Theo ông, các bước cơ bản mà nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện khi triển khai mua một ngân hàng khác là như thế nào?
Đầu tiên, họ gửi một thư mời và tiếp đó là Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết. Sau đó, hai bên bắt đầu đàm phán và ký một hợp đồng bảo toàn bí mật (Confidentiality Agreement) cam kết các thông tin trao đổi giữa bên mua, bên bán được bảo mật.
Theo đó, bên muốn mua phải cam kết chịu trách nhiệm cho những thiệt hại tài chính nếu những thông tin tài chính bên bán cung cấp cho bên muốn mua bị lọt ra ngoài. Tiếp theo, họ sẽ thu xếp để thực hiện một cuộc khảo sát rất chi tiết được gọi là Due Diligence nhằm định nghĩa khả năng tồn tại (viability) của một ngân hàng muốn bán.
Giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, hoặc mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa
Cũng giống như khi mua một món hàng, chúng ta thường có nhận định khởi đầu là món hàng đó có hấp dẫn không và giá mua là bao nhiêu để liệu xem túi tiền của chúng ta có vừa với cái giá mà chúng ta phải trả cho món hàng.
Tương tự như thế, sau khi nhà đầu tư nước ngoài ước chừng khả năng tồn tại của ngân hàng trên cơ sở khả năng phục hồi (nếu là ngân hàng yếu kém), hay khả năng phát triển (nếu là ngân hàng đang hoạt động tốt); thị phần và vị trí của ngân hàng trên thị trường ngân hàng; sản phẩm, uy tín, những khó khăn và cơ hội của ngân hàng, họ sẽ lập một bản phân tích gọi là SWOT (strength, weakness, opportunities và threats) để xác định khả năng tồn tại và phát triển của ngân hàng. Tiếp đến là đàm phán về vấn đề giá cả.
Giá cả thường được thẩm định dựa trên ít nhất 3 chỉ tiêu: thứ nhất, giá trị sổ sách của cổ phiếu (book value per share); thứ hai, giá trị thị trường của cổ phiếu (market value per share); thứ ba, tỷ lệ giá thị trường trên lợi nhuận thuần của cổ phiếu (price/earnings ratio), đồng thời với việc so sánh P/E của ngân hàng muốn mua với P/E của thị trường ngân hàng.
Trên cơ sở những chỉ số này và những chỉ tiêu khác mà nhà đầu tư nước ngoài sử dụng, họ ước tính giá phải trả cho 1 cổ phiếu để làm khởi điểm tiến hành thương lượng với ngân hàng bán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Sau khi hai bên có dấu hiệu thuận mua vừa bán, họ tiếp tục tiến hành khảo sát cơ cấu tài sản có và tài sản nợ một cách rất chặt chẽ. Cụ thể, đối với tài sản có bao gồm tài sản sinh lời và không sinh lời, tài sản có tính thanh khoản tốt, các khoản cho vay, nợ xấu, tài sản đầu tư, tài sản cố định và thẩm định, đặc biệt là các khoản phải thu.
Đối với các khoản phải thu của các ngân hàng Việt Nam, họ sẽ loại ra những khoản phải thu từ lãi của những món nợ xấu và những món nợ không còn thu hồi được, để xác định giá trị thực của các khoản phải thu của ngân hàng đang được rao bán.
Tại những ngân hàng yếu kém, khoản này phình ra rất to và thay vì xóa sổ lãi dự thu không thu hồi được, nhiều ngân hàng vẫn hạch toán vào thu nhập từ lãi và tích lũy các khoản này, tạo ra một khối tài sản lớn, nhưng “ảo”.
Cùng với những “check list” về sức khỏe tài chính, những điểm trọng yếu nào sẽ nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Cùng với một “check list” rất dài về sức khỏe tài chính (xem thêm box) là việc khảo sát về con người, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cùng tỷ lệ thôi việc của những năm trước để xác định sự ổn định của ngân hàng đang được bán.
Hai điểm mà các nhà phân tích không thể bỏ qua: hoạt động và bộ máy quản lý rủi ro; tính tuân thủ luật lệ quốc gia, ngân hàng cũng như những quy định nội bộ.
Có thể nói “Due Diligence” của các nhà đầu tư nước ngoài còn chặt chẽ hơn công tác thanh tra của các cơ quan quản lý ngân hàng. Một điều dễ hiểu là như Kinh thánh Thiên chúa giáo đã nhắc nhở: “Tiền của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Họ không bao giờ mạo hiểm đầu tư vào một ngân hàng mà không soi “từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong” (inside out).
Sau khảo sát, họ sẽ lên kế hoạch 3-5 năm, nếu trong trường hợp mua ngân hàng này, tổ chức lại ngân hàng được mua, từ bổ sung vốn điều lệ đến chấn chỉnh lại thành phần lãnh đạo, bộ phận nhân sự và các hoạt động của ngân hàng cho phù hợp với chiến lược kinh doanh mới.
Có thể dự liệu trước những khó khăn và giải pháp mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp trong tiến trình xem xét, quyết định đầu tư vào một ngân hàng nội địa không, thưa ông?
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc mua một ngân hàng nội địa, cụ thể là các ngân hàng tại những quốc gia đang phát triển, khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ, mặc dù một số văn bản được dịch ra tiếng Anh và dù chính ngân hàng cũng có ban dịch thuật, nhưng không thể dịch hết được các văn bán pháp luật. Thứ hai, sổ sách của ngân hàng được minh bạch đến mức độ nào.
Thứ ba, môi trường kinh doanh, luật lệ có thay đổi thường xuyên không? Nhà đầu tư nước ngoài cần sự an toàn tối thiểu nào đó, ngân hàng mình mua được quản lý và chi phối bởi các luật lệ ổn định như thế nào.
Thứ tư, nhân sự là một vấn đề lớn bởi để tuyển dụng được cán bộ có tâm, có tầm, bề dày kinh nghiệm quản lý là không dễ.
Giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, hoặc mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa.
Nếu nhìn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Nhà đầu tư nước ngoài ở phương Tây tương đối ngờ vực tính hấp dẫn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bởi nhận định kỹ nghệ ngân hàng của Việt Nam còn nhiều hạn chế, khiến họ chưa lường đoán được những rủi ro trong hệ thống, khi mà Basel II vẫn chưa thể thực hiện.
Các nhà đầu tư ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia đặt các ngân hàng Việt Nam trong “tầm ngắm” do nhận thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam hấp dẫn hơn khi đã có những cải tiến mạnh mẽ thời gian vừa qua.
Đồng thời, những quốc gia này có nhiều giao thương, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với họ còn là câu chuyện vĩ mô, nền kinh tế ổn định, cùng với sự ổn định của đồng tiền, ngoại thương ngày càng được mở rộng…
Thị trường những ngày qua có những thông tin về việc nhà đầu tư nước ngoài ngắm nghía các ngân hàng “0 đồng”, tôi cho rằng, đó là tin vui bởi chúng ta cũng đã nhận được những thông tin tương đối tích cực từ những ngân hàng này.
Cụ thể, cùng với sự hỗ trợ lớn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng “0 đồng” đã quay trở lại hoạt động và có những kết quả nhất định.