Ngân hàng trước CMCN 4.0: Thách thức là thay đổi mô hình

Ngân hàng trước CMCN 4.0: Thách thức là thay đổi mô hình

(ĐTCK) Mặc dù không nằm trong 9 khu vực/lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhưng ngành ngân hàng với đặc điểm là một trong những bộ phận đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, chắc chắn không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc cách mạng này.

Mở rộng các cơ hội

Theo “Báo cáo về dịch vụ ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và Xu hướng tại Việt Nam” năm 2017 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) thực hiện, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo Khảo sát năm 2015.

Do đó, để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, các ngân hàng Việt Nam đã đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong hoạt động kinh doanh.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, có những ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư 8 - 10% tổng chi phí hoạt động hàng năm cho công nghệ thông tin. Thực tế, những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số và tiếp theo là cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam.

Cùng chung quan điểm này, Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ CMCN 4.0” vừa diễn ra nhận định, CMCN 4.0 sẽ giúp các ngân hàng có cơ hội thu hút vốn đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế, học hỏi trình độ quản trị điều hành và kinh doanh tiên tiến.

Đồng thời, các nhà băng sẽ có điều kiện nâng cao lợi nhuận thông qua cắt giảm chi phí quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống, triển khai nhanh chóng và linh hoạt hơn các sản phẩm và dịch vụ mới, đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng…

Không riêng ngân hàng truyền thống, lĩnh vực Fintech với thế mạnh về công nghệ đang gia tăng tốc độ phát triển, thu hút được một lượng lớn khách hàng là những đối tượng mà các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống chưa hướng tới.

“Cơ hội lớn nhất đối với lĩnh vực ngân hàng trong cuộc CMCN 4.0 là làm tăng trải nghiệm của khách hàng, trong bối cảnh việc tiếp cận giữa khách hàng và sản phẩm tài chính hiện nay còn hạn chế. Bên cạnh đó, tăng khả năng kết nối và chia sẻ giữa ngân hàng với các định chế tài chính khác như Fintech”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết.

Thách thức và giải pháp

Đi kèm với cơ hội là những thách thức không dễ hóa giải. Trong đó, trở ngại đầu tiên được đề cập là việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, với trọng tâm là phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mang tính tích hợp cao. Bên cạnh đó là những hạn chế về nguồn lực tài chính trong đầu tư công nghệ, thiếu trung tâm dữ liệu dự phòng, cũng như rủi ro công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.

Chưa kể, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Ngân hàng phải sớm nhận ra và chuẩn bị cho việc các công ty Fintech trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong việc giành thị phần khách hàng và mở rộng mạng lưới khách hàng”.

ảnh 2

Trả lời thắc mắc về những khó khăn này, các diễn giả tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 thống nhất, hệ thống ngân hàng cần xây dựng định hướng cụ thể trong cuộc CMCN 4.0. Theo đó, thứ nhất, cần tiếp tục tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng theo các nguyên tắc: đơn giản hóa, tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo, đảm bảo an ninh bảo mật làm nền tảng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của mỗi ngân hàng, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, bắt kịp với những thay đổi của CMCN 4.0

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xác định những chuẩn mực chung đối với việc ứng dụng công nghệ số, ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng dựa trên công nghệ mới.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chuyên môn và ngân hàng trong việc giám sát các hoạt động, bảo đảm an toàn giao dịch, phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng như các hoạt động rửa tiền…

“Con tàu CMCN 4.0 đang đi, không chờ ai. Do đó, việc lên tàu sớm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và vị thế mới. Đối với Việt Nam, việc bắt nhịp làn sóng công nghệ có thể tạo ưu thế đi tắt, đón đầu, nhưng với điều kiện phải chấp nhận rủi ro (trong tầm kiểm soát), chuẩn bị công nghệ và nguồn nhân lực 4.0”, TS. Lực cho biết.   

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016, 9 lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0  bao gồm: Bán lẻ; Các nhà máy sản xuất; Ngành công nghiệp sản suất phương tiện vận chuyển; Nhà ở; Văn phòng; Nơi làm việc; Các thành phố; Môi trường sống; Yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực - một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.

Tin bài liên quan