Không quan ngại nếu Fed tăng lãi đúng lộ trình
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối của VIB cho biết, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nếu nói các ngân hàng không chuẩn bị hay quan ngại thì không đúng. Bởi mỗi lần Fed thay đổi lãi suất, không chỉ tại VIB, mà ở các ngân hàng khác, khối quản lý tài sản nợ và tài sản có đều phải họp để cân nhắc tác động của sự thay đổi này.
“Tuy nhiên, về cơ bản, tỷ trọng tác động là rất thấp nên không là vấn đề”, ông Trung nói.
Ông Trung phân tích, nhiều năm trước, mỗi khi Fed tăng lãi suất là các ngân hàng đều lo lắng về thanh khoản, lý do là bởi tỷ lệ cho vay bằng USD trên tổng dư nợ chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhưng hiện tại, điều này đã thay đổi. Đơn cử, tại VIB, cho vay bằng USD chỉ chiếm khoảng 5-6% trên tổng dư nợ - là mức rất nhỏ. Bên cạnh đó, thanh khoản toàn hệ thống ổn định, tình trạng đô-la hóa trong những năm gần đây giảm mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài cầm nắm trái phiếu chính phủ Việt Nam tỷ lệ không đáng kể, nên việc Fed tăng lãi suất không tác động đến việc dịch chuyển dòng vốn ở những nước có thu nhập thấp về Mỹ để có mức lãi suất cao hơn.
“Dòng tiền đầu tư gián tiếp vào Việt Nam rất thấp nên tác động về thanh khoản USD không tác động sâu rộng đến thanh khoản của ngân hàng Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.
Một điểm được ông Trung lưu ý đó là chênh lệch lãi suất VND-USD hiện rất thấp, khiến những người trước đây vay USD giờ chuyển sang VND. Thực tế, trước đây, chênh lệch lãi suất giữa vay USD và VND vào khoảng 3-4%/năm nên vay USD sẽ lợi hơn, nhưng bây giờ mức chênh chỉ là 1%/năm, nên việc vay VND chắc chắn sẽ lợi hơn. USD dự đoán biến động khoảng 1-2% thì việc vay VND sẽ loại bỏ hoàn toàn rủi ro về tỷ giá, cơ hội an toàn hơn.
Về thặng dư cán cân xuất nhập khẩu, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 3, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,96 tỷ USD, tăng 94,1% so nửa cuối tháng 2; trong khi nhập khẩu đạt kim ngạch 9,1 tỷ USD, tăng 42,2% so nửa cuối tháng 2. Tính từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 21,2% (tăng 15,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư 1,39 tỷ USD.
“Quan điểm của ông Jerome Powell - Chủ tịch đương nhiệm Fed, không khác nhiều với người tiền nhiệm - bà Janet Yellen, về việc tăng lãi suất USD. Theo đó, thị trường gần như dự đoán đúng xu thế lãi suất USD sẽ tăng 4 lần trong năm 2018. Với việc Fed vừa tăng lãi suất cuối tuần qua, nghĩa là sẽ còn 3 lần tăng nữa, nhưng tôi dự báo mục tiêu lãi suất USD từ nay đến năm 2020 cũng chỉ quanh mức 3,7-4,25%/năm tùy vào mức độ lạm phát và tốc độ phát triển của nền kinh tế”, ông Trung nói.
Nhưng tăng nhiều hơn, sẽ có tác động nhất định
Một Nghiên cứu nhanh của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV nhận định, thị trường ngoại hối trong nước về cơ bản cũng không có phản ứng với quyết định nâng lãi suất của Fed đúng như kỳ vọng. Tỷ giá USD-VND tiếp tục tăng 10-15 điểm trong ngày 22/3, dao động trong khoảng 22.780-22.800 VND/USD.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, tỷ giá USD-VND đã tăng khoảng 80-90 điểm, mức biến động mạnh nhất của thị trường kể từ tháng 6/2017 đến nay. Diễn biến này của tỷ giá chịu tác động bởi 2 yếu tố chủ đạo. Thứ nhất, cung - cầu ngoại tệ trở nên cân bằng hơn sau khi đã bán về Ngân hàng Nhàn nước (NHNN) trên 6 tỷ USD trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2018. Đồng thời nguồn cung ngoại hối trong tháng 3 cũng chưa gia tăng mạnh mẽ như dự kiến.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng co hẹp rất mạnh (ví dụ, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 1,1%/năm vào trước Tết Nguyên đán xuống mức -0,3%/năm đến 0%/năm tại ngày 22/3) khiến cho tỷ giá giao ngay quy đổi theo tỷ giá mua vào kỳ hạn 3 tháng của NHNN tăng mạnh. Dự báo đà tăng của tỷ giá USD-VND có thể chững lại trong những phiên cuối tháng 3, khi cung - cầu ngoại tệ nhìn chung khá cân bằng và chênh lệch lãi suất dự kiến đã ở mức đáy. Tỷ giá USD-VND dự báo dao động trong khoảng 22.770-22.800 VND/USD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay, luồng vốn vào Việt Nam rất lớn, chủ yếu từ vốn FDI và hoạt động thoái vốn của Nhà nước. Theo đó, năm 2017, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên 57 tỷ USD và 3 tháng đầu năm 2018 tăng lên 60 tỷ USD cho thấy, đồng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Kế hoạch của Chính phủ là tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018, nên dự báo dòng vốn sẽ còn dồi dào. Khi nguồn cung tăng, về lý thuyết, đồng nội tệ sẽ phải tăng giá tương đối so với đồng USD. Cơ bản, HSBC dự đoán, tỷ giá sẽ ổn định ở mức 22.900 VND/USD vào cuối năm 2018, so với hiện giờ là 22.750 VND/USD, tương đương biến động 0,1%.
“Các ngân hàng tại nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không quá lo lắng khi Fed tăng lãi suất 3 hay 4 lần trong năm 2018, bởi cán cân tài khoản vãng lai hầu hết thặng dư, lạm phát cơ bản thấp. Vấn đề là chúng ta sẽ phải nhìn xem dự đoán của Fed về kinh tế Mỹ thế nào? Khả năng Fed có tăng nhiều hơn dự báo trong năm nay hay không? Nếu có thì có thể gây tác động nhất định đến thị trường trong tương lai”, ông Khoa nhìn nhận.
Ủy ban Thị trường mở của Fed đã kết thúc cuộc họp định kỳ tháng 3 kéo dài trong 2 ngày. Trong phiên họp này, các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thảo luận về các dự báo kinh tế Mỹ trong trung và dài hạn, đồng thời biểu quyết về chính sách tiền tệ của nước này.
Kết quả của việc biểu quyết đúng như BPNC và các chuyên gia đã dự báo trước cuộc họp, khi Fed quyết định nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,5-1,75%/năm. Đây là lần nâng lãi suất thứ 6 kể từ khi Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ từ tháng 12/2015 sau gần 1 thập kỷ nới lỏng và là lần nâng lãi suất đầu tiên trong năm 2018.
Cũng trong phiên họp, Fed đã phát tín hiệu sẽ chỉ nâng lãi suất 3 lần trong năm nay, thay vì con số đồn đoán của thị trường là 4 lần. Bên cạnh đó, Fed cũng đưa ra một số thay đổi dự báo về các chỉ số kinh tế vĩ mô trong những năm tới theo chiều hướng tích cực hơn.
Cụ thể, trong năm 2018, chỉ số GDP được dự báo ở mức là 2,7% so với mức 2,5% đưa ra hồi tháng 12. Ngoài ra, GDP của Mỹ được dự báo ở mức 2,4%, tăng 0,3% so với lần dự báo trước trong năm 2019 và đạt 2% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ đạt mức mục tiêu 2% vào năm 2019 và 2,1% vào năm 2020.
Quyết định của Fed được cho là phù hợp với những nhận định của thị trường từ trước, nên tác động của quyết định này đến thị trường ngoại hối quốc tế là không đáng kể. Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY ngày 22/3 đóng cửa giảm nhẹ 0,65%, ở mức 89,78 điểm, trong khi các đồng ngoại tệ khác như EUR, JPY hay CNY đều tăng nhẹ so với đồng USD. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm phần trăm lên 2,901%/năm, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây, trong khi kỳ hạn 30 năm cũng tăng 1,3 điểm phần trăm lên 3,126%/năm, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong dài hạn.