Gia tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng tốt và bền vững trong tương lai

Gia tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng tốt và bền vững trong tương lai

Nguồn thu từ dịch vụ nhiều ngân hàng cải thiện

(ĐTCK) Nếu nguồn thu từ mảng tín dụng sụt giảm, thì thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng lại có xu hướng tăng mạnh trong 9 tháng qua.

Đẩy mạnh mảng dịch vụ

Quý III vừa qua, Vietcombank có thu nhập lãi thuần 4.488 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu từ dịch vụ tăng hơn 18%, đóng góp 521 tỷ đồng; lãi thuần chứng khoán kinh doanh tăng mạnh 203 tỷ đồng. Riêng hoạt động chứng khoán đầu tư lại báo lỗ 44 tỷ đồng.

Mặc dù đến cuối tháng 9/2016, tổng dư nợ của Vietcombank đạt chưa đầy 440.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 2/3 quy mô cho vay của VietinBank hoặc BIDV, nhưng lợi nhuận trong kỳ của Vietcombank vẫn ngang ngửa hai nhà băng này, thậm chí vượt BIDV khá xa.  Nguồn thu từ dịch vụ của Vietcombank đã chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu lợi nhuận năm 2015 của Ngân hàng: tới 30%.

Techcombank cũng cho biết, thu nhập từ dịch vụ của Ngân hàng được cải thiện trong thời gian gần đây. Nếu như cùng kỳ năm trước, mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 89 tỷ đồng thì trong quý III năm nay đem về cho Ngân hàng gần 74 tỷ đồng tiền lãi và con số lũy kế 9 tháng là hơn 161 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ đem về cho Ngân hàng 279 tỷ đồng trong quý III và hơn 911 tỷ đồng từ đầu năm tới nay. Tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong quý III tăng 29% so với cùng kỳ và trong 9 tháng tăng 21%, đạt 6.227 tỷ đồng. Kết quả, Techcombank đạt lợi nhuận quý III gấp 2,5 lần cùng kỳ, 9 tháng đạt 2.864 tỷ đồng.

"Đẩy mạnh phát triển dịch vụ để gia tăng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận là yếu tố giúp ngân hàng tăng trưởng tốt và bền vững trong tương lai"

- Chuyên gia Đinh Thế Hiển.

Báo cáo tài chính quý III/2016 của ACB cho thấy, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng trong kỳ đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2015. Các hoạt động kinh doanh đều mang lại kết quả khả quan hơn so với cùng kỳ, như hoạt động dịch vụ lãi thuần 236 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, khoản này vẫn lãi 269 tỷ đồng. Tính riêng quý III/2016, ACB lãi trước thuế 415 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 14%.

Tổng giám đốc ACB ông Đỗ Minh Toàn cho hay, ACB đang từng bước đẩy mạnh mảng dịch vụ để cải thiện tổng lợi nhuận và vì thế, ACB đang chú trọng đến mảng khách hàng cá nhân và dịch vụ tài chính...

Trên thực tế, nguồn thu chính của đa số ngân hàng vẫn đến từ mảng tín dụng, chiếm 80 - 90%, nhất là ở các nhà băng nhỏ. Để đảm bảo nguồn thu trong bối cảnh mảng tín dụng gặp nhiều khó khăn do nợ xấu, sức cầu vốn yếu, các ngân hàng đã và đang tăng tốc mảng dịch vụ. Trong đó, nhiều sản phẩm được các nhà băng triển khai như: thẻ, cung ứng sản phẩm trọn gói cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt, một số ngân hàng gần đây đã phủ mạng lưới hoạt động đến tận ngõ ngách tại một số thành phố lớn, thông qua hệ thống bán lẻ để phục vụ ngoài giờ cho khách hàng. 

… khi tín dụng gặp khó

Mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ không còn sôi động như trước đã có ảnh hưởng nhất định đến  lợi nhuận của một số nhà băng vốn có thế mạnh này. Đơn cử, tại Eximbank, tuy các hoạt động kinh doanh có kết quả khởi sắc hơn trong quý III/2016, với lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 81 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi gần 38 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần 12 tỷ đồng… Tuy nhiên, cho vay khách hàng của Eximbank chỉ đạt trên 80.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay, giảm gần 5%. Trong quý III/2016, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 719 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 202 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.

Thị trường liên ngân hàng đã thay đổi một cách rõ nét trong 2 năm qua và các ngân hàng lớn khó có thể tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường này. Nguyên nhân là tiền gửi của khách hàng ở thị trường một tăng giúp cho ngân hàng nhỏ bớt vay lại vốn ngân hàng lớn trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng cũng chính vì không kiếm được nguồn thu từ việc kinh doanh vốn trên liên ngân hàng và nguồn thu từ hoạt động tín dụng thu hẹp, các ngân hàng lớn cũng phải đẩy mạnh hoạt động, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, với kỳ vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng đóng góp mạnh cho lợi nhuận trong các năm tới, theo tổng giám đốc một ngân hàng, là rất khó. Bởi trước diễn biến sức cầu tín dụng vẫn yếu, muốn đẩy được vốn ra thị trường buộc ngân hàng phải điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Đó cũng chính là lý do lãi biên trong phát triển tín dụng bị thu hẹp và nguồn thu từ tín dụng đóng góp vào tổng lợi nhuận không còn như trước đây.

“Đẩy mạnh phát triển dịch vụ để gia tăng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận là yếu tố giúp ngân hàng tăng trưởng tốt và bền vững trong tương lai”, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận xét.

Tin bài liên quan