Nợ có khả năng mất vốn của BIDV cuối quý I/2016 tăng hơn 460 tỷ đồng so với cuối năm 2015

Nợ có khả năng mất vốn của BIDV cuối quý I/2016 tăng hơn 460 tỷ đồng so với cuối năm 2015

Nợ có khả năng mất vốn chưa giảm

(ĐTCK) Tuy nợ xấu được kéo về dưới 3% và tiếp tục được các nhà băng kiểm soát dưới mức này trong những tháng đầu năm nay, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) vẫn chưa giảm, ngược lại có dấu hiệu tăng nhẹ tại nhà băng lớn.

Nợ nhóm 5 tăng 

Tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/3 của VietinBank là 0,96%, nhưng trong số hơn 5.300 tỷ đồng nợ xấu của nhà băng trên thì có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu của Vietcombank đến cuối tháng 3/2016 cũng được kiểm soát ở mức thấp, chiếm tỷ lệ 1,84% tổng dư nợ, song trong số gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu của Ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm chủ yếu, với 5.885 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tại thời điểm kết thúc quý I/2016 tăng lên mức 10.806 tỷ đồng (1,8%) so với mức 9.609 tỷ đồng (1,67%) tại thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gần 900 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng hơn 460 tỷ đồng, từ 4.735 tỷ đồng lên hơn 5.199 tỷ đồng.

Nợ nhóm 5 tăng khiến khoản dự phòng rủi ro của BIDV tăng lên trong quý đầu năm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng trong quý I/2016 của BIDV là hơn 4.068 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng đột biến lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2015 khiến BIDV chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Hay tại Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao đột biến trong quý I/2016 (337 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế trong kỳ của nhà băng này chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng và sau thuế 24 tỷ đồng, bằng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2016 của ACB ở mức 1,3%, nhưng trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 70%, với 1.315 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với cuối năm trước. Trong khi, chi phí hoạt động trong kỳ tăng nhẹ lên 1.075 tỷ đồng thì chi phí dự phòng quý này của ACB lại giảm nhẹ về 233 tỷ đồng. Trong quý I/2016, ACB trích dự phòng 200 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2016, ACB ghi nhận 389 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và sau thuế là 310 tỷ đồng.

Nợ xấu quý I/2016 của Techcombank tăng 24% lên 2.321 tỷ đồng, chiếm 2,03% tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 1,67% tại thời điểm cuối năm 2015. Chi phí dự phòng của Techcombank tăng 15,2%, lên 1.600 tỷ đồng trong quý I/2016. Tuy nhiên, kết thúc quý I, Techcombank đạt 582 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. 

Nợ xấu khổng lồ ngóng bất động sản

Ngược lại, ở một số nhà băng, dù nợ nhóm 5 có tăng lên trong quý đầu năm, nhưng do tổng nợ xấu giảm xuống nên dự phòng rủi ro cũng thấp hơn cùng kỳ. Chí phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2016 của Vietcombank bất ngờ giảm gần 14%, còn 1.305 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2016, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.840 tỷ đồng, tăng hơn 62% cùng kỳ năm 2015.

Với Vietinbank, chi phí hoạt động trong quý I/2016 cũng tăng 21,2% lên 2.645 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ giảm nhẹ từ 1.510 tỷ đồng xuống 1.441 tỷ đồng. Kết thúc quý I, Vietinbank ghi nhận 2.404 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.923 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 54% so cùng kỳ.

Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của MB trong quý I/2016 giảm mạnh 28% so với cùng kỳ, nhưng do Ngân hàng giảm trích lập dự phòng xuống còn 1/3 đã kéo lợi nhuận trước thuế lên 882 tỷ đồng, tăng 10,6%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 706 tỷ đồng, tăng 13,8% so với kết quả quý I/2015. Trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng là 705 tỷ đồng.

Lý giải về câu chuyện nợ nhóm 5 tăng mạnh trong thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính, ngân hàng, Trường đại học Mở TP. HCM cho rằng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát về mức 3% hiện nay được xem là thành quả sau quá trình các ngân hàng đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn rất chậm.

Thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian qua được xem là điều kiện tác động tích cực lên quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, tuy nhiên, lượng nợ xấu VAMC đã “gom” về từ các NHTM rất lớn, vào khoảng 250.000 tỷ đồng, trong khi đầu ra của nợ xấu lại khá khó khăn nên nợ nhóm 5 tăng là điều khó tránh.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc xử lý nợ xấu 2016 có tiến triển hay không vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khối tài sản đảm bảo khổng lồ đang nằm bất động, trong đó phần quan trọng nhất là nằm ở các khoản nợ mà ngân hàng đã bán cho VAMC trong 2 năm vừa qua.

Tin bài liên quan