NHNN không có dư địa để cho Chính phủ vay ngoại tệ

NHNN không có dư địa để cho Chính phủ vay ngoại tệ

(ĐTCK) Tại cuộc họp Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã đề nghị Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của NHNN làm nguồn cấp vốn thay thế.

Biên bản cuộc họp này được đăng tải trên trang website của Chính phủ cho biết, NHNN sẽ chịu trách nhiệm chính và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để thêm vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia.

Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC cho rằng, nguyên nhân dẫn đến đề xuất trên là do nhu cầu yếu kém đối với trái phiếu chính phủ ở các phiên đấu giá gần đây (Biểu đồ 1). Bộ Tài chính đang trong thời điểm khó khăn với việc phát hành trái phiếu. Trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, Bộ Tài chính chỉ mới phát hành thành công 66.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay, tương đương với 27% kế hoạch.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng phát hành ảm đạm này được HSBC cho là, Nghị quyết 78 đã có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định Bộ Tài chính chỉ có thể phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm. Điều này đã làm việc phát hành trái phiếu của Việt Nam có sự ảnh hưởng lớn. Trong năm 2013 và 2014, trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn 5 năm chiếm tương ứng 72% và 49% trên tổng số lượng phát hành. Năm 2015, Chính phủ lên kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng, nhiều hơn so với các năm trước, nhưng chủ yếu là thông qua các trái phiếu dài hạn. “Dường như thị trường không có hứng thú để mua loại trái phiếu dài hạn này”, báo cáo của HSBC viết.

NHNN không có dư địa để cho Chính phủ vay ngoại tệ ảnh 1

Phát hành trái phiếu kém dẫn đến đề xuất sử dụng dự trữ ngoại hối không nhận được sự ủng hộ của thị trường. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phân tích, Quỹ Dự trữ ngoại hối liên quan đến bất ổn của cán cân thanh toán và là công cụ để can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Trong những trường hợp bất thường, Quỹ Dự trữ ngoại hối phải có quy mô đủ lớn và đủ lực để can thiệp. Do vậy, Quỹ phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để can thiệp, bởi những trường hợp bất thường không hoạch định trước được.

Theo TS. Ánh, quy mô Quỹ Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chưa đủ lớn, chưa “dư dả” để có thể mang tiền đi đầu tư, trong khi nguồn tiền này, đầu tiên phải đảm bảo tính bảo toàn; thứ hai là  thanh khoản và cuối cùng là sinh lợi. Nếu cho vay đầu tư phát triển sẽ không thể hoàn trả khi có trường hợp khẩn cấp, nên không phù hợp với tính chất quản lý của Quỹ.

NHNN không có dư địa để cho Chính phủ vay ngoại tệ ảnh 2

“Nếu có trường hợp cho ngân sách vay thì khoản vay đó phải đảm bảo thanh khoản ngắn hạn, sử dụng mục đích gì và khả năng trả, chứ vay để đầu tư do không huy động được vốn từ trái phiếu là không phù hợp. Đây không phải là Quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro, mà liên quan đến cán cân thanh toán”, TS. Ánh nói.

Ngay trong phần phân tích đầu tiên của Báo cáo phân tích tình hình kinh tế và ngoại hối: “Việt Nam có nên tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ?” vừa được công bố của Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC đã đề cập thẳng thắn, việc NHNN phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá và tài trợ vốn cho các dự án Chính phủ sẽ khiến đồng Việt Nam rơi vào thế bấp bênh. Dự trữ ngoại tệ hiện nay chỉ vào khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần thiết là 3 tháng. Do đó, NHNN dường như không có dư địa để cho Chính phủ vay.

HSBC phân tích, NHNN ra chính sách duy trì một biên độ giao dịch hẹp cho cặp tỷ giá USD/VND (+/-1%) mang ý nghĩa rằng, nguồn dự trữ ngoại tệ là một công cụ cần thiết đảm bảo sự ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nguồn dự trữ của NHNN đang thấp hơn so với thông lệ và thấp hơn ngay cả với các nền kinh tế khác như Bangladesh và Sri Lanka - vốn có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự. Những số liệu mới nhất cho thấy, NHNN đang nắm giữ khoảng 35 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái, vẫn nằm dưới mức trung bình 3 tháng nhập khẩu.

“Tình hình còn tồi tệ hơn khi cán cân thương mại đã chuyển từ ngưỡng dương vào tháng 11 năm ngoái sang ngưỡng âm 3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, một con số chưa từng thấy kể từ năm 2011. Điều này sẽ càng gây khó khăn cho nguồn dự trữ ngoại hối và tiền tệ… Bất kỳ quyết định nào về việc Chính phủ được vay tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ cũng sẽ gây rủi ro đến sự ổn định tiền đồng”, Báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Trong buổi chia sẻ Báo cáo dự báo tình hình kinh tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữa tháng 5 tại Hà Nội, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam không đề cập trực tiếp đến việc Việt Nam có nên sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối để đầu tư cho phát triển, mà phân tích trên cơ sở nền tảng chung.

Theo ông Sanjay Kalra, nếu vay từ Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia cho những vấn đề thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ không phải là một ý tốt và chưa có thông lệ nào như vậy, bởi bản thân Quỹ Dự trữ đã bao hàm nghĩa dự trữ đề phòng cho những trường hợp bất thường, tránh những tác động, cú sốc quá lớn. Khi đất nước rất giàu, có dữ trữ quốc gia lớn mới có thể mang ra để đầu tư và lúc đó sẽ thành lập Quỹ Đầu tư dự trữ quốc gia hoạt động chuyên nghiệp.

“Với một khoản dự trữ quốc gia rất lớn, có thể đưa một phần sang Quỹ Đầu tư vào chỗ nào có lợi nhất nhưng vẫn phải để lại một phần tiền đủ để ứng biến trong trường hợp cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nhiều để có thể mang đi đầu tư, nên vẫn cần để (ngoại tệ - PV) trong Quỹ”, ông Sanjay Kalra nói.

Tin bài liên quan