NHNN: Việt Nam chưa cần tăng tỷ giá như một số nước

(ĐTCK) Trước diễn biến tỷ giá bắt đầu có xu hướng tăng ở cả thị trường chính thức và thị trường tự do từ ngày 9/3, chiều hôm qua, NHNN đã chính thức lên tiếng xung quanh vấn đề này.
NHNN: Việt Nam chưa cần tăng tỷ giá như một số nước

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy tỷ giá trên thị trường khá nhạy cảm với diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới cũng như những động thái điều hành chính sách tiền tệ của các nước, đặc biệt là những thông tin về quyết định chính sách của FED. Ngay sau khi FED công bố thông tin về quyết định chính sách của mình, USD giảm giá, vàng thế giới tăng trở lại khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế thu hẹp, tỷ giá thị trường tự do cũng như trên thị trường chính thức đều giảm.

Bà Nguyễn Thị Hồng 

Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của thị trường, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ, bà Nguyễn Thị Hồng đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, mặc dù đồng Đô la Mỹ tăng giá nhưng chỉ tăng giá mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt (tăng 9,7% so với Euro, tăng 7,51% so với Đô la Canada; tăng 4,65% so với Bảng Anh; tăng 3,6% so với Đô la Úc và tăng 3,06% so với Đô la Singapore) nhưng lại tăng không nhiều so với các đồng tiền trong khu vực châu Á (đồng Nhân dân tệ gần như không đổi so với USD, Bath Thái tăng 1,28%, Đô la Đài Loan tăng 1,22%, Yên Nhật giảm 0,03%, Đô la Hồng kông giảm 0,03%, Won Hàn Quốc giảm 0,9% so với USD).

“Đáng chú ý là tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá mạnh so với đô la Mỹ chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực là nước có đồng tiền mất giá không lớn với USD lại chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều. Trên thực tế NHNN đã chủ động điều chỉnh 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngay từ đầu năm cũng là sự chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với xu hướng của các đồng tiền trong khu vực”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Thứ hai, xu hướng đồng bản tệ giảm giá tại các nước chủ yếu là do các NHTW nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua các công cụ như điều chỉnh giảm lãi suất, mở rộng các gói nới lỏng định lượng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dẫn đến đồng bản tệ mất giá chứ không điều chỉnh tỷ giá một cách trực tiếp để giảm giá đồng bản tệ, hỗ trợ xuất khẩu.

“Với việc duy trì chính sách tỷ giá như Việt Nam, thời gian qua, khi các đồng tiền trong khu vực lên giá, thì trên thực tế VND đã mất giá tương đối với các đồng tiền trong khu vực. Điều đó cho thấy, không nhất thiết phải điều chỉnh mạnh tỷ giá theo đúng mức độ mất giá của các đồng tiền chủ chốt so với đồng USD, mà việc điều chỉnh tỷ giá cần có cách nhìn toàn diện với mối tương quan giữa VND nhiều các đồng tiền, đặc biệt cần gắn kết với việc xem xét tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Thứ ba, việc sử dụng công cụ tỷ giá trong thời điểm này để hỗ trợ xuất khẩu cần có cái nhìn toàn diện về sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam và gắn kết phân tích tác động của việc tăng tỷ giá tới xuất khẩu cùng với tác động lên nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu đang tăng trưởng trở lại

Thứ tư, việc điều chỉnh tăng tỷ giá lớn hơn mức cam kết đề ra từ đầu năm sẽ ảnh hưởng tới việc tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài tính bằng VND của khu vực Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Trong điều kiện nợ công đã được chú trọng kiểm soát thì việc điều chỉnh tăng tỷ giá cần hết sức thận trọng, đảm bảo duy trì khả năng trả nợ nước ngoài và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ năm, cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế cơ bản vẫn có thặng dư, và với mức dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện nay, hoàn toàn có cơ sở để ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm.

Thứ sáu, tỷ giá thị trường tự do tăng chủ yếu vẫn là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá của đồng USD, còn yếu tố từ nhu cầu ngoại tệ cho nhập lậu vàng để hưởng lợi khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao thì không lớn bởi với tinh thần của Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và quy định xử phạt vi phạm về quản lý ngoại hối nặng lên rất nhiều, kể cả tịch thu tang vật.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đã đề ra từ đầu năm. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối”.

Tin bài liên quan