Nhận diện “thủ phạm” của cuộc đua lãi suất

Nhận diện “thủ phạm” của cuộc đua lãi suất

(ĐTCK-online) Lãi suất tăng cao khiến hoạt động của rất nhiều DN đình trệ. Những tác động khác nhau của lãi suất cao ảnh hưởng đến các DN như thế nào và cần làm gì để hạ nhiệt cuộc đua lãi suất? Đầu tư Chứng khoán giới thiệu bài viết của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam.

1 Mặt bằng lãi suất ngân hàng hiện nay đang rất cao, thậm chí một số ngân hàng chấp nhận huy động với lãi suất lên đến 20 - 22%/năm. Khi ấy, lãi suất cho vay sẽ phải trên dưới 25%/năm. Điều này chứng tỏ: thứ nhất, thanh khoản của các NHTM đang có vấn đề; thứ hai, lãi suất cho vay cao đến vậy, những DN lành mạnh, làm ăn bình thường chắc chắn không thể chịu đựng được. Còn những DN chấp nhận vay ở mức lãi suất này chắc chắn đang rất khát vốn, hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực rất mạo hiểm, rủi ro thì mới có một mức độ sinh lời đủ để trả lãi ngân hàng.

Nếu tình trạng này kéo dài, sản xuất sẽ bị đình đốn, ảnh hưởng bất lợi không chỉ đến tăng trưởng kinh tế mà còn cả vấn đề an sinh xã hội do thất nghiệp và thiểu dụng lao động gia tăng. Nhưng vì sao mặt bằng lãi suất lại bị đẩy lên cao như vậy và cách nào hạ lãi suất xuống?

Tạm gác sang một bên các nguyên nhân có tính cơ cấu và dài hạn, lãi suất cao hiện nay là do sự mất cân đối trên thị trường tín dụng. Thứ nhất, lạm phát cao khiến lãi suất huy động phải tăng theo. Theo ước tính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2011 sẽ tăng khoảng 2% so với tháng 4/2011, tức là tăng tới hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Với mức lạm phát hiện tại, người gửi tiền không thể chấp nhận trần lãi suất huy động 14%/năm như hiện nay. Hệ quả là trong 4 tháng đầu năm, lượng tiền gửi bằng VND giảm mạnh và bằng USD tăng nhanh trong toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, NHNN đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Bốn tháng đầu năm, tốc độ tăng cung tiền chỉ ở mức 1%, còn tín dụng là 5,6% - rất thấp so với các năm trước. Khi lượng tiền trong lưu thông và tín dụng bị thắt chặt trong nền kinh tế luôn luôn khát vốn thì tất nhiên là lãi suất sẽ bị đẩy lên cao.

Cũng cần nhấn mạnh là có sự khác biệt trong tình trạng thanh khoản của các ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ nói chung gặp nhiều khó khăn hơn, song không thể vay mượn từ NHNN, còn vay trên thị trường liên ngân hàng thì lãi suất quá cao, vì vậy buộc phải tăng mạnh lãi suất để huy động vốn từ dân cư. Những ngân hàng lớn, dù thanh khoản có khá hơn, song vẫn buộc phải tăng lãi suất lên để giữ vị thế cạnh tranh. Cuộc đua lãi suất cũng là một nguyên nhân đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.

2 NHNN không nên giữ trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm như hiện nay, khi CPI đã lên tới hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, quy định trần lãi suất này đã bị các NHTM lách qua một cách dễ dàng. Như vậy, một mặt, hiệu quả chính sách không thực hiện được bởi trần lãi suất không được áp dụng, mặt khác lại tạo ra rủi ro pháp lý bởi rất nhiều người tham gia vào giao dịch "phạm luật" này. Như vậy, chính sách trần lãi suất chỉ làm tăng thêm chi phí giao dịch mà kết quả lại không như mong muốn. Trong trường hợp "cực chẳng đã", nếu NHNN vẫn muốn đặt trần thì nên đặt trần lãi suất cho vay để tạo ra sự ổn định tương đối và tính dự báo được về chi phí vốn.

Về phía cho vay, mặc dù khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là 20% nhưng việc NHNN áp mức này cho tất cả các ngân hàng không phải là một cách làm đúng, bởi sức khỏe của các tổ chức tín dụng là khác nhau, rủi ro tín dụng ở mỗi ngân hàng là khác nhau, NHNN chỉ nên đảm bảo dư nợ trong tổng hệ thống ngân hàng không quá 20% và chia hệ thống ngân hàng ra thành các nhóm với mức độ với sự rủi ro và chất lượng khác nhau, để từ đó có những phương pháp quản lý thích hợp, linh hoạt. NHNN nên kiểm soát tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng, chứ không nên áp đặt trần tăng trưởng tín dụng đồng loạt cho mọi ngân hàng.

Dư địa chính sách của NHNN đã trở nên rất eo hẹp. Trong số các công cụ của chính sách tiền tệ hiện nay, dường như chỉ còn một công cụ duy nhất là tăng dự trữ bắt buộc là chưa được đem ra sử dụng. Việc NHNN thận trọng trong việc sử dụng công cụ này là có thể hiểu được, vì nếu tăng dự trữ bắt buộc vào lúc này thì các NHTM sẽ chịu thêm một sức ép tăng lãi suất cho vay.

3 Tác động của lãi suất cao đối với các DN cũng khác nhau. Ví dụ, các DN có dòng tiền liên tục như nhà hàng, khách sạn, hay bán lẻ thì nhìn chung ít có nhu cầu đi vay, nhất là khi lãi suất cao. Trong khi đó, những DN có khoảng cách giữa hoạt động sản xuất (khi cần tiền) và bán hàng (khi thu tiền) sẽ có thể cần phải vay ngân hàng. Khi ấy, khoảng cách này càng lớn thì DN càng gặp khó khăn về tiếp cận cũng như về chi phí vốn.

Khu vực DN vừa và nhỏ (SMEs) hiện nay đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất rất lớn, mà chính khu vực này tạo ra phần lớn việc làm cho nền kinh tế và đóng góp đáng kể vào GDP. Trong hoàn cảnh tín dụng khan hiếm và lãi suất cao như hiện nay, các SMEs rất khó tiếp cận tín dụng. Vì vậy, để tránh sự đổ vỡ hàng loạt của các DN này, Nhà nước nên cân nhắc các biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Dự báo của các tổ chức quốc tế nói chung đều cho rằng tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ giảm so với 2010, dao động trong khoảng 6,0% đến 6,5%. Nếu nền kinh tế thực sự tăng trưởng ở mức này thì sẽ không đến nỗi có sự sụp đổ lớn trong nền kinh tế. Cũng cần nói thêm là khu vực phi chính thức ở Việt Nam khá lớn, đóng vai trò "giảm xóc" trong những thời kỳ khó khăn. Không những thế, số liệu thống kê cho thấy, mặc dù số lượng DN mới và vốn đăng ký đều giảm so với trước, nhưng trong bốn tháng đầu năm 2011, vẫn có gần 25.000 DN được thành lập với tổng số vốn đăng ký trên 140.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, ngay cả khi nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn thì vẫn có nhiều DN nhìn thấy cơ hội ở đâu đó.

4 Vào tháng 2/2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11, trong đó đưa ra một loạt giải pháp vĩ mô nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Tuy nhiên, chính sách vĩ mô, dù là tiền tệ hay tài khóa thì đều có độ trễ nhất định. Cụ thể là chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong mấy năm qua có độ trễ trung bình trên dưới 6 tháng. Thông thường thì chính sách tài khóa còn có độ trễ dài hơn so với chính sách tiền tệ, vì vậy khi các biện pháp cắt giảm đầu tư và chi tiêu công mới chỉ bắt đầu được thực hiện từ tháng 3/2011 thì chưa thể hy vọng chúng phát huy tác dụng ở thời điểm này, mà sớm nhất cũng phải đợi đến quý IV/2011.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không cần kiên quyết cắt giảm và tăng cường hiệu quả của đầu tư công vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, đầu tư công giảm sẽ giúp giảm tổng cầu và nhờ đó giảm sức ép lạm phát. Thứ hai, giảm đầu tư công giúp giảm gánh nặng chống lạm phát mà hiện nay hầu như dồn hết lên vai chính sách tiền tệ. Song song với chính sách tiền tệ thắt chặt, việc Chính phủ kiên quyết cắt giảm đầu tư công sẽ phát một tín hiệu mạnh mẽ về điều hành vĩ mô, từ đó giảm kỳ vọng về lạm phát. Thứ ba, giảm đầu tư công thì cũng giảm được sự chèn lấn đối với đầu tư của khu vực tư nhân. Điều này là tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi lãi suất cho vay đã lên tới trên 20%/năm khiến nhiều DN điêu đứng, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản và sa thải lao động.