Nhu cầu vốn của khách hàng dần tăng trở lại khi mặt bằng lãi suất giảm.

Nhu cầu vốn của khách hàng dần tăng trở lại khi mặt bằng lãi suất giảm.

Nhiều điểm sáng trong lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

(ĐTCK) Mặc dù chưa kết thúc 2 quý đầu năm, song sự cải thiện của dư nợ tín dụng trong 6 tháng qua sẽ là điểm sáng tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các nhà băng. Vì thế, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận ước đạt trong 2 quý đầu năm đúng với tiến độ, kế hoạch đưa ra và có khả năng sẽ vượt chỉ tiêu năm 2015.

Tín dụng cải thiện

So với cùng kỳ năm 2014, mảng hoạt động truyền thống của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay đã có chuyển biến đáng kể. Tín dụng toàn ngành 5 tháng đầu năm 2015 tăng khá đều, đạt 5%, so với 1,5% cùng kỳ năm ngoái. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý nợ xấu đã có tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo vừa được công bố ngày 16/6 của NHNN chi nhánh TP. HCM, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng đến 5,4%, mức tăng trưởng cao nhất những năm gần đây.

Điểm qua một số NHTM cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các nhà băng đã cải thiện dần trong 2 quý đầu năm nay. Cụ thể, tại Nam A Bank, bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Nam A Bank đã trình NHNN xin tăng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Theo bà Tú, nhu cầu vốn của khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp) đã dần tăng trở lại khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần những tháng qua.

Theo thống kê của NHNN TP. HCM, lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng được các ngân hàng áp dụng không quá 7%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao). Còn lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn hiện phổ biến ở mức 10 - 11%/năm. So với cùng kỳ năm trước, lãi suất cho vay phổ biến đã giảm 1 - 1,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Còn riêng với chương trình kết nối ngân hàng - DN, theo NHNN TP. HCM, lãi suất cho vay trung, dài hạn chỉ xoay quanh 9%/năm.

Lãi suất cho vay hợp lý hơn trước đã kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn cung tốt để đáp ứng cầu. Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tái tăng lãi suất huy động cả ngắn và dài ngày.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 - 36 tháng tại ACB vừa được tăng thêm 0,2%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 6,7% kỳ hạn 36 tháng.

Eximbank công bố lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng này là 6,9%/năm với kỳ hạn 36 tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng tương ứng là 6,7%/năm và 6,6%/năm.

Tại HDBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 - 11 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,7%/năm. Mức tăng mạnh nhất là kỳ hạn 12 tháng, từ 6,5%/năm lên 7%/năm.

Không chỉ ở các kỳ hạn dài ngày, DongA Bank còn tăng mạnh nhất là kỳ hạn tiền gửi 9 tháng, từ 5,6%/năm lên 6%/năm.

Lãnh đạo DongA Bank cho biết, sở dĩ ngân hàng tái tăng lãi suất tiền gửi là nhằm chuẩn bị nguồn, đón đầu nhu cầu vốn của khách hàng đang có dấu hiệu gia tăng dần. Trước diễn biến của thị trường hiện nay, theo lãnh đạo DongA Bank, khả năng nhu cầu tín dụng của khách hàng sẽ có chuyển biến tốt hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2015.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng tại Sacombank chuyển biến khá tích cực trong 2 quý qua, với dư nợ tăng trên 5%. Trong đó, tăng trưởng dư nợ của khối khách hàng cá nhân đóng góp đáng kể vào tổng dư nợ của nhà băng này 6 tháng đầu năm, chiếm trên 50%.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc ABBank cho rằng, 5 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế bắt đầu có sự phục hồi, với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và tỷ giá giữ ở mức ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giữ ở mức thấp, các doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi so với những năm trước đã tạo thuận lợi cho hoạt động của ABBank, giúp Ngân hàng đạt được một số kết quả tích cực.

Theo ông Kiên, với định hướng tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, ABBank chủ trương tăng tỷ lệ dư nợ, chuyển đổi cơ cấu dư nợ đối với nhóm khách hàng bán lẻ là cá nhân và DN nhỏ và vừa lên mức 60% trên tổng dư nợ từ nay đến năm 2018.

Ngoài dấu hiệu tích cực của kinh tế, lãi suất giảm,… việc tín dụng tăng một phần được cho là các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh vốn cho vay khi cửa đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm nay bị thu hẹp.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 17, Khoản 6 của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của NHTM nhà nước là 15%; NHTMCP, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh NH nước ngoài là 15%; và tổ chức tín dụng phi NH là 5%. Vì thế, khoản lợi nhuận lớn từ đầu tư trái phiếu của ngân hàng sẽ không còn như mọi năm. 

Tác động tích cực lên lợi nhuận

Tuy không còn tỷ suất lợi nhuận lớn đến từ kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ như mọi năm, nhưng nhờ tín dụng cải thiện tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng qua, nguồn thu từ hoạt động tín dụng đã đóng góp phần lớn vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng. Đặc biệt, là ở những ngân hàng quy mô nhỏ, lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng.

Lãnh đạo Nam A Bank cho biết, kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm vẫn theo tiến độ kế hoạch đưa ra. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 của Nam A Bank cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 80 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ 2014.

Điều đáng chú ý là thu nhập lãi thuần tăng 65% đạt 198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận. Đồng thời, Nam A Bank không những không phải trích lập dự phòng rủi ro, mà trong quý 1/2015 còn được hoàn nhập gần 3 tỷ đồng vào lợi nhuận. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát 1,42%.

Trả lời ĐTCK, Phó Tổng giám đốc ABBank ông Bùi Trung Kiên cho biết, ABBank đạt 122,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 5 tháng đầu năm 2015. Cụ thể, tổng tài sản ABBank đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014; dư nợ đạt 24.260 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014; huy động là 40.949 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cũng cho hay, dấu hiệu ấm dần lên của thị trường bất động sản cũng như tình hình kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực đã tác động tốt lên hoạt động tín dụng và xử lý nợ xấu. Kết quả kinh doanh từ đó cũng dần được hồi phục.

Tại SCB, theo ông Văn, ước 6 tháng đầu năm nay hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Kế hoạch cho năm 2015, SCB đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức phù hợp 131 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Nếu tình hình kinh doanh của ngân hàng vừa và nhỏ dần cải thiện thì các nhà băng quy mô lớn cũng có nhiều điểm sáng. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, Ngân hàng hoàn thành đúng tiến độ cũng như kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm nay. Cụ thể, năm 2015 Sacombank xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 2.800 - 3.000 tỷ đồng trước thuế và ước 6 tháng đầu năm 2015, nhà băng này đã hoàn thành 50%.

Ngoài ra, VIB, ACB, Techcombank cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng cải thiện dần trong 2 quý đầu năm, tác động tích cực đến kết quả lợi nhuận. Hiện các ngân hàng đang tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, đẩy mạnh xử lý nợ để khơi thông dòng chảy tín dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2015, các ngân hàng đã bán thêm cho VAMC hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm tổng số nợ xấu trên địa bàn còn khoảng 53.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn ở mức cao, chiếm tới hơn 5% trong tổng mức dư nợ tín dụng.

Theo kế hoạch của NHNN TP. HCM, đến cuối tháng 9/2015, bắt buộc các ngân hàng phải xử lý được thêm 25.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các ngân hàng phải tự xử lý hơn 3.000 tỷ đồng và bán nợ cho VAMC hơn 22.000 tỷ đồng để kéo tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn xuống mức 3%.         

Tin bài liên quan