Ông Cao Văn Bình

Ông Cao Văn Bình

Những lưu ý để tránh bị ưu “vết đen” trong hồ sơ tín dụng

Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cho rằng, nếu không tạo thói quen trong quản lý giấy tờ cá nhân và nghĩa vụ trả nợ đúng hạn khi vay vốn, khách hàng sẽ để lại lịch sử tín dụng không tốt trên CIC, ảnh hưởng khi tiếp cận các tổ chức tài chính khác sau này, nếu có nhu cầu đi vay.

Theo ông, khi vay khách hàng cần lưu ý gì để tránh tình trạng lịch sử nợ xấu trên CIC?

Nếu không tạo thói quen trong quản lý giấy tờ cá nhân và nghĩa vụ trả nợ đúng hạn khi vay vốn, khách hàng sẽ để lại lịch sử tín dụng không tốt trên CIC.

Chỉ cần sơ suất trong trả nợ, sẽ dẫn đến phát sinh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tổ chức cho vay. Dù số tiền nhỏ và đã hoàn thành rồi, nhưng lịch sử vẫn bị ghi nhận và đến 5 năm sau mới bị xóa đi, ảnh hưởng khi tiếp cận các tổ chức tài chính khác sau này, nếu có nhu cầu đi vay.

Các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính (CTTC) khác đều có thể xem được lịch sử này mà xem xét và quyết định khoản vay của khách hàng. Vì vậy, để tránh lịch sử nợ xấu để lại trên CIC, khách hàng cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như các nghĩa vụ trả nợ. Bởi thông tin tín dụng có tác động lên mọi cá nhân, mọi ngành, trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.

Trường hợp, thông tin CIC sai sót, khách hàng có thể khiếu kiện để chỉnh sửa, thưa ông?

CIC có phòng hỗ trợ khách hàng để giải quyết khiếu nại khi thông tin sai lệch. Khách hàng có thể liên hệ số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội hoặc số 8 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. HCM.

Khách hàng có thể liên lạc qua 3 kênh: bưu điện,  email hoặc trực tiếp (CIC đã có mẫu đơn trên website của trung tâm CIC). Khách hàng chỉ được thắc mắc những thông tin liên quan đến mình, chứ không được tìm hiểu thông tin người khác. Sau khi tiếp nhận, CIC sẽ tìm hiểu, đối chiếu lại cơ sở dữ liệu. Nếu phát hiện sai sót, CIC sẽ cấp cho người bị sai sót một bản báo cáo chính thức, mã số khác và cập nhật lại với ngân hàng đã hỏi về người này.

Nhưng qua thực tế cho thấy, các vụ việc này xảy ra khá ít. Trường hợp còn lại, nếu các sai sót từ ngân hàng, chúng tôi phải tra soát dữ liệu, từ đó mới quyết định xem có chỉnh sửa hay không. Ngân hàng phải nói rõ lý do sai sót và người đại diện pháp luật của TCTD phải ký vào biên bản chỉnh sửa thì mới được điều chỉnh dữ liệu trên CIC.

Vậy khách hàng kiểm tra thông tin của mình trên CIC bằng cách nào và CIC có hỗ trợ?

CIC sẵn sàng hỗ trợ khách hàng kiểm chứng. Tháng 9/2015, CIC đã mở cổng thông tin cho khách hàng đăng ký thông tin và nhận báo cáo. Bảo mật là quan trọng nhất nên phải xác minh người yêu cầu là người sở hữu thông tin.

Hiện chương trình này đang thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Khách hàng có thể đến các chi nhánh của VietinBank để đăng ký tạo tài khoản cho mình, sau đó sẽ được cấp tài khoản và có thể tra cứu thông tin của mình được ghi nhận trên CIC. CIC đang nghiên cứu cho phép đăng ký và cung cấp thông tin online trên phạm vi toàn quốc, đồng thời, nỗ lực tuyên truyền về cổng thông tin, khuyến khích khách hàng đăng ký thông tin.

Theo báo cáo Doing Business của World Bank, độ phủ thông tin ở Việt Nam hiện chỉ mới đạt 40%, tức là có đến 60% khách hàng chưa được ghi nhận thông tin và họ sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính. Vì thế, theo kế hoạch hành động của NHNN đến năm 2020, CIC đang tích cực mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành, từ cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích (điện, viễn thông…). Vì thế, kể cả những khách hàng chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các TCTD tham khảo.

Đánh giá của ông về ý thức và trách nhiệm khách hàng đối với khoản vay của mình?

Tôi cho rằng, ý thức trách nhiệm người vay hiện đã được cải thiện khá cao. Tuy nhiên, do những nguyên nhân bất khả kháng, có thể một số khách hàng mới không thanh toán đúng hạn. Vì thế, khách hàng nên trang bị cho mình những điều kiện cần thiết và tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như nghĩa vụ trả nợ để trở thành người tiêu dùng thông minh, tìm hiểu và khai thác hiệu quả các công cụ thanh toán tiện lợi như ví điện tử, ebanking… giúp thanh toán thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.

Còn với cơ quan quản lý và TCTD, nên quan tâm khuyến khích khách hàng sử dụng công nghệ giúp họ quản lý khoản vay hiệu quả, hỗ trợ hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, CIC đang thí điểm mở cổng thông tin cho khách hàng đăng ký và thông qua tài khoản trên CIC có thể kết nối được với các ngân hàng. Qua đó, CIC giúp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân.

CIC thực hiện chấm điểm tín dụng cho mọi cá nhân 18 tuổi trở lên có quan hệ tín dụng và chưa có quan hệ tín dụng theo thông lệ quốc tế.

Đây là một công cụ chứng minh năng lực tài chính, cũng như lưu trữ thông tin của người dân, phục vụ việc tiếp cận các khoản tín dụng ngân hàng sau này.

Tin bài liên quan