Các ngân hàng cổ phần có quy mô lớn có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm

Các ngân hàng cổ phần có quy mô lớn có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm

Nợ có khả năng mất vốn tăng cao

(ĐTCK) Mặc dù đã sớm trích lập dự phòng và ra sức xử lý, song nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng vẫn tăng, khiến khoản trích lập dự phòng tăng vọt. Bởi vậy, nhiều ngân hàng chịu cảnh lợi nhuận teo tóp, kết quả kinh doanh sụt giảm.

Nợ nhóm 5 tăng chóng mặt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 30/6/2015 đã lên tới trên 4,283 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,86% so với cuối năm 2014. Trong khi đó, số liệu nợ xấu của hệ thống các TCTD tính đến ngày 30/6/2015 chiếm 3,72% tổng dư nợ (khoảng 160.000 tỷ đồng), giảm nhẹ so với mức 3,81% cuối tháng 3/2015, nhưng tăng so với tỷ lệ 3,49% tháng 1/2015.

Xét báo cáo tài chính của từng ngân hàng về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, còn nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14% so với cuối năm 2014. Trong số đó, 13 ngân hàng (BIDV, VCB, VietinBank, STB, VIB, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, MB, PGBank, EIB,...) đang có 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu.

Điều đáng chú ý là, những ngân hàng cổ phần quy mô lớn gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng lên đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2015. Tính đến ngày 30/6/2015, tổng cho vay khách hàng của Vietcombank là 340.736,45 tỷ đồng, tăng 5,38% so với cuối năm 2014.

Vietcombank đã được NHNN chấp thuận nâng tăng trưởng tín dụng cả năm từ 13% lên 16%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tính đến cuối quý II/2015 là 2,48%, tăng so với cuối năm 2014 là 2,31%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 959,83 tỷ đồng so với cuối năm 2014, lên 4.512,04 tỷ đồng.

Tổng số nợ xấu của BIDV tính đến ngày 30/6 tăng vọt lên 14.206 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, chiếm 2,74% trên tổng dư nợ, trong khi đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ ở mức 2,03%. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 47% so với đầu năm, lên 6.962 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 80%, lên mức 5.881 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Vietinbank cho thấy, tổng số nợ xấu sau 6 tháng tăng lên 6.977 tỷ đồng, chiếm 1,45% trên tổng dự nợ, tăng mạnh so với mức 1,1% đầu năm 2015. Trong đó, đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 88% từ 2.084 lên 3.923 tỷ đồng.

Ở một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như VPBank, DongA, STB… nợ nhóm 5 cũng tăng mạnh. Báo cáo quý II/2015 của VPBank cho thấy, số nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 1.075 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,54% tại thời điểm đầu năm lên 2,77%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng, theo một chuyên gia tài chính, là do tín dụng của ngân hàng cải thiện quá nhanh trong 2 quý đầu năm nay. Cụ thể, dư nợ cho vay của 13 ngân hàng tăng 10,6% so với thời điểm đầu năm, kéo theo đó, số nợ xấu cũng tăng mạnh 21,2%.

Đây là điều dễ hiểu, bởi các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn đầu ra, càng cho vay nhiều thì tỷ lệ rủi ro càng lớn và bắt đầu từ quý II/2015, các ngân hàng đã phải thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 09 nên nợ xấu tăng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 7 tháng đầu năm nay đã gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2014. Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, tính đến ngày 20/7, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tín dụng 7 tháng ước tăng 12,5% so với cuối năm trước, còn tại TP. HCM, dư nợ tín dụng cũng đã tăng trưởng 7%.

Trước động thái tăng mạnh “room” tín dụng cho nhiều NHTM mới đây, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, điều này cần thiết đối với nền kinh tế trong bối cảnh đẩy mạnh tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, do thị trường còn khó khăn, nợ xấu chưa xử lý nhanh, muốn tăng tín dụng, các NHTM phải kiểm soát được nợ xấu. 

Đòi hỏi sớm trích lập dự phòng

Theo NHNN, từ tháng 3/2015, số liệu nợ xấu phản ánh chính xác hơn, không còn khác biệt nhiều giữa số liệu các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN, bởi theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09, các TCTD đã thực hiện tham chiếu kết quả phân loại nợ đối với từng khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để phân loại lại nhóm nợ.

Về bản chất, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đang có xu hướng giảm đi, khi so sánh với tỷ lệ nợ xấu theo giám sát của NHNN. Cùng với việc áp dụng chuẩn mới cho phân loại nợ, NHNN còn có một loạt các yêu cầu, cũng như chế tài để đạt mục tiêu giảm nợ xấu của từng TCTD và cả hệ thống xuống 3% trước ngày 30/9. Mỗi NHTM sẽ phải bán lại cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN, đến mốc 30/9, sẽ phải bán hết 100% “chỉ tiêu được giao” nói trên.

Hiện nay, các ngân hàng đang chạy đua bán nợ cho VAMC, đồng thời, gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Eximbank là một điển hình trong việc chạy đua làm “sạch” bảng cân đối kế toán bằng cách đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC.

Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã bán được 75% chỉ tiêu nợ xấu được giao cho VAMC và xử lý thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch từ nay đến cuối tháng 9/2015, Ngân hàng sẽ bán tiếp 500 tỷ đồng nợ xấu.

Đây chính là một trong những lý do khiến lợi nhuận Eximbank giảm trong quý II/2015. Chi phí dự phòng quý II/2105 của Eximbank tăng 14% lên 166 tỷ đồng; trong khi, chi phí hoạt động phát sinh tăng mạnh 32%, lên 600 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 46%. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế còn lại 28,9 tỷ đồng, giảm 87% so với quý II/2014. Sau thuế, Ngân hàng lãi vỏn vẹn 26,9 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu có khả năng mất vốn tăng lên hơn 4.500 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2015, khiến khoản trích dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng hơn 1.000 tỷ đồng, lên mức 8.122 tỷ đồng. Vì thế, việc đạt được chỉ tiêu lợi nhuận 5.900 tỷ đồng trước thuế theo kế hoạch đặt ra cho năm nay cũng không phải là bài toán dễ đối với Vietcombank.

Tỷ lệ nợ xấu của LienVietPostBank đến cuối tháng 6/2015 là 1,2% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2015, LienVietPostBank đẩy mạnh thực hiện các quy định mới trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 và Thông tư 09 của NHNN, với tổng cộng hơn 292 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro. Chính việc tăng tăng dự phòng của LienVietPostBank đã ảnh hưởng tới lợi nhuận, khiến cho lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 160 tỷ đồng trong 6 tháng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro 300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2015 được kiểm soát ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB bán 74 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nên đòi hỏi một khoản dự phòng nhất định. Chính vì chi phí dự phòng cao nên kết quả kinh doanh của OCB 6 tháng đầu năm, theo ông Tùng, chỉ hoàn tất được khoảng 70 - 80% chỉ tiêu đưa ra cho nửa đầu năm.

Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, từ nay đến cuối tháng 9, các ngân hàng trên địa bàn phải kéo nợ xấu từ mức gần 5%, tính đến cuối tháng 6/2015, xuống dưới 3%. Từ nay đến cuối tháng 9/2015, các ngân hàng thương mại phải tự xử lý 3.000 tỷ đồng nợ xấu; bán nợ xấu cho VAMC là 22.000 tỷ đồng. Theo ông Minh, khi nợ xấu giảm, doanh nghiệp bất động sản sẽ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng.

TS Trần Du Lịch cho rằng, việc kiểm soát nợ xấu về ngưỡng 3% vào cuối năm nay là khả thi. Bởi trong 2 quý giữa năm, các ngân hàng đã buộc phải hoàn thành việc bán nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm lối ra cho nợ xấu. Việc hình thành thị trường mua - bán nợ phải được đẩy nhanh, bởi khi bán nợ xấu cho VAMC, trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về các ngân hàng.

Tin bài liên quan