Ngân sách dự thu tăng 57.000 tỷ đồng: Liệu có động viên quá mức?

Năm 2016, ngân sách nhà nước dự kiến thu 984.500 tỷ đồng, tăng 57.000 tỷ đồng so với số ước thực hiện năm 2015. Ngân sách nhà nước liệu có động viên quá mức không là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào ngày hôm nay (2/11).
Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Dựa vào cơ sở nào mà dự toán thu ngân sách năm sau cứ giao tăng so với số ước thực hiện của năm trước, thưa ông?

Thu ngân sách được tính toán trên cơ sở tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát và có tính đến các yếu tố tăng - giảm do thay đổi chính sách thuế và các chính sách phát triển sản xuất - kinh doanh khác, cũng như tác động của kinh tế thế giới.

Cụ thể, số thu ngân sách năm 2016 được tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tổng vốn đầu tưphát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; lạm phát khoảng 5%... Bên cạnh đó, còn xét đến tác động của kinh tế thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn, có quan hệ thương mại, đầu tư với nước ta như Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc…

Việc GDP của Hoa Kỳ trong quý III/2015 chỉ tăng 1,5%, giảm rất mạnh so với mức tăng 3,9% trong quý II, sẽ tác động rất lớn tới kinh tế nước ta. Với bối cảnh đó, liệu GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 và ngân sách có thể thu đạt dự toán?

Nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào thương mại và đầu tư vốn. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6, đối tác đầu tư hàng đầu của nước ta. Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tới 27,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014.

Cũng trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước thì nhập khẩu từ thị trường này đạt 6,6 tỷ USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoa Kỳ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn là nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nền kinh tế khác, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của nước ta như Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, EU, Hàn Quốc… Vì vậy, kinh tế Hoa Kỳ bất ngờ giảm tốc trong quý III/2015 không chỉ tác động trực tiếp, mà còn tác động gián tiếp đến kinh tế nước ta do các đối tác của chúng ta cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với những chính sách mới đã đi vào cuộc sống, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, tôi cho rằng, tốc độ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,7% là có thể thực hiện được, qua đó ngân sách có khả năng thu đủ dự toán.

Nhưng đó mới chỉ là dự báo, còn trên thực tế, thu ngân sách không hẳn như vậy, thưa ông?

Mỗi khi khi giao ngân sách, hầu hết các địa phương đều kêu khó đạt được, nhưng cuối năm, địa phương nào cũng vượt, có địa phương vượt 15 - 25%, nên dự toán ngân sách năm 2016 không phải là ngoại lệ. Vì sao lại thế? Vì Luật Ngân sách nhà nước vẫn có cơ chế thưởng vượt thu, nên các địa phương thường lập dự toán thấp hơn so với thực tế để cuối năm hưởng thưởng vượt thu. Tôi mới đi giám sát về và được biết, nếu lập đúng dự toán, thì ngân sách nhà nước năm 2016 phải tăng thêm ít nhất 65.000 tỷ đồng nữa.

Yếu tố quan trọng nhất đối với thu ngân sách là tăng trưởng GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm trở lại đây không đạt 6%, nhưng thu ngân sách tăng chóng mặt. Điều này có thể hiểu ngân sách đang động viên quá mức?

Năm 2011, dự toán giao thu nội địa không kể dầu thô là 382.000 tỷ đồng, kết quả thu được 443.731 tỷ đồng. Năm 2015, dự toán giao thu 638.600 tỷ đồng, kết quả thu dự kiến vượt 48.400 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2014. Số liệu này cho thấy, số thu năm 2015 đã tăng trên 150% so với năm 2011. Điều này không có nghĩa là ngân sách nhà nước động viên quá mức, mà là do kinh tế phát triển, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày một nhiều, số lượng doanh nghiệp làm ăn có lãi, có thu nhập chịu thuế tăng nhanh; số thuế thu nhập cá nhân cũng tăng mạnh do đối tượng nộp thuế tăng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế tốt hơn, nên giảm được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Ngoài ra, số thu nội địa tăng còn nhờ Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế đối với khoáng sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường…

Trong bối cảnh năm 2016 không có chính sách tăng thu nào được ban hành, trong khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, việc dự toán giao tăng thu tới 73.400 tỷ đồng so với dự toán năm 2015 liệu có quá sức, thưa ông?

Số dự toán tăng thu này đã được Bộ Tài chính tính toán rất kỹ, trong đó tính đến cả yếu tố tăng thu cũng như giảm thu. Như tôi nói, nếu tính kỹ thì dự toán có thể còn tăng thu thêm ít nhất 65.000 tỷ đồng nữa, chưa kể số thuế nợ đọng còn rất lớn. Trong chuyến đi giám sát vừa qua, tôi đã phát hiện có địa phương hiện còn số nợ thuế tới 20.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan