Việc tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sụt giảm nhanh

Việc tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sụt giảm nhanh

Ngân hàng và nỗi lo vốn chủ mỏng

(ĐTCK) Tín dụng tăng nhanh, trong khi vốn chủ sở hữu không tăng nhiều có thể khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay.

Tỷ lệ an toàn vốn giảm nhanh

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm liên tục. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống là 12,84%, thì đến cuối tháng 5 đã giảm về còn 12,66%, đó là đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm.

Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy bức tranh kém hơn, khi CAR của toàn hệ thống năm 2016 ước tính là 11,3% (năm 2015 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản “có” rủi ro điều chỉnh là 8,6%. Toàn hệ thống có 4/92 ngân hàng thương mại có tỷ lệ CAR dưới 9%; 10/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng thông tin, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 TCTD thí điểm (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank) cho thấy, hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.

Đơn cử, đối với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel 2 thì CAR giảm xuống dưới 8%. Đó chính là lý do mà Ủy ban khuyến cáo, nếu nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước không tăng được vốn, trong khi phải đảm bảo CAR tối thiểu, thì sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm, cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành.

Tăng vốn điều lệ luôn là một nhiệm vụ hàng đầu mà các ngân hàng đặt ra trong các kỳ đại hội đồng cổ đông để đáp ứng các quy định về an toàn vốn của NHNN   

Nguyên nhân khiến CAR của các TCTD giảm nhanh là do tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, vốn tự có. Đơn cử, năm 2016, trong khi tổng tài sản của toàn hệ thống các TCTD tăng tới 16%, thì vốn tự có chỉ tăng 10,66%, vốn điều lệ tăng 6,11%.

Việc tín dụng những tháng đầu năm tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây càng khiến CAR của các ngân hàng sụt giảm nhanh hơn. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của BIDV cho biết, tính đến 30/6/2017, vốn điều lệ của Ngân hàng là 34.187 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt 44.301 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với mức 41.862 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,024 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với đầu năm.

Báo cáo của Vietcombank cũng cho biết, vốn điều lệ của Ngân hàng vẫn giữ con số 35.977 tỷ đồng từ 31/12/2016 đến 30/6/2017; tổng vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2017 là 52.109 tỷ đồng, cũng chỉ tăng nhẹ so với mức 48.101 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong cùng thời gian đã tăng tới 13,1%, đạt 534.108 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng mạnh khiến CAR giảm xuống mức 9,81% từ mức 11,13% vào thời điểm 31/12/2016.

Trong khi đó, Vietcombank chưa có tiến triển mới nào trong thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, cũng như việc phát hành trái phiếu thứ cấp trong quý II/2017, nên nguồn vốn cấp 1 và cấp 2 của Ngân hàng đều chưa được bổ sung thêm. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới của Vietcombank sẽ ở mức cầm chừng để cân đối với nguồn vốn, đảm bảo tỷ lệ CAR trên 9% theo quy định của NHNN.

Tương tự, tới thời điểm hiện tại, BIDV vẫn chưa có động thái nào liên quan đến vấn đề tăng vốn, cho dù hiện lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng đạt 7.351 tỷ đồng, tương đương 21,4% vốn điều lệ của ngân hàng.

E ngại tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán

Không chỉ là vấn đề tăng vốn, điều khiến các chuyên gia e ngại là tín dụng có xu hướng chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Gánh nặng nợ xấu mà các ngân hàng đang phải oằn lưng xử lý cho đến nay có phần không nhỏ bắt nguồn từ 2 mảng cho vày này.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn chia sẻ, nếu như nói tín dụng vào bất động sản thì chúng ta cần có con số cụ thể.

Con số này rất khó tìm, nhưng qua nghiên cứu các số liệu thô, có thể kết luận là tiền vào xây dựng và bất động sản rất nhiều. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cho xây dựng là 17,15%. Cho vay ngành xây dựng tăng trưởng cao có nghĩa là mức độ xây dựng cao.

Việc NHNN nâng trọng số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản lên 200% kể từ ngày 1/1/2017 cùng khiến CAR của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cao đối với lĩnh vực này giảm nhanh.

Bởi vậy, tăng vốn điều lệ luôn là một nhiệm vụ hàng đầu mà các ngân hàng đặt ra trong các kỳ đại hội đồng cổ đông để đáp ứng các quy định về an toàn vốn của NHNN và mở rộng quy mô tín dụng, lĩnh vực mang lại nguồn thu chính cho các ngân hàng hiện nay. Thế nhưng, việc tăng vốn trong bối cảnh hiện nay cũng không hề dễ dàng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong năm của BIDV là việc tăng vốn điều lệ thêm 13%, từ mức 34.187 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Basel 2 dự kiến sẽ bắt đầu được thí điểm trong tháng 9 tới.

Theo đó, phương án tăng vốn của BIDV dự kiến sẽ gồm 3 đợt, trong đó, BIDV sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%.

Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng, với thời gian hạn chế chuyển nhượng cùng là 1 năm.

Tính chung cả hệ thống, 5 tháng đầu năm nay, vốn điều lệ của các ngân hàng chỉ tăng trưởng 2,28%. Nếu các ngân hàng không nhanh chóng nâng vốn thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay mà Chính phủ đặt ra e rằng sẽ khó hoàn thành.

Tin bài liên quan