NHNN đã chấp thuận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Citibank

NHNN đã chấp thuận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Citibank

“Những con hổ đang ngủ” tại Việt Nam

(ĐTCK) Năm 2016 được thị trường nhìn nhận sẽ là một bước ngoặt đối với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và đi vào thực thi

Thị phần nhỏ tạo sức ép không nhỏ

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đã có gần 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 53 văn phòng đại diện, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và NHNN đã chấp thuận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Berhad (PBB-Malaysia) và Citibank (Mỹ). Song song với đó, trong năm 2015, một số ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng mức vốn được cấp để đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam.

Điều này sẽ tạo nên sức ép không nhỏ đối với các ngân hàng nội. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo cao cấp Dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ernst & Young chia sẻ, các ngân hàng có lợi thế riêng về tài chính, công nghệ, quy trình, kinh nghiệm cũng như trình độ phát triển… nhưng sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp thị trường thêm cạnh tranh chứ không chỉ làm miếng bánh thị phần của ngân hàng Việt thu hẹp.

Trên thực tế, mặc dù liên tục phát triển và mở rộng sự hiện diện, với vốn điều lệ/vốn được cấp có xu hướng tăng khá nhanh từ mức 13% (năm 2009) lên đến 19,1% (năm 2014) (chưa kể gần 5% vốn góp, mua cổ phần của khối ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng TMCP Việt Nam), tuy nhiên, thị phần tổng tài sản và huy động vốn của khối ngân hàng nước ngoài chỉ tăng nhẹ (thị phần tổng tài sản tăng từ 10,4% năm 2009 lên 10,67% năm 2014, thị phần huy động vốn tăng từ 7,9% năm 2009 lên 8,19% năm 2014).

“Những con hổ đang ngủ” tại Việt Nam ảnh 1

HSBC Việt Nam sẽ đẩy mạnh tài trợ các dự án trung và dài hạn trong năm 2016 

Đáng chú ý, tỷ trọng cho vay của khối này đã giảm từ 9,2% năm 2009 xuống 8,28% năm 2014, trong đó thị phần cho vay của nhóm các chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm mạnh từ 6,3% năm 2009 xuống còn 4,16% năm 2014. Tuy nhiên, tính đến năm 2014, chênh lệch thu nhập - chi phí của khối đạt 5.380,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2010. Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 0,8, cao hơn so với toàn hệ thống (0,63). Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khối này là 4,8, thấp hơn ROE của toàn hệ thống (6,87).

Theo các chuyên gia tài chính, các ngân hàng ngoại được ví như “những con hổ đang ngủ” và nếu không nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, thị phần của các ngân hàng nội rất có thể sẽ bị thu hẹp. Bởi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ kéo theo việc mở rộng quy mô thương mại quốc tế và đầu tư FDI, FII, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải thích ứng để kịp thời hỗ trợ. Trong khi đó, không thể phủ nhận một thực tế là các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nội còn khá nghèo nàn, trình độ công nghệ, năng lực quản trị còn thua kém các ngân hàng ngoại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Việc các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường ngân hàng Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn nữa, buộc các ngân hàng trong nước phải thay đổi”. 

Các ngân hàng nước ngoài nói gì?

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho biết, trong năm 2016, HSBC Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế về mạng lưới toàn cầu của Tập đoàn để kết nối khách hàng tại Việt Nam với những cơ hội kinh doanh mới, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Thực tế, năm 2015, Việt Nam đã ghi những dấu mốc quan trọng trong quá trình tham gia toàn cầu hóa kinh tế, chẳng hạn: ký kết hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc, kết thúc đàm phán hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, kết thúc đàm phán TPP, gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN khi khối này thành lập vào ngày 31/12/2015.

“Là một ngân hàng quốc tế với hoạt động tài trợ thương mại, chúng tôi nhìn thấy từ những bước đi này cơ hội rất lớn cho Việt Nam, cho các khách hàng và cho chính HSBC. Do đó, năm 2016 sẽ khởi động cho sự bứt phá trong lĩnh vực tài trợ thương mại, hoạt động chính của chúng tôi”, ông Hải nói.

Đại diện HSBC Việt Nam cho biết thêm, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh tài trợ các dự án trung và dài hạn của khách hàng trọng điểm nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ngày càng hội nhập sẽ đưa tới những cơ hội về lưu chuyển vốn thông qua đầu tư, M&A… trong khu vực và toàn cầu. Đây cũng là những lĩnh vực HSBC tham gia hỗ trợ khách hàng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các hành lang thương mại với các thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt nam và các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, bên cạnh những hành lang đã được xây dựng thành công năm 2015 như Thái Lan, Hàn Quốc. Về khối kinh doanh bán lẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng đạt được những mong muốn về tài chính, từ việc mua ngôi nhà đầu tiên, tới việc xây dựng kế hoạch tài chính bền vững cho cuộc đời và thế hệ kế thừa”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo đại diện Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam), ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc thông tin, Ngân hàng hoàn toàn cam kết tham gia cũng như đầu tư vào quá trình phát triển của Việt Nam, thông qua một chiến lược dài hạn hợp lý và tích cực.

Cùng với việc Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, Standard Chartered tiếp tục là đối tác song hành với doanh nghiệp để giúp họ quốc tế hóa khách hàng và chuỗi cung ứng. Là một ngân hàng quốc tế, Standard Chartered đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp thông tin đầy thuyết phục của Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế.

“Chúng tôi là tổ chức tư vấn chính thức cho Chính phủ Việt Nam về cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia; cùng với vai trò hỗ trợ các phái đoàn chính phủ trên khắp thế giới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Nirukt nói.

Đối với định hướng chiến lược kinh doanh của Standard Chartered trong năm 2016 tại Việt Nam, người đứng đầu Ngân hàng cho biết, Standard Chartered sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam, đồng hành cùng chính phủ, các nhà quản lý, nhà đầu tư, các DN và người dân để thúc đẩy phát triển kinh tế hơn nữa, hỗ trợ Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại toàn cầu và khu vực, phát triển lĩnh vực ngân hàng và cung cấp các dịch vụ tài chính đến nhiều người dân và doanh nghiệp hơn nữa.

Ông Nirukt nhấn mạnh: “Ngân hàng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN, dù lớn hay nhỏ, cũng như hỗ trợ khách hàng bán lẻ ở Việt Nam để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra thêm giá trị và việc làm. Chúng tôi luôn mong muốn là chất xúc tác đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và đó là cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi. Điều này được thể hiện trong lời hứa thương hiệu của Standard Chartered - Here for good”.

Còn đại diện HSBC Việt Nam cho biết thêm: “Tất nhiên không phải mọi thứ sẽ là màu hồng, năm 2016 tiếp tục chứng kiến những thách thức lớn đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nhưng chúng tôi đã và đang có những chuẩn bị cần thiết như theo dõi kỹ tình hình thị trường, quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và tội phạm tài chính chặt chẽ, làm việc và phối hợp với cơ quan quản lý như NHNN để tuân thủ và hỗ trợ các định hướng quản lý, nâng cấp sản phẩm và dịch vụ và đặc biệt là chất lượng dịch vụ, đào tạo và phát triển đội ngũ quản lý và nhân viên. Chúng tôi tin năm 2016 sẽ là một năm đầy hào hứng với HSBC Việt Nam”.

Tin bài liên quan