Ngành tài chính tiêu dùng còn phải "giải oan" tiếng xấu cho vay "nặng lãi"

Ngành tài chính tiêu dùng còn phải "giải oan" tiếng xấu cho vay "nặng lãi"

Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, tạo điều kiện cho các công ty tài chính tiêu dùng và công nghệ tài chính phát triển, dự đoán vừa được đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam 206".
Buổi thảo luận chuyên đề “Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam 2016” do Stoxplus tổ chức cuối tuần trước tại TP. HCM, 20 chuyên gia trong ngành tài chính tiêu dùng, công nghệ tài chính và đại diện Ngân hàng Nhà nước đã tổng kết quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành tài chính tiêu dùng trong nước năm vừa qua. 
Theo nghiên cứu của Stoxplus, dư nợ tiêu dùng tại Việt Nam năm 2015 đã đạt 15,12 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép 44,1% so với vỏn vẹn 14% của năm 2014. Tuy nhiên, các công ty tài chính tiêu dùng mới chỉ chiếm 2 tỷ USD trong tổng số dư nợ này, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng đứng đầu thị trường là FE Credit (chiếm 53% thị phần), Home Credit (16% thị phần), HD Saison Finance (12%) và Prudential Finance (11%).

Stoxplus cho biết, trong năm 2015, khoảng 20% doanh thu bán hàng điện máy tại Việt Nam, đặc biệt là điện thoại di động, có sự tham gia của công ty tài chính tiêu dùng. Tương tự, các công ty này cũng đã hỗ trợ tài chính cho 15% lượng xe máy và 10% số xe đạp điện bán ra tại thị trường nội địa. Kênh phân phối quan trọng nhất của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay là các điểm bán lẻ.

“Phần lớn dư nợ tiêu dùng tập trung vào sản phẩm công nghệ, điện máy và xe hai bánh, nên các công ty tài chính tiêu dùng đang phải cạnh tranh gay gắt để có mặt tại các điểm bán hàng. Tình huống thường gặp nhất là có đến 5-6 công ty tài chính cùng xuất hiện tại một cửa hàng điện thoại di động”, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Giám đốc dịch vụ thông tin kinh doanh của Stoxplus phân tích.

Cũng theo bà Lan, vì “miếng bánh” cho vay sản phẩm công nghệ, điện máy và xe hai bánh đang thu hẹp lại, nên các công ty tài chính sẽ triển khai các dịch vụ mới trong năm 2016 như cho vay mua hàng nội thất hay thiết bị nông nghiệp; cho vay tiền mặt và phát hành thẻ tín dụng. Ngoài ra, các công ty này đang hướng về thị trường tỉnh lẻ và nông thôn, nơi có đến 50 tỷ USD dư nợ được quản lý bởi các hình thức tín dụng đen và cho vay nặng lãi.

Ngành tài chính tiêu dùng còn phải giải oan “tiếng xấu” về mức lãi suất cho vay lên đến hơn 40%/năm của mình.

Một hình thức phát triển tiềm năng khác trong năm nay chính là sự phối hợp giữa các công ty tài chính tiêu dùng và công nghệ tài chính (fintech). Trong năm 2015, đã có 2,9 tỷ USD vốn được rót vào các dự án khởi nghiệp trong ngành fintech. Con số này được Stoxplus dự báo sẽ lên đến 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Rất có khả năng trong những năm tới, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) với các start-up trong lĩnh vực này, đặc biệt là những công ty chuyên về thanh toán không dùng tiền mặt và cho vay ngang hàng.

Tuy nhiên, trong những năm tới, ngành tài chính tiêu dùng còn phải giải oan “tiếng xấu” về mức lãi suất cho vay lên đến hơn 40%/năm của mình. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Giám đốc HD Saison Finance, sở dĩ các công ty này phải áp mức lãi suất cao vì khoản vay không có tài sản thế chấp, đối tượng vay lại là người không đủ chuẩn vay ngân hàng dẫn đến rủi ro nợ xấu cao hơn. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực nghiên cứu sửa đổi Nghị định 39 về quản lý hoạt động của các công ty tài chính. Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện tốt nhất để công ty tài chính phát triển, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi.

Tin bài liên quan