NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 17% trong năm nay

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 17% trong năm nay

Ngành ngân hàng nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng

(ĐTCK) Năm 2017, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), mà trọng tâm là xử lý nợ xấu, đã đạt được những thành công nhất định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để duy trì sự tích cực này trong năm 2018, ngành ngân hàng cần nhiều giải pháp đồng bộ, cũng như quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu.

Không nên ưu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ và NHNN thời gian qua có những bước đi phù hợp với chính phủ pháp quyền.

Theo ông Kiên, năm 2017, hệ thống ngân hàng tập trung đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng thể chế, tiêu biểu là Luật Các TCTD sửa đổi được Quốc hội thông qua và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về nợ xấu được ban hành. Bên cạnh các văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ đã và đang được triển khai, một trong những điểm quan trọng là có sự thay đổi nhận thức về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

“Trước đây, báo cáo hàng năm của Chính phủ bao giờ cũng có chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, nhưng bây giờ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm đã được nhìn nhận là mục tiêu định hướng, chứ không phải bắt buộc NHNN phải bơm tiền ra để đạt chỉ tiêu tín dụng, hay nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Kiên nhấn mạnh.

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright cho rằng, trong tình hình hiện nay, không nên ưu tiên việc nới lỏng.

Theo ông Thành, nhìn lại năm 2017, tăng trưởng quý I/2017 đạt trên 5%, thấp hơn mục tiêu đặt ra trong bối cảnh không gian của chính sách tài khóa không còn nhiều, khiến hệ thống ngân hàng đã phải tổng động viên nguồn lực cho tăng trưởng. Nhìn một cách khách quan, kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2017 có đóng góp nổi bật của chính sách tiền tệ trong đảm bảo tính ổn định giá trị đồng tiền, cân đối vĩ mô.

“Tăng trưởng quý I/2018 vẫn tích cực, xuất khẩu tốt, lĩnh vực sản xuất chế biến - chế tạo tăng trưởng 14% so với cùng kỳ 2017, tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ đạt 9,5%, lạm phát tiếp tục ở mức thấp 2%... Với định hướng chính sách thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng, nhà quản lý không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, mà ưu tiên ổn định nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 17% có điều chỉnh theo tình hình thực tế và tổng phương tiện thanh toán là 16%. Theo đó, NHNN tập trung vào các mục tiêu ổn định giá trị dòng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế một cách hợp lý. Trong đó, các chỉ tiêu trung gian là tiền tệ, tín dụng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến nền kinh tế.

“Tính đến cuối tháng 4/2018, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%, tương tương với cùng kỳ 2017. Mức tăng trưởng này phù hợp với cân đối vĩ mô, tổng phương tiện thanh toán, tính ổn định của thanh khoản…, cho nên chưa xuất hiện yếu tố gây sức ép khiến phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay”, ông Hà nói.

Một trong những điểm quan trọng của chính sách tiền tệ là tỷ giá, theo ông Hà, tiếp tục được điều hành điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Nhờ vậy, thời gian qua, NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước cao nhất từ trước tới nay; lượng tiền mặt đưa ra lưu thông được trung hòa hợp lý, góp phần ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá.

Mặc dù tỷ giá đang được giữ khá ổn định, nhưng theo TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế, cần thận trọng với việc đồng Việt Nam tăng giá.

"Luồng vốn nước ngoài đang tiếp tục đổ vào Việt Nam dẫn đến khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ là trung hòa dòng tiền. Nếu không đủ linh hoạt và chặt chẽ sẽ đưa đến rủi ro là tiền đồng lên giá so với USD. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", TS. Ngọc cảnh báo.

Xử lý nợ xấu: Còn nhiều vướng mắc tại các tòa án địa phương

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, Nghị quyết 42/2017 đã giúp ngành ngân hàng tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Theo đó, trong năm 2018, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu tại các ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh phân tích, phân loại các khoản nợ để tiến hành "mua đứt, bán đoạn" theo cơ chế thị trường.

“Chính phủ đã chấp thuận tăng cho VAMC tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Theo đó, VAMC sẽ xây dựng kế hoạch mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường để đưa hoạt động xử lý nợ xấu đi vào thực chất, hiệu quả, tích cực, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế”, ông Đông nói.

Trong năm qua, đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 42/2017 ra đời, việc xử lý nợ xấu đã có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, trên thực tế, bức tranh nợ xấu không toàn màu hồng. Ông Đông cho biết, vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết tài sản đảm bảo dẫn đến việc xử lý nợ xấu còn chậm.

"Theo tính toán của VAMC, còn khoảng 500 vướng mắc liên quan đến thủ tục giải quyết tài sản đảm tại các tòa án địa phương. Việc ngành tòa án tại mỗi địa phương có hiểu biết khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc xử lý nợ xấu”, ông Đông nói.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra - giám sát NHNN thừa nhận, một số bộ, ngành còn chậm hoặc chưa thực hiện xong việc ban hành chương trình/kế hoạch hành động cụ thể triển khai Đề án 1058.

Bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết 42/2017 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng tại một số cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố lại chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã), nên còn vướng trong công tác phối hợp xử lý.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ông Huyền Anh cho hay, trong thời gian tới, NHNN sẽ triển khai một số giải pháp như thực hiện các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; chỉ đạo các TCTD triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết 42/2017; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng TCTD; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết tài sản đảm bảo…                        

Tin bài liên quan