Những quy định mới tác động đến hoạt động ngân hàng 2017

Những quy định mới tác động đến hoạt động ngân hàng 2017

(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh ngân hàng trong năm 2017 chịu ảnh hưởng sâu rộng từ một loạt văn bản quy phạm pháp luật mới.

Không giống như doanh nghiệp thông thường, ngân hàng hoạt động trên cơ sở mỗi nghiệp vụ được dựa trên nền tảng hàng loạt văn bản quy chế, quy trình, quy định.

Các văn bản quy định nội bộ của ngân hàng lại có mối liên hệ chặt chẽ với các văn bản pháp quy. Pháp luật có sự thay đổi, thì quy trình nội bộ của ngân hàng cũng phải thay đổi.

Thay đổi cơ bản từ Bộ luật Dân sự năm 2015

Bộ luật Dân sự năm 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, ngay lập tức đã tác động đến hệ thống ngân hàng.

Hãy thử hình dung trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư một hệ thống máy móc, thiết bị. Ngay khi khách hàng mua hệ thống máy móc thiết bị, ngân hàng và khách hàng đã tiến hành ký hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Nếu như trước đây, quyền ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm chắc chắn thuộc về ngân hàng, nhưng nay thì ngân hàng không thể chủ quan, vì có một quy định mới trong Bộ luật Dân sự 2015 làm thay đổi vấn đề này.

Đó là biện pháp bảo đảm có tên gọi "bảo lưu quyền sở hữu", xuất hiện bên cạnh các biện pháp bảo đảm quen thuộc như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ...

Bảo lưu quyền sở hữu cho phép các bên thỏa thuận quyền sở hữu tài sản chỉ chuyển từ bên bán tới bên mua khi việc thanh toán hoàn tất. Giả sử các bên mua bán thực hiện “bảo lưu quyền sở hữu” và đăng ký giao dịch bảo đảm trước thì hợp đồng thế chấp của ngân hàng sẽ xếp thứ tự ưu tiên sau.

Không chỉ có “bảo lưu quyền sở hữu” mà “cầm giữ tài sản” cũng mới xuất hiện với tư cách một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự. Như vậy, các thay đổi này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có những nghiên cứu để cập nhật, sử dụng các biện pháp bảo đảm mới trong nghiệp vụ bảo đảm tiền vay hoặc có các nghiên cứu phát hiện rủi ro, giải pháp quản lý.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng có hàng loạt điểm mới, chẳng hạn như cơ chế ủy quyền thông thoáng hơn. Nếu trước đây, việc ủy quyền lại chỉ có thể thực hiện một lần, thì nay có thể ủy quyền lại nhiều lần với các điều kiện luật định.

Các quy định về chủ thể pháp lý như cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình có sự thay đổi. Đáng chú ý là các nội dung quy định mới về hợp đồng vay tài sản, lãi suất (mức lãi suất trần của hợp đồng vay tài sản), lãi quá hạn, lãi phạt đều được quy định hoàn toàn mới trong Bộ luật Dân sự. Các quy định này sẽ thực sự tác động trực tiếp vào hệ thống các nghiệp vụ của ngân hàng như giao dịch tài khoản, huy động vốn, cho vay, bảo lãnh…

Những hướng dẫn mới của Ngân hàng Nhà nước

Không chỉ chịu tác động từ những quy định mới của Bộ luật Dân sự, hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng chịu sự điều chỉnh của hàng loạt văn bản pháp quy nghiệp vụ chuyên ngành hoàn toàn mới. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư quy định nghiệp vụ cho lĩnh vực ngân hàng. Có những Thông tư sẽ sớm tác động tức thời với ngành ngân hàng như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Từ ngày 15/3/2016 trở đi, toàn bộ hoạt động cho vay của các ngân hàng vốn hơn 16 năm qua thực hiện trên cơ sở Quy chế cho vay số 1627 sẽ phải thay đổi dựa trên các quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Có những thông tư được ban hành với hiệu lực áp dụng muộn hơn vào thời điểm giữa năm như Thông tư số 35 về an toàn bảo mật thông tin cho dịch vụ internet banking (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017).

Xa hơn nữa, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy các ngân hàng nên giật mình với thời hạn tưởng dài mà hóa ngắn tại thông tư này.

Các tỷ lệ, giới hạn an toàn vốn đối với ngân hàng theo hướng dẫn tại Thông tư cần sự khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị ngay từ bây giờ. Các ngân hàng thiếu chủ động trong kế hoạch ứng phó, triển khai có thể rơi vào tình trạng khó khăn trong thực thi kế hoạch tăng trưởng những năm tới.

Bên cạnh đó, có những chính sách nghiệp vụ mới đến từ các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, hay Thông tư số 40 về sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.

Mặc dù giới ngân hàng đã thực tế triển khai các nghiệp vụ giao dịch dạng này, nhưng quy định mới tại các thông tư sẽ thiết lập cơ bản nền tảng pháp lý chính thức cho nghiệp vụ.

Với những quy định mới trên đây, các ngân hàng phải có nhiều thay đổi về hệ thống quy trình nghiệp vụ trong năm 2017.

Tin bài liên quan