là Thông tư số 39 có hiệu lực từ 15/3/2017.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù một số biện pháp đã được thực hiện để giải quyết nợ xấu, nhưng các vấn đề về chất lượng tài sản vẫn là một quan ngại.

Kiểm toán Nhà nước và NHNN cho biết, tổng nợ xấu (bao gồm nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, nợ xấu của các ngân hàng bán cho VAMC và nợ xấu tiềm năng được nắm giữ trên tài khoản của các ngân hàng thương mại ước bằng khoảng 10,1% tổng dư nợ của khu vực ngân hàng trong năm 2016, so với mức 8,85% năm 2015.

“Đến cuối năm 2016, các khoản nợ được ngân hàng thương mại phân loại là nợ xấu chiếm một phần tư tổng nợ xấu. Khối lượng lớn những tài sản xấu đã bán cho VAMC và những khoản nợ được phân loại là nợ xấu tiềm năng chiếm ba phần tư còn lại”, WB cho biết.

TS. Hiếu nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP dựa nhiều vào đồng vốn tín dụng. Nguyên tắc tăng trưởng tín dụng khoảng 2,5 lần trên GDP, nếu tính GDP năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng tín dụng vào khoảng 16,75%. Do đó, ý định đẩy tăng trưởng tín dụng lên đến 20% là quá cao. Tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là điều tốt nhưng cần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn”.

“18% là con số quá cao theo đánh giá của WB bởi không đem lại nhiều lợi ích hay nói cách khác, lợi ích không xứng đáng với chi phí. Không nhất thiết phải kích cầu quá nhiều, đặc biệt khi đầu tư của nền kinh tế rất tốt. Ngay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng cần cẩn trọng hơn và con số phù hợp là 15%”, ông Sebastian Eckardt nói.

Tin bài liên quan