Việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng đón nhận đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ hiện nay - Ảnh: Lê Toàn

Việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng đón nhận đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ hiện nay - Ảnh: Lê Toàn

Nhận diện 5 lợi ích khi nhà đầu tư ngoại tham gia cơ cấu ngân hàng

(ĐTCK) Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254). Kết quả của Đề án Tái cơ cấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế Việt Nam về mặt lâu dài.

Với đặc điểm của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, hệ thống NHTM Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận cũng như các chủ thể kinh tế. Vì vậy, sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống NHTM ngược lại, sẽ đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Trong thời gian thực hiện tái cơ cấu, hệ thống NHTM Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực: quá trình tái cơ cấu diễn ra rất quyết liệt, nhưng không gây ra xáo trộn, bất ổn, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia; những vấn đề và tồn tại cơ bản của các TCTD Việt Nam tích tụ trong nhiều năm trước đây, kể cả những TCTD tái cơ cấu và không tái cơ cấu, đã được bộc lộ khá rõ, tạo cơ sở cho những bước xử lý và cải tiến trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nhiều giải pháp tái cơ cấu trong thời gian vừa qua, chẳng hạn nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế xử lý nợ xấu, đa phần mang tính kỹ thuật, ngắn hạn và tình thế. Do đó, nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo là phải xác định và áp dụng một số giải pháp mang tính bước ngoặt, giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam thật sự lột xác và phát triển đúng định hướng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong nhiều nhóm giải pháp được Chính phủ và NHNN thông qua, giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu TCTD tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối là rất đáng chú ý. Theo Đề án 254, Chính phủ khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất với các TCTD tái cơ cấu, nhất là các TCTD yếu kém trên nguyên tắc tự nguyện và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ, đồng thời cũng đưa ra một điều kiện mở: trong trường hợp đặc biệt để cơ cấu lại TCTD yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng được quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại vượt quá giới hạn vừa nêu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chủ trương này chưa được triển khai, áp dụng trên thực tế, dù đã có khá nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất, trao đổi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc cho phép triển khai thí điểm giải pháp nói trên là rất cần thiết, tạo cú hích cho thị trường và đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu các TCTD trong giai đoạn hiện nay.

Nhận diện 5 lợi ích khi nhà đầu tư ngoại tham gia cơ cấu ngân hàng ảnh 1

Xét trên quan điểm thị trường, giải pháp cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam vừa có lợi cho bản thân các TCTD, vừa có lợi cho toàn bộ nền kinh tế, thể hiện qua những phân tích sau đây:

Thứ nhất, thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu một TCTD Việt Nam, mục tiêu của họ là nắm quyền kiểm soát TCTD đó. Theo quy định hiện hành thì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% vốn điều lệ, tỷ lệ này không đủ để họ nắm quyền kiểm soát. Nếu tăng tỷ lệ này lên 35% thì theo điều lệ của phần lớn các TCTD, nhà đầu tư ngoại có đủ cổ phần để phủ quyết các quyết định của Đại hội đồng cổ đông nếu họ không muốn thông qua, nhưng rõ ràng họ chưa thể kiểm soát và định hướng TCTD như kỳ vọng.

Nếu tỷ lệ sở hữu được nâng lên thành 49% vốn điều lệ, sự kiểm soát đã được gia tăng, nhưng về mặt tài chính thì tỷ lệ này vẫn chưa đủ để nhà đầu tư ngoại hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD Việt Nam vào ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Do đó, room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 50% trở lên mới đảm bảo cho họ nắm quyền kiểm soát thực sự tại TCTD tái cơ cấu. Khi đó, các mục tiêu và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài có thể đạt được, xét cả về mặt tài chính lẫn mặt quản trị, để họ chủ động đầu tư sâu hơn về công nghệ, nhân sự, cơ sở vật chất…

Thứ hai, việc bán quyền kiểm soát TCTD tái cơ cấu cho nhà đầu tư nước ngoài giúp cổ đông hiện hữu thu được nhiều lợi ích kinh tế, vì trong trường hợp này giá bán cổ phần có thể có chênh lệch lớn (2-3 lần) so với mức giá giao dịch cổ phần thông thường. Đồng thời, các giao dịch này cũng góp phần mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam, do đó, giải pháp này thực sự cần được khuyến khích thực hiện.

Thứ ba, tận dụng các ưu thế của nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm, cơ chế quản lý rủi ro và tính minh bạch trong kinh doanh… ở tầm “quốc tế”.

Do đó, sự tham gia và kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài tại những TCTD trong nước được kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi cơ bản về phương pháp quản trị điều hành. Điều này được xem là một hạn chế hay điểm yếu của các TCTD tái cơ cấu. Đồng thời, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần hạn chế, loại bỏ tình trạng cho vay các bên liên quan, cho vay các công ty “sân sau”, cũng như tình trạng sở hữu chéo của các nhóm cổ đông với các TCTD khác.

Như vậy, thông qua sự tham gia và nắm quyền kiểm soát các TCTD tái cơ cấu, vấn đề quan ngại của NHNN Việt Nam về việc sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan cũng sẽ được khắc phục.

Thứ tư là nâng cao năng lực tài chính. Việc mua cổ phần và nắm quyền kiểm soát TCTD tái cơ cấu chỉ là bước đi đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi nắm được quyền kiểm soát, để nâng cao năng lực tài chính của TCTD, thông thường nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục các biện pháp như tăng vốn điều lệ, vốn cấp 2…, qua đó TCTD thu được nguồn tiền thực để tiếp tục quá trình tái cơ cấu hiệu quả.

Cuối cùng, TCTD tái cơ cấu có thể thu hút được nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng mẹ và thị trường nước ngoài, điều này mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân TCTD, mà còn cho cả khách hàng của họ.

Có một thực tế trên thị trường Việt Nam là các doanh nghiệp FDI, do là khách hàng truyền thống của nhóm ngân hàng ngoại (ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài) nên có khả năng tiếp cận và được tài trợ bằng các nguồn vốn rẻ hơn, từ đó họ có khả năng cạnh tranh tốt hơn, ít ra trên khía cạnh chi phí đầu vào, so với doanh nghiệp trong nước.

Thống kê cho thấy, trong nhiều lợi thế của nhóm ngân hàng nước ngoài, sự chênh lệch giá vốn là một yếu tố đáng kể (lãi suất huy động VND của nhóm ngân hàng 100% vốn ngoại hiện thấp hơn khoảng 1,5-2 điểm phần trăm, lãi suất huy động USD thấp hơn khoảng 0,5-1 điểm phần trăm so với nhóm ngân hàng cổ phần của Việt Nam). Lợi thế này tiếp tục được chuyển sang các khách hàng doanh nghiệp FDI mà họ phục vụ.

Như vậy, nếu trong tương lai một ngân hàng TMCP có nhà đầu tư ngoại nắm quyền kiểm soát, họ có khả năng giảm chi phí đầu vào, từ đó hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nội địa tiếp cận các nguồn tài trợ với lãi suất thấp hơn trước, qua đó gián tiếp nâng cao tính cạnh tranh của DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tóm lại, việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng đón nhận đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ của kinh tế hiện nay. Giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu TCTD tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế. Đồng thời giúp giải quyết nhiều mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD như xử lý tình trạng sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan, nâng cao năng lực tài chính của các TCTD.

Áp dụng thí điểm giải pháp này có thể tạo ra một bước ngoặt đáng kể trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam trong thời gian tới.

Tin bài liên quan