Chuẩn bị nửa năm, bán trong vài ngày
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày Thần Tài, các doanh nghiệp vàng đã sẵn sàng mọi phương án để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc bán lẻ toàn quốc của PNJ cho biết, những năm gần đây, dù luôn có dự báo và chuẩn bị từ sớm để đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân trong ngày Thần Tài, nhưng do nhu cầu tăng cao nên cảnh xếp hàng, chen lấn khó tránh khỏi.
“Để tránh tình trạng cháy hàng và chen lấn trong những ngày cao điểm này, PNJ đã có kế hoạch sản xuất sớm từ giữa năm 2017, đồng thời hệ thống cửa hàng sẽ đóng cửa muộn hơn so với mọi ngày. PNJ cũng cam kết mức giá ổn định theo thị trường”, bà Hà khẳng định.
Không chỉ PNJ, mà hàng loạt doanh nghiệp vàng khác như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, SJC, BTJ… đã chuẩn bị sản xuất vàng thần tài từ giữa năm ngoái để tập trung bán trong hai ngày tới.
Giá vàng bán vào dịp Thần Tài thường bị “thổi” lên, khoảng cách chênh lệch bị doãng rộng. Do đó, người dân chỉ nên mua một lượng vàng nhỏ để “cầu may”, không nên mua vàng với số lượng lớn
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, mỗi doanh nghiệp vàng lớn năm nay tung ra thị trường từ 100.000 đến hơn 200.000 sản phẩm vàng nhân dịp này, phổ biến là đồng vàng in hình linh vật (năm nay là kim khuyển), đồng vàng in chữ tài lộc ép vỉ, nhẫn tròn trơn, tượng thần tài, tượng phúc lộc thọ…
Hầu hết doanh nghiệp đều lên kế hoạch mở cửa từ sớm, đóng cửa muộn, bán vàng bằng phiếu để tránh cảnh quá tải vào ngày Thần Tài.
Nhu cầu mua vàng Thần Tài tăng mạnh vài năm gần đây, giúp các doanh nghiệp vàng trúng đậm. Năm ngoái, lượng vàng bán ra ngày Thần Tài của nhiều doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ… đều tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Tại PNJ, doanh số đạt hơn 560 tỷ đồng, tại DOJI, doanh số còn cao hơn.
Vài năm gần đây, thị trường vàng trầm lắng. Doanh thu bán vàng hai ngày Thần Tài bằng một tháng, thậm chí bằng vài tháng bán hàng thông thường, nên doanh nghiệp nào cũng cố gắng tìm mọi cách thu hút nhiều người mua.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo, giá vàng bán vào dịp Thần Tài thường bị “thổi” lên, khoảng cách chênh lệch bị doãng rộng (có thời điểm khoảng cách mua vào - bán ra lên tới 500.000 đến 1 triệu đồng/lượng). Do đó, người dân chỉ nên mua một lượng vàng nhỏ để “cầu may”, không nên mua vàng với số lượng lớn.
Kênh vàng sẽ trở lại?
Không chỉ tác động của ngày Thần Tài, mà sự bật dậy mạnh mẽ của vàng từ đầu năm đến nay khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại đến kênh này. Nếu đầu tháng 1/2018, giá vàng SJC bán ra là 36,5 triệu đồng/lượng, thì nay đã tăng lên trên 37 triệu đồng/lượng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán MayBank KimEng, giá vàng có xu hướng đi lên. Theo phân tích của chuyên gia này, năm qua, giới đầu tư đổ xô vào tiền ảo, song việc bitcoin giảm giá mạnh vào cuối năm 2017, khiến nhà đầu tư quay lại với tài sản thật, do đó vàng sẽ lên ngôi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự trở lại của vàng. Thực tế, năm 2017, giá vàng biến động không đáng kể. Hơn nữa, có thể tới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất USD, một khi đồng bạc xanh lên giá, khả năng giá vàng lại giảm.
Chưa kể, đồng bitcoin sau khi lao dốc thảm hại vào cuối năm 2017, đã bắt đầu hồi phục, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có thể phân vân. Nguy cơ mất trắng từ tiền ảo đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết sau cú sốc giá cuối năm ngoái, song mức độ hấp dẫn từ sự may rủi của thị trường này vẫn thu hút nhà đầu tư.
Rõ ràng, nếu tiền ảo bật dậy, chứng khoán tăng, Fed tăng lãi suất, vàng sẽ gặp nhiều bất lợi. Trong trường hợp ngược lại, vàng sẽ được lựa chọn như một kênh trú ẩn an toàn.
Tại thời điểm này, theo nhận định của đa số chuyên gia kinh tế, chưa có tín hiệu nào cho thấy vàng thế giới sẽ có sự đột phá vào năm 2018. Riêng với thị trường trong nước, nhà đầu tư còn luôn chịu cảnh bán rẻ, mua đắt do chênh lệch mua - bán bị doãng rộng và cách xa với giá vàng thế giới, nên khả năng kiếm lời rất thấp. Năm ngoái, nhà đầu tư nắm giữ vàng SJC chỉ có mức tăng giá 0,49%.