Cổ tức 2014 của LienVietPostBank là 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu

Cổ tức 2014 của LienVietPostBank là 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu

NHNN “hãm phanh” cổ tức các ngân hàng

(ĐTCK) Phương án chi trả cổ tức dự kiến của các ngân hàng tới đây sẽ phải gửi về Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai. 
 

Các nhà băng muốn chia cổ tức cao cũng không dễ. Các nhà băng nhỏ, nhất là những ngân hàng đang tái cơ cấu trước yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ tiếp tục phải nói “không” với cổ tức.

Thực tế, việc trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng tăng khá cao trong năm vừa qua để kéo giảm nợ xấu xuống mức an toàn nhất. Cả với những khoản nợ xấu bán cho VAMC, ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm cho trái phiếu đặc biệt nhận lại, nên nguồn lợi tức dành cho cổ đông trong những năm gần đây bị giảm xuống. Tại ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra, LienVietPostBank trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2014 chỉ 6%, thay vì 10% như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm ngoái. Nguyên nhân là lợi nhuận của LienVietPostBank sụt giảm những năm gần đây.

Với 601 triệu cổ phiếu đang lưu hành, nếu chi trả cổ tức 6%, Ngân hàng dự kiến bỏ ra hơn hơn 360 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với kế hoạch ban đầu.

Nhìn vào con số nợ xấu LienVietPostBank đã bán cho VAMC trong 6 tháng cuối năm 2014 cũng phần nào thấy được khoản trích lập dự phòng rủi ro của nhà băng này đã tăng đáng kể. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, năm 2014, LienVietPostBank đã bán 1.232,5 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt trong năm 2014. Riêng 6 tháng cuối năm, LienVietPostBank đã bán thêm 1.181,75 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Năm 2013, ngân hàng này cũng đã bán 357,98 tỷ đồng nợ xấu.

Vì thế, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã giảm từ 2,71% năm 2012 xuống còn 2,48% năm 2013 và cuối năm 2014 còn 1,1%. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, trước tình hình khó khăn, lợi nhuận giảm do dự phòng cao, mức cổ tức 6% đã là cố gắng và Ngân hàng mong nhận được sự chia sẻ từ các cổ đông.

Tương tự, với Eximbank, tỷ lệ cổ tức đưa ra cho năm 2014 ở mức 8,5%, nhưng suốt cả năm qua, Ngân hàng chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho cổ đông. Lãnh đạo nhà băng cho biết, với kết quả kinh doanh năm qua sụt giảm mạnh, chỉ đạt 56 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, HĐQT Ngân hàng quyết định không chi trả cổ tức cho cổ đông. Trong khi, cách đây 2 năm Eximbank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ cổ tức khá cao lên đến 20 - 25% (cả tiền mặt và cổ phiếu). Tuy nhiên, nợ xấu tăng buộc Eximbank phải dành trích lập dự phòng.

Sacombank, OCB, HDBank… cũng chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho năm 2014. Theo lãnh đạo các nhà băng, trước tình hình tín dụng khó khăn, nợ xấu tăng, dự phòng lớn thì việc kỳ vọng cổ tức là rất khó.

Trên thực tế, cổ tức của các nhà băng năm 2014 đã giảm khá nhiều. ACB dự kiến chi trả 7%; Nam A Bank đã tạm ứng cổ tức 2014 ở mức 7%; Kienlongbank dự kiến trả cổ tức 2014 là 5%; VietABank không chia cổ tức trong nhiều năm qua hay tại DongA Bank khó thực hiện cổ tức dự kiến 5%...

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2014 và mục tiêu chiến lược năm 2015, HĐQT VIB cũng dự kiến đề xuất tỷ lệ chi cổ tức 11% để dành nguồn lực tái đầu tư phát triển. Thế nhưng, NHNN chỉ phê duyệt cho VIB chi trả mức cổ tức năm 2014 ở mức 9%. Trả lời cổ đông tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 27/3 vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB  cho biết, trước đây, việc chi trả cổ tức sẽ được Ban kiểm soát đưa ra và cổ đông thông qua từ đó sẽ áp dụng, nhưng hệ thống ngân hàng đang nằm trong quá trình tái cấu trúc nên NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng phát triển theo hướng thận trọng. Việc trả cổ tức năm 2014 ở mức 9% là quyết định của NHNN, VIB chỉ là đơn vị chấp hành.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, sở dĩ NHNN có yêu cầu trên là do nợ xấu hiện vẫn là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, các NHTM phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động. Vì thế, việc chi trả cổ tức cho cổ đông chỉ được nghĩ đến sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ. Do đó, cho dù một số ngân hàng muốn chi trả cổ tức cao cũng không thể. Các nhà băng nhỏ, nhất là những ngân hàng đang tái cơ cấu vẫn nói “không” với cổ tức khi khoản dự phòng rủi ro gia tăng, dù nợ xấu đã được bán cho VAMC.

Chẳng hạn tại SCB, chỉ trong một thời gian ngắn SCB đã bán 12.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng về 0,5% vào cuối năm 2014. Nhưng dự phòng rủi ro của SCB cũng xấp xỉ khoảng 1.500 tỷ đồng nên không chỉ có năm 2014 mà cả năm trước đó cũng như 2015, chủ trương của SCB là không chia cổ tức cho cổ đông. 

Tin bài liên quan