Công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý giữa khách hàng với ngân hàng

Công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý giữa khách hàng với ngân hàng

Ngân hàng số: Chiến lược trọng tâm của các tổ chức tín dụng

(ĐTCK) Theo nhiều chuyên gia, vai trò của số hóa với hoạt động ngân hàng là rất lớn. Nếu không đột phá hướng tới dịch vụ hiện đại, các ngân hàng có thể kéo lùi lịch sử phát triển.

Nhanh chóng nắm bắt xu hướng

VietinBank vừa công bố thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Network (công ty fintech) để cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa. Thời gian qua, VietinBank đã hợp tác toàn diện với Opportunity Network nhằm mang tới cho khách hàng cơ hội thúc đẩy phát triển kinh doanh thông qua việc tham gia nền tảng công nghệ số hóa. Nền tảng này đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mạng lưới đối tác khách hàng của phân khúc này chưa đa dạng, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí, tập trung nhân lực để tìm kiếm các đối tác uy tín.

Thông tin từ VietinBank cho biết, với việc kết nối doanh nghiệp trên nền tảng số hóa, các doanh nghiẹp có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh đa dạng như mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác chiến lược kêu gọi tham gia vốn, nhận chuyển giao công nghệ và con người, mua bán - sáp nhập (M&A), hợp tác liên doanh, đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị...

Từ đó, doanh nghiệp mở rộng hoạt động ở các thị trường mới, tăng cường hợp tác thương mại xuyên biên giới, tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, huy động vốn, phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các tổ chức tín dụng có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều khách hàng dễ dàng tiếp cận nên các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, trước xu hướng hoạt động của ngân hàng trong kỷ nguyên số và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, SCB xác định công nghệ thông tin luôn là một trong những nền tảng hoạt động quan trọng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của Ngân hàng.

“Theo đó, SCB không ngừng chú trọng đầu tư phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống core banking và ngân hàng điện tử (digital banking)”, ông Văn nói.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, năm 2017 là năm LienVietPostBank có nhiều dấu mốc quan trọng trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và đưa vào ứng dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý, nghiệp vụ…, đóng góp quan trọng vào sự phát triển an toàn, nhanh chóng, hiệu quả của Ngân hàng và hỗ trợ công tác quản trị nội bộ.

Theo đó, Ngân hàng chuyển đổi thành công hệ thống core banking iFlex 12 hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay; chuyển đổi thành công hệ thống core thẻ mới; xây dựng thành công và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ các hoạt động của Ngân hàng.

“Theo định hướng của Hội đồng quản trị, LienVietPostBank đang từng bước hiện đại hóa, tin học hóa, chuẩn hóa tất cả các hoạt động theo chuẩn mực quốc tế của một ngân hàng hiện đại, hướng tới phục vụ khách hàng với các dịch vụ ngân hàng đa dạng, chất lượng”, ông Thắng cho biết.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018, trong 8 mục tiêu kinh doanh của khối ngân hàng bán lẻ của VIB, ngân hàng số mặc dù ở mục thứ 6 nhưng trên thực tế lại là một trong những vấn đề hàng đầu, vì đây không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng giảm thiểu chi phí cho VIB.

Ông Kim Jong Woo, Trưởng Khối Công nghệ thông tin, Ngân hàng Woori Việt Nam cho hay, trong vòng một năm sau ngày thành lập, Ngân hàng đã khẩn trương nghiên cứu, hợp tác với nhiều đối tác như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, NAPAS, VNPT EPAY… và bước đầu đã đưa ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để phục vụ khách hàng.

Đặc biệt, dịch vụ Firm Banking kết nối hệ thống giữa core banking của Ngân hàng Woori Việt Nam và hệ thống quản lý của khách hàng doanh nghiệp, giúp khách hàng có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng nhằm quản lý vốn một cách hiệu quả.

Không ngừng xây dựng nền tảng

TS. Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng Bộ môn Kiểm toán, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, hiện đại hóa kỹ thuật số mang lại cho các ngân hàng truyền thống cơ hội tiếp cận thông minh, khả năng phối hợp của tổ chức để gia tăng thêm mức độ hài lòng và sự trung thành của khách hàng, thúc đẩy mối quan hệ lâu dài và tạo những cơ hội mới, lợi nhuận mới.

Theo thống kê của McKinsey, năm 2015, tác động ảnh hưởng của công nghệ số mang lại lợi nhuận ròng của ngân hàng dao động trong khoảng 43 - 48%, trong khi thách thức đối với lợi nhuận của ngân hàng dao động trong khoảng 29 - 36%.

“Điều đó cho thấy, vai trò của số hóa với hoạt động của ngân hàng là không nhỏ”, bà Hương nói.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn chia sẻ, năm 2018, SCB sẽ nâng cấp hệ thống core banking phiên bản mới nhất Flexcube 12.4 có tích hợp cả ngân hàng điện tử. SCB là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đầu tư phần mềm công nghệ mới này. Song song với đó, Ngân hàng phát triển dự án Treasury FIS hỗ trợ quản lý, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, đồng thời tích hợp hệ thống phòng chống rửa tiền theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại LienVietPostBank, ông Thắng cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng xác định rõ, nếu không đột phá hướng tới dịch vụ hiện đại thì sẽ tự mình kéo lùi lịch sử phát triển. Vì vậy, năm 2018 và những năm tới, Ngân hàng đặt nhiệm vụ hiện đại hóa lên hàng đầu, hiện đại dịch vụ lên hàng đầu, xây dựng đề án và áp dụng thí điểm mô hình ngân hàng 4.0, xây dựng ngân hàng số trên cơ sở đặt hàng, hợp tác với đối tác trong nước và nước ngoài, nâng cao các ứng dụng hiện có (ERP, PeopleSoft…), đưa vào sử dụng các ứng dụng Datawarehouse, LOS…

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ thông tin, VietinBank chia sẻ: “Hợp tác với các công ty fintech, VietinBank mong muốn tạo ra nhiều phương thức dịch vụ mới và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của khách hàng trong mọi giai đoạn, đồng thời trao cho khách hàng những giải pháp hiệu quả, từng bước hội nhập vào kỷ nguyên số hóa, giúp khách hàng đưa ra những quyết định đúng đắn trong kinh doanh và nâng giá trị cuộc sống”.

Được biết, hợp tác với Opportunity Network sẽ mang tới cho khách hàng của VietinBank cơ hội thúc đẩy phát triển kinh doanh. Cơ hội đó được thể hiện thông qua kết nối mạng lưới hơn 15.000 tổng giám đốc tại 113 quốc gia với các cơ hội kinh doanh, đầu tư tiềm năng và đa dạng ngành nghề công nghiệp, hàng tiêu dùng, xây dựng…

Ông Brian Pallas, Tổng giám đốc Opportunity Network cho hay, mục tiêu của Công ty cũng như VietinBank đó là mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn, đồng thời cung cấp giải pháp công nghệ thông minh hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của khách hàng.    

Tin bài liên quan