Ngân hàng tận dụng Fintech để xây dựng cơ sở khách hàng

Ngân hàng tận dụng Fintech để xây dựng cơ sở khách hàng

(ĐTCK) Năm 2007, khi những chiếc smartphone còn chưa phổ cập, tại Kenya, công ty M-Pesa đã cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động. Tại thời điểm đó, chỉ 19% dân số Kenya có tài khoản ngân hàng, trong khi 54% dân số sở hữu điện thoại di động. Sự ra đời của M-Pesa đã phục vụ nhóm khách hàng đông đảo chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. 

Sau 10 năm, hơn 19,4 triệu dân Kenya sử dụng điện thoại di động để trả các loại hóa đơn, mua hàng và thanh toán cho cá nhân, tiền gửi về từ người thân ở nước ngoài cũng được thực hiện thông qua di động.

Câu chuyện trên cho thấy sức mạnh của việc tiếp cận người dùng có nhu cầu nhưng chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Hiện nay, khi các Fintech không chỉ hướng tới nhóm khách hàng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, mà còn tham gia phục vụ những khách hàng đã sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống, họ trở thành mối đe dọa to lớn đối với các ngân hàng này.

Khả năng tiếp cận mạnh mẽ

Trong cuộc chạy đua với ngân hàng, Fintech có hai lợi thế chính: thứ nhất, khả năng tiếp cận nhiều triệu khách hàng 24/7 với chi phí thấp; thứ hai, xử lý lượng thông tin rất lớn về khách hàng. Thay vì phải đến các chi nhánh ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ tài chính tại bất kì thời gian và địa điểm nào chỉ thông qua chiếc điện thoại thông minh.

Ngân hàng tận dụng Fintech để xây dựng cơ sở khách hàng ảnh 1

 Ông Trần Hải Quang, Chủ tịch HĐQT Gigatum.

Thậm chí, những dịch vụ trước đây cần sự chăm sóc cá nhân kỹ lưỡng như quản lý tài sản cá nhân (asset management) cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các công ty Fintech, trường hợp công ty Ant Financial (Trung Quốc) đang quản lý trên 116 tỷ USD với trên 150 triệu khách hàng là một ví dụ. 

Thế mạnh khai thác Big Data

Đa phần các ngân hàng truyền thống vẫn lưu trữ thông tin khách hàng là các tập tài liệu “chết” và sử dụng các mô hình tính toán rủi ro cho số đông.

Trong khi đó, các công ty Fintech có khả năng thu thập thông tin liên tục và rộng khắp về khách hàng, như thói quen mua sắm, lịch sử thanh toán hoá đơn, du lịch, đi lại… từ đó các mô hình dữ liệu lớn (Big Data) giúp xây dựng chỉ số tín nhiệm (credit score) cho từng khách hàng và đưa ra các gợi ý mua sắm, tiêu dùng, vay nợ, đầu tư sát với nhu cầu của mỗi người. Dịch vụ bán hàng của Fintech có khả năng cá nhân hoá tuyệt đối, tạo khả năng cạnh tranh lớn.

Ngân hàng nên tận dụng Fintech như thế nào?

Trong cuộc đua này, Fintech không phải có ưu thế tuyệt đối, khi ngân hàng vẫn có vũ khí lợi hại là số lượng khách hàng lớn, uy tín, thương hiệu của ngân hàng cao hơn nhiều so với Fintech. Xu hướng tất yếu là sự bắt tay giữa các Fintech với các ngân hàng cấp tiến. Tại Việt Nam, xu hướng này đã có dấu hiệu tốt, với sự bắt tay giữa một loạt Fintech và ngân hàng, như MoMo với Vietcombank, Timo với VPBank, 123Pay với BIDV, VNpay với Shinhan Bank, Vimo với SCB …

Các công ty Fintech cũng liên tục nhận các khoản đầu tư lớn. Theo số liệu của Pitch Book, trong năm 2016, tổng vốn đầu tư vào các công ty Fintech đã tăng 11%, lên tới 17,4 tỷ USD. Ant Financial được định giá lên tới 50 tỷ USD sau khi kêu gọi thành công 4,5 tỷ USD. Cũng tại thị trường Trung Quốc, công ty cho vay cá nhân (peer2peer) Lufax đã được định giá 18,5 tỷ USD sau khi hoàn tất một đợt huy động vốn tới 1,2 tỷ USD.

Tại Mỹ, Stripe - công ty Fintech cung cấp các giải pháp thanh toán online đã kết thúc vòng huy động vốn trị giá 150 triệu USD và đã nâng mức định giá công ty lên 9,2 tỷ USD.

Tại Việt Nam, thương vụ Ngân hàng Standard Chartered và Goldman Sachs rót 28 triệu USD đầu tư vào Momo, với định giá 125 triệu USD đã chứng minh sự quan tâm lớn của thị trường nói chung và các ngân hàng nói riêng với Fintech. 

Một trường hợp khác tại Việt Nam cũng được các ngân hàng quan tâm hợp tác là ứng dụng Clingme thuộc Công ty cổ phần Gigatum. Đơn vị này đã ký kết hợp tác với ba ngân hàng: Maritime Bank, Viet A Bank và MB.

Clingme đã phát triển một mạng lưới O2O (online to offline) khá hoàn chỉnh tại Việt Nam, qua đó kết nối hàng triệu người dùng smartphone với các cửa hàng bán lẻ xung quanh. Với hơn 3 triệu cửa hàng bán lẻ trên cả nước, Clingme gần như là lựa chọn duy nhất giúp các cửa hàng tăng khả năng tiếp cận khách hàng, hiểu khách hàng và chăm sóc khách hàng hậu mãi.

Với người dùng, Clingme giúp trải nghiệm mua sắm trực tiếp thêm thú vị, thông qua việc cung cấp thông tin về địa điểm mua sắm phù hợp và hoàn tiền (cash back) từ 5% tới 50% trên hoá đơn. Việc hợp tác với ngân hàng giúp Clingme nâng cao hơn uy tín và tăng tiện ích thanh toán cho người dùng khi không cần chụp hoá đơn để nhận hoàn tiền.

Khi hợp tác với Clingme, các ngân hàng mong muốn tiếp cận được mạng lưới người bán lẻ rộng khắp, tăng tiện ích cho các khách hàng cá nhân của ngân hàng, và quan trọng nhất là tăng số lượng giao dịch qua tài khoản của ngân hàng khi khách hàng kết nối tài khoản thanh toán với ứng dụng Clingme.

Sự kết hợp giữa Clingme hay các công ty Fintech khác với ngân hàng thực chất là việc xây dựng hạ tầng, để từ đó giao dịch bán lẻ và giao dịch tài chính phát triển. Nếu sự kết hợp này thành công, thị trường Việt Nam sẽ trở lên hấp dẫn hơn nhiều với các nhà đầu tư quốc tế, và một điều chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi cao giống như người tiêu dùng tại Trung Quốc đã quá quen với sự tiện lợi từ dịch vụ của Alipay hay WechatPay.

Tin bài liên quan