Ngân hàng tận thu phí dịch vụ thẻ

Ngân hàng tận thu phí dịch vụ thẻ

(ĐTCK) Mảng dịch vụ thẻ vẫn được xem là khá màu mỡ để ngân hàng gia tăng nguồn thu. Vì thẻ là công cụ hữu hiệu nhất để tiếp cận gần hơn với khách hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Đó cũng là mục đích mà các ngân hàng nội và ngoại nhắm đến. Vì thế, cuộc so găng về thị phần giữa ngân hàng nội - ngoại được dự báo càng gay gắt, nhưng đi kèm là chính sách tận thu của ngân hàng.

Gắn thẻ với lợi ích…

Sau nhiều năm khai thác thị trường và đưa ra nhiều sản phẩm thẻ khác nhau, đến nay, cả thị trường có gần 70 triệu thẻ các loại. Thế nhưng, tiềm năng của mảng dịch vụ này vẫn được đánh giá còn màu mỡ. Vì thế, chiến lược của mỗi ngân hàng là “đánh” mạnh vào từng phân khúc khách hàng khác nhau để gia tăng tiện ích, đi kèm với chính sách tận thu phí.

Chẳng hạn, Sacombank mới đây đã cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM và CTCP Văn hóa Ngôi Nhà Xanh ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai Dự án Thẻ thanh toán học phí School Cash Card (SSC) cho học sinh phổ thông. Theo đó, phụ huynh đứng tên chủ tài khoản, mở thẻ SSC cho con theo biểu mẫu nhà trường quy định. Vào các kỳ đóng phí, học phí, Trung tâm thông tin SSC thông báo đến phụ huynh số tiền cần đóng, phụ huynh, học sinh thanh toán số tiền này bằng cách quẹt thẻ SSC qua máy mPOS.

Sacombank hiện là một trong những ngân hàng đã đưa ra thị trường nhiều loại thẻ khác nhau kèm ưu đãi để thu hút khách hàng sử dụng thẻ. Lãnh đạo Sacombank cho biết, số lượng thẻ Sacombank  đến nay đạt khoảng 2,6 triệu thẻ gồm các loại: thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, thẻ trả trước.

Với số lượng thẻ phát hành ngày càng tăng, Sacombank cũng gia tăng tiện ích cho chủ thẻ để từ đó tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ. Trong đó, với mảng thẻ, tỷ lệ đóng góp khoảng 20 - 25% vào tổng thu nhập, lợi nhuận của Ngân hàng. Sacombank hiện cũng đã thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản thanh toán trong cùng hệ thống, nhưng khác tỉnh, thành, với 0,02 - 0,03% và thu phí rút tiền mặt từ thẻ ATM…

Doanh số sử dụng thẻ (thanh toán hàng hóa, dịch vụ) của Eximbank đạt 2.025 tỷ đồng năm qua, tăng đến 41% so với năm 2012, hoàn thành 119% kế hoạch. Năm nay, Eximbank đưa ra kế hoạch với hoạt động thẻ (số lượng thẻ, doanh số thanh toán thẻ, doanh số sử dụng thẻ) tăng từ 15 - 23% so với năm rồi để gia tăng nguồn thu dịch vụ.

Không ít ý kiến cho rằng, sở dĩ DongA Bank tăng trưởng chậm là do Ngân hàng đã quá chú trọng vào đầu tư hệ thống ATM mà quên đi việc đẩy mạnh các mảng kinh doanh khác. Nhưng lãnh đạo DongA Bank cho rằng, nếu không có sự đầu tư vào ATM trong thời gian qua thì làm sao DongA Bank có được số lượng trên 6 triệu khách hàng như hiện nay. Đối với DongA Bank, đó là sự phát triển đúng hướng, vì khi có số lượng khách hàng ổn định, Ngân hàng sẽ cung cấp được dịch vụ cho người dùng, không phải tìm kiếm khách hàng.

… và tận thu phí dịch vụ

Cùng với chủ trương khuyến khích người tiêu dùng giảm chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt và tăng phát hành thẻ, ngân hàng cũng tận thu phí tiền mặt, nhất là với dịch vụ thẻ, khiến nhiều khách hàng tính đến chuyện giảm sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân.

Trong khi đó, dự thảo NHNN đang lấy ý kiến cho phép ngân hàng thu phí nộp tiền mặt với mức không quá 0,05% số tiền nộp, nhưng thực tế nhiều ngân hàng đã thu nhiều loại phí từ dịch vụ thẻ. Cụ thể, nếu khách hàng nộp tiền vào tài khoản thanh toán khác tỉnh, thành, mức phí khoảng 0,02 - 0,03%. Với cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, khách hàng sẽ phải trả từ 10.000 đồng đến một triệu đồng tùy giá trị giao dịch nộp tiền, chuyển khoản khác ngân hàng, khác tỉnh.

DongA Bank được xem là một trong những ngân hàng có lợi thế về dịch vụ thẻ không ngừng tăng tiện ích và không tận thu phí lâu nay. Thế nhưng, nhà băng này đã ra quyết định thu phí nộp tiền mặt kể từ tháng 5/2014 vừa rồi, với mức 5.000 đồng/lần nộp tiền vào tài khoản thẻ ATM DongA Bank, thay vì miễn phí hoàn toàn như trước.

Rõ ràng, điều này rất mâu thuẫn với mục đích hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Tiềm năng của mảng thẻ là vậy, nhưng với việc tận thu phí qua thẻ hiện nay đang khiến người tiêu dùng tỏ ra thất vọng và khả năng quay lưng với dịch vụ tài chính này là có. Bởi để giao dịch, thanh toán qua ATM, chủ thẻ đang phải chịu cả chục loại phí.

Chẳng hạn, với thẻ ghi nợ nội địa, chủ thẻ sẽ phải trả phí quản lý, duy trì tài khoản, phí nộp - rút tiền mặt, in sao kê, phí thường niên, phí cấp lại pin, phí rút tiền tại ATM, chuyển khoản… Hiện hầu hết ngân hàng đã thu phí giao dịch qua thẻ (kể cả nội mạng và ngoại mạng). Đơn cử tại Vietcombank, phí mỗi lần rút tiền mặt là 1.100 đồng/lần.

Đến nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt có phần khởi sắc, nhưng chỉ mới phát triển ở mảng thẻ quốc tế. Thống kê của Vụ Thanh toán NHNN cho thấy, tính đến cuối quý I/2014, cả nước có 68,55 triệu thẻ ngân hàng, tăng 2,34 triệu thẻ (3,5%) so với cuối 2013. Còn báo cáo của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại Hội nghị thường niên năm 2014 mới đây, doanh số thanh toán qua thẻ năm 2013 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 23,37% so với 2012.

Tin bài liên quan