Trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ mới dừng lại ở việc đăng ký và công khai một số điều khoản, mẫu biểu

Trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ mới dừng lại ở việc đăng ký và công khai một số điều khoản, mẫu biểu

Ngân hàng phải công khai mẫu biểu giao dịch

(ĐTCK) Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư số 39 của Ngân hàng nhà nước cùng đề cập một nội dung tạo thành vấn đề mà ngành ngân hàng cần quan tâm, đó là trách nhiệm đăng ký, công khai, cung cấp thông tin về điều kiện giao dịch chung, hợp đồng theo mẫu của hệ thống ngân hàng.

Không công khai có rủi ro gì?

Hiện nay, hầu hết các tài liệu giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng đều là biểu mẫu cố định do ngân hàng soạn thảo, được thiết kế chặt chẽ, với hàng loạt  quy định miễn trách cho ngân hàng, ràng buộc nghĩa vụ của khách hàng.

Chẳng hạn, đối với quy trình cấp tín dụng thì từ thỏa thuận về các điều khoản và điều kiện tín dụng chung, cho đến giấy đề nghị vay vốn, giấy ủy quyền, hợp đồng vay, giấy nhận nợ, biên bản thanh lý hợp đồng… đều có mẫu sẵn.

Điều này cũng dễ hiểu, vì hệ thống ngân hàng là nơi gánh chịu rủi ro của cả nền kinh tế, cho nên việc kiểm soát chặt chẽ các mẫu biểu là không thể thiếu, được tất cả các ngân hàng chú trọng.

Trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ mới dừng lại ở việc đăng ký và công khai một số điều khoản chung, mẫu biểu như hợp đồng về thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, khoản vay tiêu dùng... theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi đó, những quy định mới tại Bộ luật Dân sự và Thông tư số 39 đang đặt ra trách nhiệm với ngân hàng trong việc phải đăng ký, công khai, cung cấp thông tin liên quan cho khách hàng về mẫu biểu, điều khoản giao dịch chung.

Điều này dẫn đến khả năng ngân hàng phải đối mặt với việc bị khách hàng phủ nhận giao dịch bất kỳ lúc nào, với lý do chưa được công khai, cung cấp thông tin theo quy định. Rủi ro hiện hữu là giao dịch có thể bị xem xét vô hiệu.

Phải công khai như thế nào?

Quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: Miễn là có sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì bên đưa ra đều phải công khai và không được có các quy định bất bình đẳng như miễn trách nhiệm của bên đó, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên còn lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thêm vào đó, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước còn đặt ra các nghĩa vụ khác, ngành ngân hàng cần lưu ý:

Đối với việc vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng), ngân hàng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch. Sau khi đăng ký và trước khi xác lập giao dịch với khách hàng, ngân hàng phải công khai và cung cấp thông tin về các tài liệu này cho khách hàng, được khách hàng xác nhận về việc đã được cung cấp đầy đủ thông tin.

Khi phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), ngân hàng phải đăng ký mẫu hợp đồng và điều kiện giao dịch.

Trường hợp xác lập giao dịch cho vay nói chung (không giới hạn khách hàng, mục đích vay), ngân hàng phải công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin và được khách hàng xác nhận về việc đã được cung cấp theo quy định.

Theo các văn bản này thì “công khai” nghĩa là phải đăng tải trên trang cổng thông tin (website) chính thức và phải niêm yết tại trụ sở chính của ngân hàng.

Như vậy, hệ thống ngân hàng cần thận trọng thực hiện nghĩa vụ đăng ký, công khai điều khoản giao dịch chung, hợp đồng theo mẫu như các trách nhiệm pháp lý nêu trên.

Quyền lợi của ngân hàng ở đâu?

Mục tiêu rõ ràng của các quy định mới là nhằm bảo vệ quyền lợi của bên được cho là yếu thế - khách hàng, tuy nhiên, các quy định này lại chưa cân nhắc cặn kẽ đến thực tiễn hoạt động và quyền lợi chính đáng của ngành ngân hàng.

Trước hết là sự tiêu tốn về thời gian, nhân lực, chi phí khi thực hiện trách nhiệm công khai các mẫu biểu giao dịch. Ngân hàng vận hành dựa trên hàng trăm quy trình, mỗi quy trình lại kèm theo hàng chục, hàng trăm mẫu biểu, do đó, việc phải công khai tại trụ sở, đăng tải trên website và cập nhật thay đổi đối với số lượng lớn biểu mẫu như vậy là hoàn toàn không đơn giản.

Chưa kể đến một thực tế phổ biến hiện nay là chính các ngân hàng cũng không thống kê được toàn bộ hệ thống mẫu biểu của mình, nên việc phải tiêu tốn thêm thời gian, chi phí để tập hợp, rà soát lại cả hệ thống mẫu biểu là không tránh khỏi.

Dưới góc độ quản lý rủi ro, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt thêm một loại tranh chấp, kiện tụng mới đến từ phía khách hàng, với lập luận là chưa được công khai mẫu biểu giao dịch nên yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu.

Đây là kẽ hở để các hành vi không thiện chí tác động vào, tạo ra tiền lệ xấu cho sự ổn định của các giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng nói riêng, giao dịch dân sự nói chung. Với tính chất là đầu mối nắm giữ nguồn lực tài chính của xã hội, việc tạo ra rủi ro cho ngân hàng đồng nghĩa là đang tạo ra nguy cơ cho cả nền kinh tế.

Một vấn đề khác cần cân nhắc đó là yếu tố bảo mật công nghệ kinh doanh của ngân hàng. Để thiết kế ra một mẫu biểu có khả năng áp dụng chung cho nhiều giao dịch, hạn chế được tranh chấp cho các bên, phù hợp với nhu cầu và đặc thù của mỗi ngân hàng là điều không hề dễ dàng, đây là thành quả của sự đầu tư chất xám và là công nghệ kinh doanh của riêng mỗi ngân hàng.

Việc đòi hỏi các ngân hàng phải công khai tràn lan mẫu biểu giao dịch là đang buộc họ phải tiết lộ công nghệ kinh doanh, biếu không tài sản của mình.

Phải nhìn nhận rằng, như bao giao dịch dân sự khác, mỗi khách hàng có đủ năng lực hành vi dân sự được ngân hàng cung cấp mẫu biểu để phục vụ việc xác lập giao dịch nếu đã đặt bút ký kết vào tài liệu giao dịch thì chính khách hàng phải là người chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.

Dù câu chuyện bảo vệ, dung hòa quyền lợi giữa các bên còn cần phải bàn cãi nhiều, nhưng trước mắt, luật đã "bắt" thì ngân hàng buộc phải theo, để tránh nguy cơ giao dịch bị vô hiệu và cũng là bảo vệ chính mình. 

Tin bài liên quan