Nghịch lý: Ngân hàng thừa thanh khoản, thiếu tiền cho vay

Nghịch lý: Ngân hàng thừa thanh khoản, thiếu tiền cho vay

Nhu cầu vốn vay dài hạn đang tăng lên, khiến nhiều ngân hàng phải nhìn lại kho vốn của mình, khi đa phần vốn huy động được là ngắn hạn.

Cho vay dài hạn tăng

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, doanh nghiệp (DN) này rất muốn mở rộng sản xuất, song do chỉ có thể tiếp cận vốn ngắn hạn, nên chưa thể đầu tư. Tương tự Rừng Hoa Đà Lạt, rất nhiều DN khác cũng đang mong muốn được vay vốn trung, dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy, trang bị công nghệ, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nhu cầu tín dụng trung, dài hạn tăng lên một phần là do lãi suất thấp, nhiều DN tận dụng cơ hội vay vốn để đầu tư, chứ không chỉ vay vốn lưu động như trước. Trong khi đó, với sức mua hiện nay, việc tìm kiếm khách hàng vay vốn ngắn hạn cũng rất nan giải, nên ngân hàng hướng đến các dự án trung, dài hạn để kích thích tín dụng. Mặc dù cho vay trung, dài hạn rủi ro cao hơn, nhưng lãi suất cho vay cũng cao hơn, trong khi ngân hàng đang dư giả thanh khoản, nên không đáng ngại.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay trung và dài hạn những tháng đầu năm 2014 có tốc độ tăng cao gần gấp 3 lần so với mặt bằng chung, trong khi tín dụng cho vay ngắn hạn có xu hướng giảm nhẹ. Đáng chú ý, tại một số ngân hàng ở TP.HCM, dư nợ trung và dài hạn đã chiếm tới 50% tổng dư nợ.

Tại Hà Nội, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, song một số ngân hàng thừa nhận, dư nợ trung và dài hạn đang có xu hướng tăng lên, trong khi dư nợ ngắn hạn đang giảm đi.

Năm 2013, theo thống kê của nhiều ngân hàng, dư nợ cho vay trung và dài hạn đều tăng so với năm trước đó. Cụ thể, dư nợ cho vay trung và dài hạn tại Sacombank là 52% (tăng 10%), tại Techcombank là 50% (tăng 3%), tại SHB là 48% (tăng 5%), tại Vietcombank là 36% (tăng 2%), tại VietinBank là 39% (tăng 1%)…

Điều làm các chuyên gia kinh tế băn khoăn hiện nay là đa phần cơ cấu huy động vốn của ngân hàng là vốn ngắn hạn (chiếm tới 80%), trong khi dư nợ cho vay trung và dài hạn đang có dấu hiệu tăng cao và chiếm tỷ lệ lớn ở nhiều ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được sử dụng tới 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Song nếu xu hướng này tăng mạnh, chắc chắn thanh khoản vốn dài hạn của ngân hàng sẽ có vấn đề. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP khẳng định, đã có những ngân hàng cho vay vốn trung, dài hạn vượt quá trần 30%.

Ồ ạt huy động trái phiếu để bù đắp vốn

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tín dụng trung, dài hạn tăng lên là nhờ sự phục hồi của nhiều lĩnh vực, như công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, các dự án đầu tư công…

Tuy nhiên, phân tích khách hàng của các ngân hàng lớn cho thấy, dù tín dụng trung và dài hạn tăng mạnh, nhưng lại tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các công ty sân sau. Với các DN tư nhân, việc vay vốn trung, dài hạn còn rất khó. Ngay cả với TH True Milk, dù được Ngân hàng TMCP Bắc Á hậu thuẫn, song việc tiếp cận vốn vay các ngân hàng khác không phải dễ.

Trong bối cảnh “đói” vốn trung và dài hạn , nhiều ngân hàng đã tính tới việc phát hành trái phiếu để tăng nguồn vốn này.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bắc Á đang chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu tới một nhóm nhà đầu tư, bao gồm trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, bởi vốn ngắn hạn vẫn chiếm đa số trong tổng vốn huy động của ngân hàng này. Dự kiến, tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được bổ sung vào nguồn vốn trung và dài hạn.

Trước đó, cuối tháng 5/2014, HDBank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu năm 2014 nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để cơ cấu nguồn vốn và tài trợ cho khách hàng có dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Có thể thấy, phát hành trái phiếu là giải pháp huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận trước được với nhóm nhà đầu tư tiềm năng, thì khả năng phát hành trái phiếu thất bại là khá cao. Trong bối cảnh này, các ngân hàng vẫn phải căn ke để cho vay vốn huy động ngắn hạn và dài hạn một cách hợp lý.

Tin bài liên quan