Sau thời gian ưu đãi, hầu hết ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi cho các khoản vay

Sau thời gian ưu đãi, hầu hết ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi cho các khoản vay

Ngân hàng tung “chiêu” hút khách vay vốn đầu năm

(ĐTCK) Nhu cầu tín dụng ra Tết thường tăng chậm hơn so với các tháng trong năm, nhất là khi tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn trì trệ. Vì thế, các ngân hàng tiếp tục cạnh tranh bằng việc hạ lãi suất và đưa thêm nhiều ưu đãi, với kỳ vọng tăng dư nợ.

Nam A Bank vừa đưa ra gói tín dụng ngắn hạn 2.000 tỷ đồng với lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp từ 6%/năm và cá nhân 6,4%/năm trong 3 tháng đầu tiên, sau đó theo quy định của Ngân hàng. HDBank triển khai chương trình ưu đãi tín dụng “Vay tiền phát lộc” với lãi suất cho vay tối thiểu chỉ 3,8%/năm cho cá nhân trong 6 tháng đầu với số tiền vay/khách hàng tối thiểu 500 triệu đồng, tối đa 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu vay vốn mua bất động sản, sản xuất - kinh doanh, vay mua ô tô, tiêu dùng còn có 3 lựa chọn vay hấp dẫn khác. Cụ thể, vay vốn lãi suất 6,8%/năm trong 6 tháng đầu; vay vốn lãi suất tối thiểu 8,6%/năm trong 12 tháng và vay vốn lãi suất 9,9%/năm trong 25 tháng.

Lãnh đạo HDBank cho biết, tiến độ giải ngân của các gói tín dụng ưu đãi trong thời gian qua khá tốt, đặc biệt là nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân mua nhà tăng dần khi mặt bằng lãi suất cũng như giá bất động sản đã về mức hợp lý hơn so với thời gian trước.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, mục tiêu của OCB là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là cho vay cá nhân, kèm kiểm soát chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, theo ông Long, để có được khách hàng tốt, các ngân hàng đang phải cạnh tranh bằng ưu đãi lãi suất.

“Trong một cuộc chơi có sự cạnh tranh của nhiều ngân hàng thương mại, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn khi có nhiều ngân hàng tham gia tài trợ vốn với chính sách lãi suất ưu đãi. Vì thế, về lãi suất, hiện không chỉ với ngân hàng lớn mà ngay bản thân OCB cũng phải cạnh tranh để có thể thu hút được khách hàng vay”, ông Long nói.

Lãi suất cho vay tại OCB hiện nay chỉ từ 9%/năm, cố định trong 12 tháng đầu, nhưng với khoản vay trung, dài hạn (mua xe, mua nhà) thì việc áp dụng mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu chưa hẳn là điều kiện hấp dẫn, bởi sau thời gian ưu đãi hoặc sau 1 năm, các ngân hàng thường áp dụng lãi suất thả nổi. Đây chính là mối lo ngại của khách hàng khi tiếp cận các khoản vay trung và dài hạn.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành khách hàng tốt vay vốn đang diễn ra khá khốc liệt giữa các nhà băng và giải pháp được nhiều nhà băng lựa chọn là hạ lãi suất xuống mức thấp. Thậm chí, một số ngân hàng chấp nhận giảm lãi suất cho vay thấp hơn trần huy động 5,5%/năm để có thể thu hút được khách hàng vay tốt. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp tốt vẫn chưa có nhu cầu vốn vay khi sức cầu thị trường yếu.

Trường hợp của Vissan là một ví dụ điển hình khi được không ít ngân hàng săn đón, chào mời vay vốn với lãi suất chỉ 5 - 6%/năm, song vẫn chưa có nhu cầu. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, thời điểm này vay vốn doanh nghiệp chưa biết để làm gì vì tình hình tiêu thụ của thị trường chưa được cải thiện, nên chưa dám đẩy mạnh sản xuất.

Chính sách lãi suất luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Vì thế, việc các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi được xem là cần thiết, nhưng theo lãnh đạo các doanh nghiệp, cần hơn vẫn là một chính sách lãi suất ổn định và sức cầu cải thiện.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ không an tâm để đầu tư, phát triển. Vì thế, lãi suất cũng được xem là một trong những yếu tố để doanh nghiệp cân nhắc, xem xét trong việc hoạch định mở rộng đầu tư, nhưng quan trọng hơn, vẫn là kích thích sức mua của thị trường.

Khác với doanh nghiệp, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân đang có phần cải thiện tốt hơn, nhất là vay vốn mua nhà. Đó cũng là lý do các ngân hàng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh vào phân khúc tín dụng này trong năm 2015 với lãi suất rẻ.

Sau một thời gian ngắn triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0,68%/tháng trong 30 tháng đầu, đến nay, VIB đã giải ngân được 2.000 tỷ đồng nên nhà băng này đang có kế hoạch nâng tổng hạn mức vốn thêm 1.000 tỷ đồng cho dù tổng hạn mức của gói vốn chưa giải ngân hết. Theo lý giải của lãnh đạo VIB, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhất là với khách hàng cá nhân khi có nhu cầu tín dụng đầu năm như vay mua nhà, thì việc ngân hàng đưa ra các gói vốn ưu đãi lãi suất là cần thiết. Mục tiêu của VIB trong năm 2015 là tập trung đẩy mạnh mảng tín dụng nhỏ, lẻ và gia tăng số lượng thẻ tín dụng.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 13 - 15%. Các ngân hàng thương mại đang rốt ráo lên kế hoạch kinh doanh 2015 để trình ĐHCĐ trong kỳ họp sắp tới. Tăng trưởng tín dụng được một số ngân hàng như BIDV, Sacombank, ACB, Eximbank, VIB… dự kiến ở mức 13 - 17%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều nhà băng, yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng tín dụng hiện nay là kiểm soát được nợ xấu, có như vậy mới kỳ vọng thu lợi nhuận.

Tin bài liên quan