Những ngân hàng lớn như Vietcombank cần tiếp tục sáp nhập để đạt quy mô khu vực và quốc tế

Những ngân hàng lớn như Vietcombank cần tiếp tục sáp nhập để đạt quy mô khu vực và quốc tế

Ngân hàng quá nhỏ để có thể… thành công

(ĐTCK) Các ngân hàng Việt Nam đang buộc phải sáp nhập để lành mạnh hóa và để lớn hơn nữa, trên thực tế nhu cầu sáp nhập để to hơn không chỉ phát sinh trong khó khăn. Nhưng nếu cứ để to hơn thì đâu là lý do tồn tại cho ngân hàng nhỏ?

Sáp nhập sẽ như một vòng xoáy

Tại buổi Tọa đàm “Vận hội mới: đổi mới để thành công” do EY tổ chức hôm qua (9/4) tại Hà Nội, ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao dịch vụ tài chính ngân hàng EY khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 xuất hiện thuật ngữ “quá lớn để có thể đổ vỡ”, nhưng giờ có thêm thuật ngữ “ngân hàng quá nhỏ để có thể thành công”.

Ông Keith đặt vấn đề, tại sao cần phải có ngân hàng lớn trong hệ thống và cũng chủ động lý giải: Thứ nhất, ngân hàng lớn có phạm vi địa lý bao phủ rộng hơn, có mạng lưới thanh toán tốt sẽ phân tán được chi phí trên toàn hệ thống và đây cũng là điều cốt lõi đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh mô hình ngân hàng bán lẻ. Theo đó, nếu không có hệ thống thanh toán có quy mô đủ lớn sẽ không thể cạnh tranh được với các công ty tài chính đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường này.

Thứ hai, các quy định ngày càng chặt chẽ của các tiêu chuẩn ngân hàng mới như Basel 1&2 sẽ dành thế ưu tiên hơn những ngân hàng quy mô vốn lớn để có khối lượng cho vay lớn hơn. Đồng thời, ngân hàng có quy mô lớn có khả năng đáp ứng chi phí ngày càng cao của công nghệ, có khả năng thu hút tiền gửi trong dân cư, tích lũy vốn dành cho các dự án lớn…

Thực tế cho thấy, thị trường tài chính ổn định và thành công nhất trên thế giới thường chỉ có từ 2-5 ngân hàng lớn/quốc gia và những thị trường này cũng phải trải qua nhiều lần mua bán sáp nhập để đi đến con số này. Cũng có một số thị trường tự nhiên tốt không cần ngân hàng lớn như Hồng Kông, Singapore với lượng doanh nghiệp rất tập trung. Một số thị trường đạt đến lượng ngân hàng ổn định thông qua quá trình mua bán, sáp nhập như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ví dụ như Malaysia năm 1995 có 45 ngân hàng, nhưng đến năm 2002, chỉ còn 10 ngân hàng và hiện nay hệ thống ngân hàng Malaysia vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.

“Tôi rất thích mô hình tái cấu trúc như Malaysia. Trước đây, nước này có rất nhiều ngân hàng có vốn nhà nước và các ngân hàng cổ phần. Quá trình tái cấu trúc, ngân hàng có vốn nhà nước buộc phải sáp nhập với nhau, còn ngân hàng cổ phần tự nguyện sáp nhập. Có lẽ Việt Nam đang nhìn mô hình Malaysia cho quá trình tái cấu trúc của mình”, ông Keith nhận định. 

Vậy, có cần các ngân hàng nhỏ?

Cũng theo ông Keith, với nền kinh tế như Việt Nam, về lâu dài, cần có những ngân hàng mang tầm quốc gia với mạng lưới thanh toán lớn, phục vụ mục tiêu bán lẻ tốt, nhưng cũng cần những thị trường ngân hàng ngách chuyên quản lý tài sản hay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP phân tích, nếu hợp nhất, mua bán, sáp nhập các ngân hàng vào, ngân hàng nào sẽ phục vụ những phân khúc truyền thống của những ngân hàng nhỏ trước đây? Tại địa bàn truyền thống của các ngân hàng chuyên phục vụ nông thôn sẽ bỏ ngỏ khi tiếp tục xóa các ngân hàng nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng và chịu thiệt thòi là những người nông dân, tiểu thương...

“Các đường dây cho vay nóng, vay chợ đen và các lần vỡ hụi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trở lại”, vị tổng giám đốc trên nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng có nhiều năm làm việc tại nước ngoài chia sẻ, ở Mỹ, hệ thống ngân hàng hoạt động theo mô hình: ngân hàng liên bang (cấp 1), tiểu bang (cấp 2) và cuối cùng là ngân hàng cộng đồng (cấp 3).

Mô hình ngân hàng cộng đồng tại Mỹ rất phát triển với nhiệm vụ là phục vụ cộng đồng trong địa phương. Những ngân hàng cộng đồng có thể cạnh tranh với ngân hàng cấp 2 và cấp 1 vì bảo hiểm tiền gửi của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng cấp 3 cũng lên tới 250.000 USD giống ngân hàng cấp 2, 1. Do vậy, người dân không cần biết ngân hàng to hay nhỏ mà chỉ quan tâm đến những thuận lợi ngân hàng cộng đồng mang lại phù hợp với nhu cầu và đảm bảo an toàn.

“Việt Nam nên học hỏi mô hình này, nhưng có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Cần các cuộc hợp nhất, sáp nhập tạo nên ngân hàng cấp quốc gia có vốn lớn để vươn ra ngoài khu vực và ngân hàng nhỏ, ngân hàng cộng đồng phục vụ người dân tại địa phương”, TS. Hiếu nói.              

Tin bài liên quan