Dịch vụ tín dụng tiêu dùng khá tiện lợi, song vẫn còn nhiều khó khăn để vượt qua

Dịch vụ tín dụng tiêu dùng khá tiện lợi, song vẫn còn nhiều khó khăn để vượt qua

Những vật cản trong tín dụng tiêu dùng

(ĐTCK) Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng do các công ty tài chính cung cấp đang tăng trưởng khá mạnh mẽ, nhưng dù được quảng bá là ứng dụng công nghệ và chuẩn mực nước ngoài thì vẫn còn những vấn đề tồn tại, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, trong những năm gần đây, cho vay tiêu dùng đã phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng là 21% (2013), 18% (2014), tạo kênh tiếp cận vốn cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình trở xuống, hạn chế bớt kênh tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Với 16 công ty tài chính, giá trị dịch vụ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam chiếm khoảng 6,6% GDP.

“Con số này không cao, nhưng là dễ hiểu. Bởi ngay với loại hình cho vay của ngân hàng có lịch sử hình thành lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu đầy đủ, chứ chưa chưa nói đến một loại hình dịch vụ mới phát triển là công ty tài chính”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, điểm tích cực là hơn một nửa dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 30, tương đương 47 triệu người và đặc điểm của nhóm dân số trẻ này là sự năng động, ưa thích công nghệ và có nhu cầu chi tiêu cao… được nhìn nhận là nhân tố thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng trong những năm tới.

Đó là tiềm năng, nhưng để tiềm năng biến thành thực tế là một chặng đường dài.

Đại diện CTCP MediaMart Việt Nam, thương hiệu lớn về bán lẻ hàng điện máy và công nghệ đã hợp tác với một công ty tài chính trong nhiều năm qua, ông Phạm Thế Hà chia sẻ: “Trong quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay tiêu dùng, chúng tôi cũng nhận thấy quy trình còn khá phức tạp, khách hàng hiện còn khá nhiều băn khoăn như: lãi suất, thủ tục, thời gian duyệt và kỳ hạn trả góp, tư vấn đăng ký mua trả góp qua điện thoại, qua online…”.

Về mặt khung khổ pháp lý, ông Hùng cho biết thêm, năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng đang triển khai mạnh, nhưng nhiều người tiêu dùng thiếu thông tin, thông tin không rõ ràng hoặc không tìm hiểu kỹ, dẫn đến thua thiệt khi tham gia dịch vụ này…

“Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, nhưng trên thực tế, việc chấp hành chưa nghiêm nên nhiều điều khoản trong hợp đồng không phù hợp pháp luật, gây bất lợi cho người tiêu dùng”, ông Hùng nhận định.

Thừa nhận những tồn tại đã tạo nên những bất tiện cho khách hàng, ông Bruce Butler, Tổng giám đốc Home Credit thẳng thắn cho biết, bên cạnh việc khách hàng ít khi đọc các điều khoản trong hợp đồng còn là câu chuyện của nhân viên tư vấn không thực hiện theo quy trình… Nhưng cũng theo ông Butler, các công ty tài chính đang có những thay đổi để phục vụ khách hàng tốt hơn, cụ thể như hợp đồng của Home Credit chỉ 2,5 trang nêu rõ tất cả những chi tiết cơ bản của khoản vay, thời gian phê duyệt khoản vay chỉ từ 10-15 phút...

Ngoài những vấn đề mang tính chủ quan từ phía đơn vị cung cấp dịch vụ là các công ty tài chính, thời gian qua, việc phát triển loại hình tài chính tiêu dùng đang cho thấy điểm hạn chế từ chính người đi vay và nhận thức xã hội, tạo nên những rủi ro khi phát triển dịch vụ này quá nóng.

Lãnh đạo một công ty tài chính đã không ngần ngại bày tỏ những quan ngại đến từ chính các khách hàng. Đó là trình độ học vấn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong sử dụng sản phẩm tài chính và phân tích khả năng chi trả, hay những khó khăn trong việc đọc và hiểu rõ các hồ sơ khi vay, đến việc thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Song song với đó là nhận thức chung về vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với nền kinh tế còn bị xem nhẹ.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về dịch vụ tiêu dùng cần được đẩy mạnh hơn và nhiệm vụ đầu tiên đến từ chính các công ty tài chính. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề cũng nên có sự tham gia trong công tác tư vấn, hướng dẫn tiêu dùng, bởi việc này chính là góp phần bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để giúp người tiêu dùng có nhu cầu tìm hiểu về những nội dung cơ bản của loại hình dịch vụ vay tiêu dùng, căn cứ vào vào chức năng tuyên truyền, phổ biến kiến thúc tiêu dùng được quy định tại Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Hiện Vinastas đang biên soạn cuốn cẩm nang kiến thức tài chính tiêu dùng lần thứ 3, với hy vọng phần nào giúp ích cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và tránh rủi ro với hình thức mua sắm đang ngày càng trở nên phổ biến”, ông Hùng nói.               

Tin bài liên quan