VIB đã dùng gần hết “room” tín dụng cả năm ở mức 16% từ cuối tháng 6/2017

VIB đã dùng gần hết “room” tín dụng cả năm ở mức 16% từ cuối tháng 6/2017

Nhiều ngân hàng xin nới room tín dụng

(ĐTCK) Tính đến gần cuối tháng 7/2017, tín dụng trong nền kinh tế đã tăng khoảng 10% so với tháng 12/2016, đạt mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Một số ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước nới thêm. 

Room tín dụng dần cạn

Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm 53,9% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, thời điểm cuối năm 2016 là 55,1%. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định, theo đó, tín dụng bằng VND chiếm khoảng 91,7% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt trên 1.600.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 11% so với đầu năm 2017. Tín dụng trung dài hạn đạt trên 52% tổng dư nợ tín dụng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cao kỷ lục trong 7 tháng đầu năm nay, nhiều nhà băng đã sử dụng gần cạn chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm nay (từ 14 -16%).

Lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết đã trình Ngân hàng Nhà nước xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, song khả năng được xem xét dựa trên các tiêu chí và quy mô của từng ngân hàng.

Tại VPBank, tính đến ngày 31/7/2017, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 13,9% và nếu tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu VAMC thì tín dụng tăng trưởng 13,3% so với đầu năm. Như vậy, nếu so với room tín dụng được giao ở mức 16%, 6 tháng còn lại của năm 2017, VPBank chỉ còn dư địa cho vay 2,7%.

Trong khi đó, VIB đã dùng gần hết “room” tín dụng cả năm ở mức 16% từ cuối tháng 6/2017. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt 75.686 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2017, tăng 15,7% so với cuối năm 2016; trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 69.205 tỷ đồng. Lãnh đạo VIB cho biết, Ngân hàng đã trình xin nới room tín dụng với Ngân hàng để xin nới room tín dụng, với kỳ vọng có thêm dư địa để cho vay trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm.

Đại diện ACB cũng cho hay, Ngân hàng đã sử dụng hơn một nửa room tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay và đang chờ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho nới thêm so với chỉ tiêu ban đầu là 16% cho cả năm 2017.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2017 đã tăng khoảng 9% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 8,16%) thì chỉ cần 6 tháng cuối năm tăng tốc nhẹ cũng có thể đạt được mức 20%.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát thấp nên sẽ vẫn an toàn khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thêm một chút. Không có nhiều rủi ro về mặt vĩ mô khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bởi CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ, trong khi tỷ giá ổn định sau khi tăng 1,2% từ đầu năm.

Vốn ngân hàng chảy vào đâu?

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tín dụng hiện vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng thừa nhận bất động sản ấm dần lên là cơ hội tốt để tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhất là đối với phân khúc khách hàng cá nhân mua nhà.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng trong những tháng đầu năm nay; trong đó, cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà tăng mạnh. Cụ thể, cho vay tiêu dùng đang chiếm trên 10% dư nợ, song tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng chủ yếu tập trung vào cá nhân vay mua nhà.

Việc tín dụng vẫn dựa nhiều vào bất động sản trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh đang hồi phục khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường nhà đất đang trên đà phục hồi thiếu bền vững như hiện nay.

Nhận định được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, để kiểm soát được dòng tiền vào thị trường bất động sản cũng như tránh “vết xe đổ” nợ xấu trước kia, không nên dùng nguồn tiền từ ngân hàng “bơm” ra để mua lại những dự án cơ sở hạ tầng được chuyển nhượng, mua lại quyền khai thác.

So với trước, hiện các ngân hàng cũng đã kiểm soát chặt rủi ro trong cho vay bất động sản. Tuy nhiên, với phân khúc căn hộ cao cấp và những dự án thuộc phân khúc giá cao khó tiêu thụ hàng và có dấu hiệu chững lại theo đánh giá của các nhà phân tích lĩnh vực bất động sản, việc rót vốn vào phân khúc này cần thận trọng. Bởi nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao trong những năm trước chủ yếu tập trung lĩnh vực bất động sản, do các nhà băng đã đẩy mạnh vốn vào thị trường này.

Nhìn nhận về động thái của Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng toàn ngành lên trên 20% trong năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mục tiêu này là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất. Mặt khác, kiểm soát chất lượng tín dụng luôn là điều kiện đặt lên hàng đầu.

Thông tin được đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước mới đây, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước duy trì kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, đặc biệt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông…

Khác với các năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm nay, nhưng được cho là không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.                            

Tin bài liên quan