BWG cho biết có một số khó khăn phát sinh trên thực tế trong Thông tư 31

BWG cho biết có một số khó khăn phát sinh trên thực tế trong Thông tư 31

Ngân hàng tại VBF: Kiến nghị tiếp tục chồng chất

(ĐTCK) Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tiếp tục kiến nghị những vấn đề mới trong khi các câu chuyện cũ vẫn đang chờ để được giải quyết.

Vấn đề cũ giải quyết chưa dứt điểm

Mặc dù BWG đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét và đưa những đề xuất của BWG vào Thông tư 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên, BWG cho biết có một số khó khăn phát sinh trên thực tế trong Thông tư 31 mới sửa đổi, bổ sung Thông tư 35.

Cụ thể, điều 29.2 Luật Phòng chống rửa tiền quy định: “Đối tượng báo cáo không được tiết lộ thông tin về việc đã báo cáo giao dịch đáng ngờ và các thông tin có liên quan cho NHNN Việt Nam”.

Thực tế, đối với các ngân hàng 100% nước ngoài và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc chia sẻ thông tin với hội sở trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền nói chung và báo cáo giao dịch đáng ngờ nói riêng là một hoạt động tất yếu và cần thiết nhằm đảm bảo hiểu rõ rủi ro tiềm ẩn trong toàn bộ tập đoàn, cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền của cả hội sở và nước sở tại nơi mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Do vậy, BWG kính đề nghị NHNN quy định rõ việc chia sẻ với hội sở về việc đã gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ và các thông tin liên quan đến giao dịch đáng ngờ của một khách hàng cụ thể, không bao gồm việc chia sẻ bản cứng hay bản mềm báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đi cho NHNN, là không thuộc trường hợp “tiết lộ thông tin”, BWG chia sẻ.

“Nên chăng, NHNN cho phép loại trừ các khoản bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng đơn để phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp NHNN lo ngại không kiểm soát được tổ chức tài chính/chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chúng tôi đề nghị NHNN yêu cầu các tổ chức nộp báo cáo thường niên của những đơn vị tại nước ngoài trên cũng như xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế uy tín để NHNN xem xét” - Lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài kiến nghị.

Liên quan tới việc thu thập thông tin về công ty con và văn phòng đại diện của các khách hàng là tổ chức có rủi ro cao theo quy định tại Khoản 2.b, Điều 3, Thông tư 35/2013/TT-NHNN, BWG cho biết, việc thực hiện yêu cầu này đối với các khách hàng tổ chức là công ty mẹ được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Do số lượng các công ty con trên toàn cầu quá nhiều và thông tin các công ty này không có sẵn, BWG đề nghị chỉ áp dụng yêu cầu này đối với các khách hàng được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định 96/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng chỉ có cơ chế xử phạt tăng nặng, không quy định tình tiết giảm nhẹ khi ngân hàng tự phát hiện sai phạm và đã thực hiện các biện pháp khắc phục cần thiết để báo cáo lên NHNN.

Quy định thiếu cơ chế giảm nhẹ không khuyến khích nhân viên và các ngân hàng tự phát hiện và báo cáo sai phạm, vì lo ngại báo cáo lên sẽ bị xử phạt, trong khi đây là bước tự kiểm soát quan trọng trong quá trình hoạt động của các ngân hàng. Nghị định 96 cũng không phân định các vi phạm mang tính hệ thống hoặc phố biến và mức độ xử lý tương ứng.

“Đề nghị NHNN trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 96 cho phù hợp”, BWG cho biết.

Những tồn tại chưa có phương án xử lý

Về việc thu thập thông tin nhận diện đối với chi nhánh hay công ty liên kết nước ngoài trong cùng hệ thống tập đoàn sử dụng dịch vụ hoặc mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam, một lãnh đạo ngân hàng nước ngoài cho biết, các chi nhánh/công ty liên kết này đều có chung cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành và chính sách nội bộ áp dụng tương tự với chi nhánh, ngân hàng tại Việt Nam và đều được quản lý, giám sát chung bởi tập đoàn, tiếp cận theo phương pháp căn cứ trên cơ sở rủi ro…

Vị lãnh đạo này đề xuất: “Công tác thu thập thông tin nhận diện khách hàng không nhất thiết phải thực hiện như đối với khách hàng là bên thứ ba thông thường”.    

Còn đối với việc thực hiện nhận biết khách hàng theo quy trình đơn giản hóa nội bộ của tập đoàn, theo BWG, các định chế tài chính thiết lập cổng tiếp nhận điện tín hoặc các công ty thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế đơn thuần không có giao dịch tài khoản thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, theo quy định nội bộ của tập đoàn, các ngân hàng đã thực hiện những biện pháp nhận biết khách hàng tối thiểu như sau:

Thứ nhất, đối với các giao dịch thông báo, xác nhận thư tín dụng, nhờ thu hay chiết khấu bộ chứng từ thì ngân hàng phát hành bắt buộc phải là khách hàng của ngân hàng, khi ngân hàng tham gia với vai trò là Ngân hàng Xác nhận hoặc Ngân hàng Chiết khấu.

Thứ hai, tên đối tượng giao dịch, người đại diện theo pháp luật, người ký trên hợp đồng được rà soát theo danh sách cấm vận/cảnh báo trước khi thực hiện giao dịch và khi có cập nhật danh sách cấm vận hoặc danh sách cảnh báo.

Thứ ba, xác minh tên và địa chỉ của khách hàng thông qua hồ sơ hoặc đối chiếu thông tin tham khảo của các tổ chức tín dụng khác, báo cáo tài chính, thông tin trên website chính thức.

Thứ tư, kiểm tra tuân thủ theo các yêu cầu khác như quy định về chống tẩy chay, hoặc xác minh độc lập dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy khác.

Thứ năm, theo dõi tần suất giao dịch của từng khách hàng để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thứ sáu, đối với tài trợ tài chính cho nhà cung cấp (người bán) của doanh nghiệp (người mua) thì các doanh nghiệp (người mua) đều đã là khách hàng của ngân hàng và ngân hàng đã thực hiện đầy đủ quy trình nhận biết theo quy định pháp luật. Hoạt động tài trợ đối với nhà cung cấp (người bán) là chỉ để hỗ trợ tài chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (người mua).

“Do vậy, đề nghị NHNN cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thực hiện quy trình nhận biết khách hàng rút gọn nội bộ của tập đoàn”, BWG đề xuất. 

Câu chuyện mới phát sinh

Thông tư 07/2015/TT-NHNN mặc dù nhận được nhiều đánh giá tích cực, đã cởi trói cho hoạt động bảo lãnh, tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng nước ngoài trên phân tích: khi tính toán hạn mức tín dụng trong hoạt động ngân hàng, các quy định hiện hành, bao gồm cả Thông tư 07 về bảo lãnh ngân hàng chỉ cho phép loại trừ số dư bảo lãnh trong trường hợp phát hành bảo lãnh căn cứ trên bảo lãnh đối ứng của TCTD trong nước hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài, ví dụ chi nhánh nước ngoài khác trong cùng hệ thống với chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hay ngân hàng mẹ của ngân hàng phát hành bảo lãnh thì vẫn phải tính số dư bảo lãnh khi tính hạn mức tín dụng một khách hàng.

Nhưng trên thực tế, trong cả hai trường hợp, rủi ro tín dụng của ngân hàng phát hành bảo lãnh liên quan đến khoản bảo lãnh trên gần như là ngang nhau vì ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng đã liên đới chịu trách nhiệm. Quy định như trên cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không cho phép trừ số dư bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng một khách hàng sẽ làm hạn chế khả năng của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, trong việc cấp các khoản bảo lãnh giá trị lớn cho các dự án FDI tại Việt Nam.

Khi đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ chỉ có thể sử dụng ngân hàng trong nước làm bên phát hành bảo lãnh đối ứng, trong khi những đơn vị này thường có năng lực hạn chế cả về vốn lẫn mức tín nhiệm so với các ngân hàng nước ngoài.

“Nên chăng, NHNN cho phép loại trừ các khoản bảo lãnh phát hành trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài khi tính hạn mức tín dụng đơn để phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp NHNN lo ngại không kiểm soát được tổ chức tài chính/chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chúng tôi đề nghị NHNN yêu cầu các tổ chức nộp báo cáo thường niên của những đơn vị tại nước ngoài trên cũng như xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế uy tín để NHNN xem xét”, vị lãnh đạo trên khuyến nghị.

Tin bài liên quan