Vietcombank vừa có một năm hoạt động khá thành công

Vietcombank vừa có một năm hoạt động khá thành công

Những vấn đề nóng tại “mùa đại hội” ngân hàng

(ĐTCK) Hiện đã có một số ngân hàng công bố lịch ĐHCĐ thường niên và khả năng các ngân hàng sẽ đồng loạt tổ chức đại hội vào cuối quý I và đầu quý II/2016.

Với nhiều diễn biến sôi động năm qua, nhiều khả năng sẽ có không ít vấn đề nóng được nêu ra trong các ĐHCĐ ngân hàng.

LienVietPostBank vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016. Ngân hàng sẽ tổ chức ĐHCĐ trong khoảng từ ngày 25/3 đến ngày 15/4 tới.

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường ngày 6/1/2016, cổ đông LienVietPostBank đã nhất trí thông qua bầu bổ sung ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank, làm thành viên HĐQT kiêm CEO nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đồng thời, ĐHCĐ LienVietPostBank cũng đồng thuận việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phạm Anh Tuấn và bầu bổ sung bà Chu Thị Lan Hương thay thế vị trí này.

Như vậy, HĐQT của LienVietPostBank hiện gồm có 9 thành viên. Năm 2015, nhà băng này đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 936 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2014; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8% và nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ. Đến thời điểm này, LienVietPostBank vẫn chưa công bố con số lợi nhuận cả năm, nhưng báo cáo tài chính quý III/2015 của Ngân hàng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 344 tỷ đồng, hoàn thành 36% kế hoạch năm.

Vietcombank cũng cho biết sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 vào 15/4 tới. Thời gian chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ là ngày 1/3/2016. Nội dung ĐHCĐ lần này của Vietcombank gồm: thông qua báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016; thông qua việc phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2015, thông qua mức thù lao cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát. Vietcombank vừa kết thúc năm 2015 khá thành công với 6.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16,8% so với năm trước đó.

Lợi nhuận sau thuế đạt 5.333 tỷ đồng, tăng 16,3%. Tổng tài sản Vietcombank đạt 673.910 tỷ đồng, tăng 16,7% so với thời điểm đầu năm… Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất được Vietcombank công bố, tính đến cuối năm 2015, nợ có khả năng mất vốn tăng 59% so với đầu năm, lên mức 5.672 tỷ đồng.

Mới đây, HĐQT Saigonbank vừa gửi thông báo đến cổ đông về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến ĐHCĐ bằng văn bản với nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT. Theo đó, thời gian chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến của Ngân hàng là 16h30 ngày 3/3/2016.

Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông từ 7/3/2016 đến 16h30 phút ngày 21/3/2016. Trước đó, vào đầu quý III/2015, Saigonbank đã thay Chủ tịch HĐQT khi ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 kể từ ngày 1/9/2015 thay cho ông Nguyễn Phước Minh nghỉ hưu theo chế độ.

Saigonbank cũng thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng. Thời gian lấy ý kiến cổ đông từ 15 - 25/9/2015. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng vẫn chưa công bố kết quả lấy ý kiến cũng như triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng như đã trình ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên 2015. Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng ở mức 3.080 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2015, Saigonbank từng nhận được nhiều quan tâm trên thị trường bởi thông tin sáp nhập vào Vietcombank. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên của hai ngân hàng năm 2015 vẫn chưa có thông tin nào chính thức được đề cập với cổ đông. Cơ cấu cổ đông của Saigonbank hiện khá cô đặc, trong đó cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP. HCM.

Tiếp đến là Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận; Công ty Du lịch thương mại Kỳ hòa; Công ty Dầu khí TP. HCM. Ngoài ra, hai ông lớn ngân hàng là Vietcombank và VietinBank cũng có cổ phần tương đối lớn, trong đó VietinBank sở hữu gần 10,4% vốn Saigonbank.

Vì vậy, tại ĐHCĐ Saigonbank năm nay, vấn đề được chú ý nhiều nhất theo nhận định của một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, vẫn chính là việc sáp nhập vào một nhà băng khác. Thực tế, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank đã được đưa ra nhiều năm nay, nhưng vẫn không thể triển khai nên khó có thể tránh được con đường M&A. Ngoài ra, Saigonbank cũng là một trong những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao (dưới 5%) trong năm 2014 và hẳn chưa thể xử lý rốt ráo trong năm 2015.

Với thị trường nói chung, mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay sẽ tiếp tục nóng với mức chia cổ tức, chia thưởng lãnh đạo, xử lý nợ xấu, lợi nhuận, thay đổi lãnh đạo cấp cao, tăng vốn, thoái vốn, sáp nhập…, trong đó đáng chí ý là thương vụ sáp nhập Vietinbank - PGBank chưa hoàn tất năm qua.

Bên cạnh câu chuyện M&A, thay đổi nhân sự thì cổ tức luôn là vấn đề được cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ quan tâm nhiều nhất trong các kỳ ĐHCĐ của các ngân hàng. Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng, năm nay sẽ có rất ít ngân hàng trả cổ tức trên mức lãi suất tiết kiệm, thậm chí những nhà băng đang trải qua quá trình tái cơ cấu phải tập trung mọi nguồn lực còn khó có thể chia cổ tức.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các nhà băng phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến việc chia cổ tức cho cổ đông. Đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu tuy đã được kiểm soát, nhưng quá trình xử lý còn rất chậm và chưa rốt ráo.              

Tin bài liên quan