Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp "đói meo"

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp "đói meo"

Ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay xuống 7-9% để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho biết khả năng tiếp cận vốn vẫn hạn chế.

Chia sẻ với chúng tôi, giám đốc một doanh nghiệp may mặc tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cho biết đã đôn đáo gõ cửa nhiều nhà băng khi nghe tin lãi suất cho vay sản xuất được đưa về quanh 7-8% một năm. Sau vài khâu thẩm tra, xét duyệt, đơn vị này được ngân hàng ấn định mức 11%, không thể thấp hơn.

“Nhu cầu hàng hóa chưa cao nhưng tình hình chung bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Hơn nữa, đây là thời điểm doanh nghiệp phải lên kế hoạch sản xuất cuối năm nên chúng tôi rất muốn vay vốn", ông nói.

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp "đói meo" ảnh 1 Doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận lãi suất thấp

 

Ngay cả với công ty sản xuất lớn như Giấy Sài Gòn, Chủ tịch hội đồng quản trị Cao Tiến Vị cũng cho biết lãi suất ngắn hạn mà doanh nghiệp đang vay dao động 11% chứ không thấp hơn.

Ông Vị cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể so với cao điểm 20-25% trước đây, nhưng vẫn còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng như mặt bằng chung trong khu vực, thậm chí bất hợp lý nếu so sánh với lãi suất huy động.

“Các nhà băng luôn nói dành những khoảng vay lãi suất ưu đãi 7-8%, nhưng để tiếp cận được mức này thì không phải dễ bởi điều kiện  đưa ra rất khó đáp ứng”, ông nói.

Chủ tịch Giấy Sài Gòn phỏng đoán do nợ xấu trước đây, nhà băng đâm ra thận trọng hơn đối với kết quả kinh doanh của người đi vay. Bản thân doanh nghiệp cũng có cái khó, một doanh nghiệp như công ty ông, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất thì khó có thể mang lại lợi nhuận tức thì. Hàng năm, công ty lại phải trả mấy chục tỷ tiền lãi vay nên khó có thể đáp ứng được tiêu chí về mặt sinh lời để được hưởng lãi suất thấp.

“Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong việc hỗ trợ vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dài hạn thì mới mong vực dậy nền kinh tế”, ông vị nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cũng cho hay, để vay được mức lãi suất thấp như ngân hàng công bố, doanh nghiệp phải là những đối tượng nằm trong diện ưu tiên đặc biệt, phải đáp ứng các thủ tục chặt chẽ của một hợp đồng tín dụng. “Do vậy, không ít doanh nghiệp xứng đáng được vay lãi suất thấp nhưng vẫn phải vay lãi suất cao”, ông nói.

Về phía nhà băng, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng cho biết, với các đơn vị ưu tiên có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, Eximbank sẵn sàng cho vay mức lãi suất ưu đãi, thậm chí 7-8% một năm. “Đơn vị nào tốt mà không được tiếp cận mức này thì hãy đến gặp tôi”, ông Dũng thẳng thắn.

Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, nợ xấu hiện nay vẫn là vấn đề đáng lo ngại của các nhà băng, nhất là trước diễn biến tình hình kinh tế còn khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Do đó, dù rất muốn tăng trưởng tín dụng, Eximbank vẫn không thể buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước đạt 5,2%, song dư nợ của một số ngân hàng lớn vẫn khá thấp, thậm chí âm trong khi huy động vẫn tăng tốt. Dư nợ tại Vietinbank 6 tháng đầu năm giảm 0,13% trong khi huy động vốn tăng 6,4%.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank âm 1,4% trong khi dư nợ huy động tăng trên 7%.

“Không phải các ngân hàng không muốn đẩy mạnh cho vay ra. Lượng vốn dư thừa là áp lực phải trả chi phí huy động. Nhưng trong bối cảnh chung khó khăn thì cần phải đảm bảo an toàn hơn trong hoạt động”, một lãnh đạo của Vietcombank bộc bạch.

Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng nhỏ có vẻ khả quan hơn. Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm, Ngân hàng Nam Á có tốc độ tăng dự nợ đạt 12%. OCB cũng tương đối thuận lợi trong mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, hiện nay mức cho vay bình quân tại nhà băng dao động quanh 10,5% một năm. Mảng tín dụng doanh nghiệp những tháng gần đây luôn tăng đều. Số lượng khách hàng đến vay vốn mỗi tháng tăng khoảng 5%. Tính từ đầu năm đến nay, riêng lĩnh vực này, tốc độ tăng dư nợ đạt 14%.

Trong đó, ông Linh cho biết, số dư nợ phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm bằng cả năm ngoái. “4 tháng cuối năm tình hình cho vay sẽ khả quan hơn vì tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần hồi phục”, ông nhận xét.

Nắm bắt nhu cầu cần vốn để chuẩn bị xảu suất hàng hóa những tháng cuối năm, HDBank cũng cho biết, từ nay đến 31/12, nhà băng sẽ tài trợ nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 8-8,5% một năm với kỳ hạn vay tối đa 6 tháng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank chia sẻ, trong tình hình hiện tại, nhà băng nào cũng muốn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn.