Các nhà băng vẫn phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu

Các nhà băng vẫn phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu

Nợ xấu giảm, nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng

(ĐTCK) Tuy nợ xấu của các ngân hàng đang có chiều hướng xuống thấp hơn nữa so với mức yêu cầu 3% vào cuối năm 2016, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn, đòi hỏi phải trích lập dự phòng 100%) lại trên đà tăng mạnh. 

Theo lãnh đạo các nhà băng, nợ nhóm 5 tăng do khó đòi các khoản cho vay trước đây, trong khi nợ xấu mới phát sinh hiện nay rất hạn chế.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2016 của các ngân hàng Vietinbank, ACB, Eximbank, Vietcombank, MB, OCB và ABBank lần lượt là 1,01%; 0,87%; 2,94%; 1,48%; 1,31%; 1,51% và dưới 3%. Nhìn chung, không còn nhà băng nào có tỷ lệ nợ xấu vượt mức cho phép 3%, ngay cả với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, chẳng hạn như Eximbank hay Saigonbank.

Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tại Eximbank lại có dấu hiệu tăng vọt ở nhóm 3 (nhóm nợ dưới tiêu chuẩn). Tương tự, nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) tăng 41% lên 1.132 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank đến cuối tháng 9/2016 chiếm 2,51% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm (1,88%). Tổng số nợ xấu là 297 tỷ đồng, tăng 35%, trong đó nợ tăng đều ở cả nhóm 3 và nhóm 5 là 238 tỷ đồng, chiếm 80%.

Các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC, cũng như ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. Thế nhưng, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho hay, các khoản nợ cũ khó đòi trước đây cho đến nay chưa thể thu hồi nên đã đẩy nợ nhóm 5 tăng. Điều này diễn ra ngay cả với nhà băng đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống rất thấp.

Đơn cử tại Vietinbank, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,01%, tính đến cuối năm 2016 là 6.741 tỷ đồng, tăng 1.800 tỷ đồng nợ xấu so với đầu năm, tương đương tăng 36%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng hơn 1.000 tỷ đồng, vào khoảng 3.819 tỷ đồng. VietinBank cho biết đã nhận diện những khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay, chủ động chuyển nhóm nợ cao hơn và đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn vốn.

Tổng nợ xấu của VIB đến cuối năm qua là 1.548 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm 2016 và chiếm 2,57% tổng dư nợ cho vay. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn chiếm 86%, lên tới 1.341 tỷ đồng. Nguyên nhân của số nợ xấu tăng lên là do trong quý IV/2016, VIB đã mua lại 30% nợ bán cho VAMC.

Trong khi đó, ACB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay thấp nhất với tỷ lệ 0,87% tính đến cuối năm 2016. Đây cũng là ngân hàng duy nhất có con số nợ xấu dưới 1%. Tổng số nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối năm 2016 là 1.419 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm, nhưng nợ xấu ACB tập trung vào nhóm công ty của bầu Kiên.

Mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai một cách đồng bộ với nhiều giải pháp. Trong đó, NHNN sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo hiện nay.

Cụ thể, cơ quan này đã báo cáo Viện Kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong thực thi giải quyết tài sản bảo đảm, về việc các cấp khác nhau vẫn nhìn nhận và áp dụng luật, xử lý khác nhau với tài sản bảo đảm. Đây là vấn đề từng được các ngân hàng thương mại nêu ra trong thời gian qua và kiến nghị cần có sự hỗ trợ từ các cấp và NHNN.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc xử lý nợ xấu vẫn phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của các ngân hàng thương mại, mà cụ thể là nhà băng phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận.

Vietcombank là ví dụ điển hình khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,48%, vào khoảng 6.836 tỷ đồng, với tổng nợ xấu được xử lý từ dự phòng là 4.174,8 tỷ đồng, bằng 0,91% tổng dư nợ, trong đó nợ nhóm 5 là 4.187 tỷ đồng.

Năm 2016, Vietcombank đã trích 2.632 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC và xóa hết trái phiếu VAMC ra khỏi bảng cân đối. Nợ xấu hoán đổi cho VAMC hiện đã quay trở lại Vietcombank và được trích lập dự phòng toàn bộ, nên tổng dự phòng tăng 5,6% so với năm 2015, lên 6.410 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự phòng cả năm của Ngân hàng là 6.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ước tính là 2,46%. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Quá trình xử lý nợ xấu chậm, tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Tin bài liên quan