Nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước hiện rất mỏng

Nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước hiện rất mỏng

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, định hướng xây dựng kế hoạch 2015 thì ổn định kinh tế vĩ mô được coi là nội dung thứ nhất. Trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, việc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước vừa quan trọng, vừa trực tiếp.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thực hiện 6 tháng so với dự toán cả năm của thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước như sau.

Thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt được một số kết quả tích cực. Kết quả tích cực được nhận diện trên các góc độ khác nhau.

Ở góc độ thứ nhất, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2014 đạt 413.6000 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện 6 tháng so với dự toán cả năm cao hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước (52,8% so với 43,8%). Đó là tỷ lệ đạt khá cao và là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vượt khá so với dự toán (ngành tài chính đang đề ra mục tiêu là vượt 10%).

Ở góc độ thứ hai, so với cùng kỳ năm trước, tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng 15,8%. Đó là tốc độ khá cao.

Ở góc độ thứ ba, thu nội địa - chiếm tỷ trọng lớn nhất và phản ánh trực tiếp nhất hiệu quả hoạt động của nền kinh tế - đã tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn con số tương ứng của tổng thu (18% so với 15,8%); nhờ đó tỷ trọng trong tổng thu trong 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn tỷ trọng tương ứng của cùng kỳ năm trước (67,9% so với 66,6%). Tỷ lệ thu nội địa so với dự toán cả năm đạt 52,1%.

Ở góc độ thứ tư, do tốc độ tăng cao, nên tỷ lệ so với GDP của tổng thu ngân sách nhà nước đạt 24,8%, của thu nội địa đạt 16,8% - là các tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều đó cũng có nghĩa là tỷ trọng trong tổng thu và tỷ lệ so với GDP của hai khoản thu (thu từ dầu thô và thu cân đối cân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu)- không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế và có xu hướng giảm xuống- đã thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Ở góc độ thứ năm, do tỷ lệ so với dự toán cả năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu cao hơn của tổng chi, nên bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước 78.800 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 35,2% so với dự toán cả năm. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP đạt khoảng 4,7%. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt thấp hơn tỷ lệ 5,3% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đạt được những kết quả tích cực như trên do nhiều yếu tố.

Trước hết là GDP 6 tháng đầu năm nay đã tăng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước (tăng 5,18% so với tăng 4,93% và tăng 4,9%). GDP là hiệu quả của nền kinh tế; chiếc bánh GDP có to ra thì cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất là tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách nhà nước có thể cao hơn mà quy mô tuyệt đối của phần được hưởng của doanh nghiệp, của người lao động không giảm mà có thể còn cao hơn. Khả năng thứ hai là tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách nhà nước không thay đổi, thậm chí có thể giảm xuống, nhưng quy mô tuyệt đối của phần ngân sách nhà nước sẽ không giảm, thậm chí vẫn tăng lên. Do vậy, cần làm cho chiếc bánh GDP to ra vì đó là lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và của Nhà nước.

Yếu tố quan trọng thứ hai là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, của người sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức để đạt hiệu quả và có ý thức chấp hành pháp luật về thuế.

Yếu tố quan trọng thứ ba là công tác hành thu của toàn ngành tài chính trong việc đôn đốc thu nộp, chống thất thu, nợ đọng thuế.

Bên cạnh những kết quả tích cực, về thu, chi ngân sách nhà nước vẫn còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Về thu ngân sách, bên cạnh những doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, thì cũng có không ít đối tượng gian lận thương mại, trốn lậu thuế, chây ỳ, nợ đọng, chuyển giá… Thách thức không nhỏ là sản xuất, kinh doanh hiện còn gặp nhiều khó khăn cả về mặt tăng trưởng, cả về mặt hiệu quả hoạt động. Tăng trưởng khó khăn do việc tiếp cận vốn khó khăn, do nợ xấu cao, tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Hiệu quả hoạt động thấp do hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp, tính gia công cao.

Về chi ngân sách, tình trạng lãng phí, thất thoát còn lớn; các khoản thu cũ đã lớn, nay lại xuất hiện thêm các khoản chi mới, trong khi nguồn dự phòng ngân sách nhà nước hiện rất “mỏng”. Các khoản chi mới đó là chi để tái cơ cấu nền kinh tế, chi để đẩy mạnh việc thực hiện ba đột phá chiến lược, chi để đáp ứng yêu cầu mới trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong việc thực hiện chiến lược biển Việt Nam…    

Tin bài liên quan