Một giai đoạn khó khăn của ngành ngân hàng mà hệ lụy kéo dài đến tận bây giờ

Một giai đoạn khó khăn của ngành ngân hàng mà hệ lụy kéo dài đến tận bây giờ

Nhìn lại chuyện cũ từ vụ án Oceanbank

(ĐTCK) Thị trường tiền tệ giai đoạn 2008 - 2012 có nhiều diễn biến đáng nhớ với hàng loạt ngân hàng tham gia chạy đua thu hút tiền gửi...

Chạy đua bù đắp thanh khoản

Năm 2016, khi thông tin đầu tiên về kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Oceanbank được đăng tải trên báo chí, tôi đã nhận được cuộc điện thoại từ một lãnh đạo cấp chi nhánh của ngân hàng này. Chị có phần trách móc sao bản án chưa có mà báo chí đã đưa tin, như vậy là ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng, đến cá nhân các cán bộ, rằng cán bộ có tư lợi gì đâu, những việc làm đó là bất đắc dĩ trong giai đoạn đặc thù.

Tất nhiên tôi đã giải thích với chị về quy định pháp luật, quy trình tác nghiệp của tòa soạn và phóng viên đã tuân thủ đúng quy định này. Qua nhiều vụ án, có lẽ chúng tôi, những phóng viên bám trụ ở cửa tòa cũng thấu hiểu phần nào tâm tư, suy nghĩ của chị cũng như nhiều cán bộ khác. Có những khi sự lựa chọn là vô cùng khó khăn và rồi người ta tặc lưỡi: sếp bảo thì phải làm.

Lùi lại vài năm trước, nhiều người vẫn còn nhớ giai đoạn lãi suất tiền gửi ngân hàng cao ngất ngưởng. Trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết của các chuyên gia, các bài phỏng vấn với phân tích chỉ ra rằng giữa 3 “kênh” vàng, USD, VND thì gửi tiết kiệm VND vào ngân hàng là lựa chọn đem lại lợi suất cao nhất bởi vì lãi suất tiền gửi lên tới 16 - 18 - 20%/năm tùy kỳ hạn, tùy lượng tiền gửi và tùy chính sách từng ngân hàng.

Năm 2008 là năm đáng nhớ bởi cuộc đua lãi suất vô cùng nóng bỏng. Lắm khi buổi sáng một ngân hàng công bố tăng lãi suất thì buổi chiều đã có ngân hàng khác vượt mặt, có khi một tuần, một ngân hàng hai lần tăng lãi suất. Vì cuộc đua lãi suất này mà trần lãi suất được áp dụng trở lại sau một thời kỳ tự do hóa từ năm 2002.

Tôi đã được nghe nhiều người “khoe” mới chuyển ngân hàng, lãi suất ghi sổ thì như nhau nhưng quà tặng nhiều hơn, lãi suất ngoài “lĩnh một cục” luôn không cần chờ cuối kỳ mà kỳ hạn gửi rất ngắn chỉ 1 tuần, 2 tuần. Cứ hết 1 tuần lại xem ngân hàng nào cao nhất là chuyển.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, có lúc lãi suất qua đêm lên tới 40%/năm. Nhóm ngân hàng top trên - dư thừa thanh khoản, đã hưởng lợi lớn.

Chi lãi ngoài: Không thể có cách làm nào khác?

Trở lại với vụ án Oceanbank, tài liệu truy tố đã thống kê hàng loạt văn bản Ngân hàng Nhà nước đã ban hành như Văn bản số 9779/NHNN-CSTT ngày 14/12/2010, Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011, số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011. Năm 2012, có các Thông tư số 05, số 17, số 19, số 32. Năm 2013 có các Thông tư số 08, số 15. Năm 2014 có Thông tư số 07.

Nội dung chính là yêu cầu các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam cho khách hàng, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không quá 14%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, không quá 6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.

Tại phiên tòa xét xử vụ án, bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên là Giám đốc khối nguồn vốn Oceanbank trình bày rằng vào năm 2011, lạm phát trên 18% trong khi lãi suất ấn định là 14%/năm. Điều này là trái với quy luật kinh tế thông thường, trái với mong mỏi của người dân là lãi suất thực dương. Vì vậy, để duy trì nguồn vốn huy động, các ngân hàng phải tìm cách chi khuyến mãi, chi thưởng, tặng quà...

Thật khó khăn khi ở trong hoàn cảnh phải lựa chọn giữa một bên là nghe lệnh sếp và một bên là rủi ro bị điều chuyển công tác, bị mất việc, nhưng rủi ro pháp lý thì luôn hiện hữu và bài toán lựa chọn không bao giờ là dễ dàng

Theo bị cáo Nguyễn Hoài Nam, thời điểm tháng 9/2011, bị cáo Hà Văn Thắm đã chỉ đạo không chi ngoài đối với toàn hệ thống Oceanbank và từ đó hệ thống không chi lãi ngoài nữa. Nhưng tình hình thanh khoản trên thị trường rất căng thẳng, các ngân hàng tìm mọi cách để thu hút tiền gửi, nhiều cán bộ Oceanbank ngày ngày phải nhìn xe tiền của ngân hàng khác đến tận cửa lấy tiền của khách hàng và điều này không phải diễn ra trong vài ngày mà kéo dài suốt nửa năm.

Nguyên giám đốc nguồn vốn Oceanbank khai rằng, đã đưa số điện thoại hotline cho các giám đốc chi nhánh để báo cáo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở địa phương, nhưng không giải quyết được gì.

Khi số dư từ 12.000 tỷ đồng giảm dần xuống còn 5.000 tỷ đồng thì đã chạm vào sự kiên nhẫn tột cùng của Ban lãnh đạo Oceanbank. Đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, Oceanbank đã phải theo chân người khác, chi lãi ngoài. Những cán bộ khác của Oceanbank đều trình bày về tình hình căng thẳng trong việc duy trì thanh khoản, các ngân hàng chạy đua lãi suất giành giật khách hàng. Oceanbank không thể đứng ngoài.

Tài liệu trong vụ án thể hiện giai đoạn đầu, theo đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Hà Văn Thắm đã đồng ý để Oceanbank chi chăm sóc khách hàng cho một số doanh nghiệp thuộc PVN. Nhưng sau đó, việc này được triển khai trên toàn hệ thống Oceanbank. Tại sao lại vậy? Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Hà Văn Thắm chỉ trả lời rằng khi đó “không thể có cách làm nào khác”.

Cuộc chạy đua lãi suất trái với các chỉ đạo, văn bản quy định của cơ quan chức năng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nóng kèm theo lạm phát cao. Năm 2007, lạm phát lên tới hai con số 12,6%. Năm 2008 còn kỷ lục hơn với trên 22%. Năm 2009, khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ xảy ra, lạm phát có chùng lại nhưng năm 2010 trở lại mức trên 11% và năm 2011 là trên 18%.

Câu chuyện lạm phát đương nhiên liên quan mật thiết đến thị trường tiền tệ. Đã có nhiều chỉ đạo, nhiều cuộc họp, trong đó Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát lạm phát, thậm chí nhấn mạnh đó là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Trước đó, năm 2007, thị trường ngân hàng chứng kiến sự bùng nổ về tăng trưởng tín dụng (tăng 51,39%), trong đó tăng trưởng mạnh ở các nghiệp vụ cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán và tín dụng tiêu dùng. Việc siết chặt tín dụng một cách gấp gáp đương nhiên làm cho các ngân hàng gặp khó trong thanh khoản.

Những chính sách nhằm đạt được đồng thời cả 3 mục tiêu về đảm bảo tăng trưởng cao, giảm lạm phát và ổn định tỷ giá VND đã dẫn đến diễn biến không mong muốn trên thị trường. Một mình ngành ngân hàng không thể kiểm soát lạm phát một cách tốt nhất. Nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Khi đó đã có nhiều bài báo, nhiều bài viết của các chuyên gia kinh tế đề cập đến sự lệch pha giữa một bên phải hút tiền về và một bên vẫn bơm tiền ra. 

Sự lựa chọn khó khăn

Một giai đoạn thăng trầm đã qua nhưng hậu quả để lại vẫn chưa giải quyết xong vụ án với tổng thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ đồng và hàng chục lãnh đạo chi nhánh ngân hàng phải đứng trước vành móng ngựa.

Ngay từ ngày đầu mở phiên tòa, nhiều cựu cán bộ nữ của Oceanbank đã không nén nổi giọt nước mắt trần tình rằng họ phải làm theo lệnh cấp trên, vì sự đứng vững của Ngân hàng và hoàn toàn không tư lợi.

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu khai rằng: “Anh Thắm (tức bị cáo Hà Văn Thắm - PV) từng nói, anh chị nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Và thực tế, nhiều người đã phải điều chuyển vị trí, hoặc không giữ được công việc của mình”.

PVEP, PVPower, PVC... khẳng định không nhận lãi ngoài từ Oceanbank!
Nhiều bị cáo nữ khóc trong phiên tòa xét xử đại án Oceanbank diễn ra cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua

Lời khai của bị cáo Kiều Liên chắc sẽ khiến nhiều cán bộ, nhân viên ở các ngân hàng, thậm chí là nhân viên các doanh nghiệp khác phải suy ngẫm khi ở trong hoàn cảnh phải lựa chọn giữa một bên là nghe lệnh sếp và một bên là rủi ro bị điều chuyển công tác, bị mất việc. Nhưng rủi ro pháp lý thì luôn hiện hữu và bài toán lựa chọn không bao giờ là dễ dàng.

Tại Oceanbank từng xảy ra vụ án lập hợp đồng khống cho vay cầm cố giấy tờ có giá để rút ra hơn 61 tỷ đồng. Cựu Trưởng phòng giao dịch Oceanbank Lê Minh Hằng đã sử dụng thẻ lưu gửi tiết kiệm của 9 khách hàng để lập khống các hồ sơ vay tiền theo thủ tục cầm cố giấy tờ có giá. Sau đó, Hằng chỉ đạo nhân viên hoàn thiện các thủ tục để lập 37/39 đề nghị cầm cố kiêm khế ước nhận nợ và 10 phụ lục khống.

Ba nhân viên nghe lệnh sếp khai rằng dù biết việc ký hoàn thiện hồ sơ tín dụng cho vay cầm cố và chứng từ cho vay là trái với quy định về nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, nhưng vì nể nang cấp trên nên đã bỏ qua các quy định nghiệp vụ. Tất nhiên, họ  đã bị khởi tố, điều tra, xét xử và lĩnh mức án tương ứng với hành vi.

Những “tấm gương” nghe lệnh sếp không thiếu. Vấn đề là sự lựa chọn của các cá nhân và sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó.

Tin bài liên quan