Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015

Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015

Những con số ấn tượng thị trường tài chính 2016

(ĐTCK) Đánh giá chung về thị trường tài chính trong năm 2016, tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính 2016 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch NFSC nhận định, có chuyển biến tốt với những con số đáng chú ý.

Ví dụ, tổng tài sản các định chế tài chính đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 188% GDP), tăng 13% so với cuối năm 2015. Tài sản các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 96% tổng tài sản của hệ thống. Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015, trong đó dư nợ cho vay từ TCTD là 62,5%, cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán (TTCK) là 37,5%.

“Nếu tính trên tài sản, mức sinh lời đã cải thiện với ROA là 0,6% (so với năm 2015 là 0,49%). Nếu tính trên vốn chủ sở hữu ROE là 7,63% (so với năm 2015 là 5,98%)”, ông Phước nói.

Cụ thể hơn, đối với thị trường tiền tệ, ông Phước cho rằng, chính sách tiền tệ đã nới lỏng ở mức hợp lý với M2 ước tăng 13,5%, so với mức tăng 10% của 2015. Lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm và gần đây có giảm theo chỉ đạo của Chính phủ. Đối với thị trường ngoại hối, nguồn cung ngoại tệ hỗ trợ tích cực bởi thặng dư cán cân thương mại, nguồn vốn FDI, ODA giải ngân tăng.

“Tỷ giá trung tâm dự kiến tăng dưới 1%, nhưng dự trữ ngoại hối tăng 40 tỷ USD, đây là thành công trong chính sách hối đoái”, ông Phước nhấn mạnh.

Đối với khu vực chứng khoán, ông Phước cho biết, tình hình tài chính các công ty chứng khoán đã cải thiện, với tổng tài sản tăng 8% so với cuối năm 2015, nợ quá hạn giảm 16%, dự phòng đầu tư tài chính giảm 25%. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại của TTCK cũng được ông Phước chỉ ra, đó là quy mô TTCK vẫn thấp, hay như sản phẩm chứng khoán chưa đa dạng, chưa có sản phẩm phái sinh, đặc biệt là mức độ tự do hóa tài khoản vốn và tính chuyển đổi của VND thấp hơn các nước trong khu vực.

“Thị trường bảo hiểm tăng trưởng, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng, tình hình tài chính các công ty bảo hiểm an toàn với tổng tài sản các công ty bảo hiểm tăng 14% so với cuối năm 2015, đầu tư trái phiếu chính phủ tăng 22% so với cuối năm 2015, đầu tư trái phiếu chính phủ và tiền gửi TCTD trên 70% tổng đầu tư…”, ông Phước cho biết.

Nhận định chung về tình hình kinh tế vĩ mô, NFSC cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 là do giá dịch vụ công đã được chủ động điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa giá cả theo nguyên lý kinh tế thị trường. Nhóm giá dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 3% trong tổng số 4% lạm phát 10 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, lạm phát cơ bản năm 2016 dự báo ổn định (dưới 2%) so với năm 2015.

Phân tích cụ thể hơn, ông Phước nói: “Năm nay lạm phát dự kiến 4,5% và có thể dưới 5%, nghĩa là kiểm soát được như chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, lạm phát do Chính phủ điều chỉnh dịch vụ công liên quan đến y tế, nên lạm phát là 4,5% trừ đi dịch vụ công khoảng 3%, tức là lạm phát thực chỉ 1,5%. Ngoài ra, có một chỉ số mang tính chất cơ bản hơn là lạm phát cơ bản, mà theo tính toán của NFSC là 1,85%”.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, mức lạm phát năm 2016 của NFSC dự báo là không thực tế. Đồng quan điểm này, ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho hay, đến nay lạm phát đã là 4%, nên nếu nhận xét cả năm lạm phát ở mức 4-4,5% là chưa hợp lý.

“Dự kiến 2 tháng cuối năm sẽ không điều chỉnh giá y tế, nên chủ yếu thay đổi lạm phát cuối năm là xăng dầu, giá thực phẩm, lương thực. Lương thực đóng góp vào mức tăng của lạm phát tương đối nhỏ. Với việc ông Donal Trump thắng cử, nên giá dầu dự kiến khó tăng mạnh trong thời gian tới. Nên tính bình quân mỗi tháng lạm phát tăng 0,5% và hiện còn 2 tháng cuối năm, tôi dự kiến lạm phát năm 2016 là 4,5-5%”, ông Dũng nói.

Trong một đánh giá khác, ông Nguyễn Đức Thuý, nguyên Chủ tịch NFSC cho rằng: “Đánh giá về năm 2016, không nên biến thành ‘nô lệ’ của các chỉ tiêu, vì đó không phải chỉ tiêu đánh giá thực sự sức khoẻ của nền kinh tế, mà vấn đề phải là hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế”.            

Liên quan đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Phước nêu quan điểm: “Phải đợi đến ngày 20/1/2017 và có thể sau đó nữa, khi nội các mới của ông Donal Trump chính thức ra mắt, trên cơ sở dựa vào các chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng, ngoại giao của Chính phủ mới có thể đưa ra nhận định về tác động của bầu cử Mỹ đối với giá vàng và USD. Vấn đề tôi muốn trao đổi, đó là ông Trump có những luận điểm phê phán lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện nay, điều này có nghĩa, ông Trump đã có thể có những gói kinh tế kích thích cầu nội địa của nền kinh tế Mỹ, liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ. Còn đối với chính sách tiền tệ tổng thể trong một thời kỳ, chúng ta vẫn phải chờ đến tháng 1 năm sau”.

Tin bài liên quan