Ngân hàng nội mạnh tay đầu tư hút nhân sự ngoại

Ngân hàng nội mạnh tay đầu tư hút nhân sự ngoại

(ĐTCK) Các ngân hàng trong nước đang mạnh tay đầu tư cho việc thu hút nguồn nhân lực ngoại cho mảng bán lẻ nhằm nhanh chóng mở rộng thị phần.

Đẩy mạnh mảng bán lẻ là hướng đi chung của các ngân hàng, vì vậy, cạnh tranh trên thị trường này diễn ra rất gay gắt với sự tham gia của ngân hàng nội và ngoại. Một số nhà băng đã mua lại mảng bán lẻ của đối tác ngân hàng khác để đẩy mạnh hơn phân khúc kinh doanh này, chẳng hạn VIB mua lại Chi nhánh Commonwealth Bank of Australia (CBA) ở TP.HCM.

Trước đó, cũng có thông tin VIB là 1 trong 5 ngân hàng muốn mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam. Tuy nhiên, mảng bán lẻ của ANZ đã thuộc về tay Shinhan khi nhà băng đến từ Hàn Quốc nuôi tham vọng đẩy mạnh bán lẻ tại Việt Nam – thị trường vốn được xem là còn nhiều tiềm năng.

“Mua sỉ, bán lẻ”, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank, đang là chiến lược của ngân hàng này. Giá vốn huy động được xem là giá sỉ, nhưng bán ra phải theo chiến lược bán lẻ để đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, mở rộng thị phần ở mảng này một cách nhanh chóng, Vietcombank không ngại đầu tư thu hút nguồn nhân lực giỏi, kể cả những người từng điều hành ở vị trí cấp cao của ngân hàng nước ngoài. Từ cuối năm 2017, ông Thomas William Tobin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Bán lẻ của Vietcombank.

Mới đây, Vietcombank đã triển khai Hội nghị Ngân hàng bán lẻ năm 2018. Phát biểu tại Hội nghị, ông Thành nhấn mạnh, đây là một trong những hội nghị quan trọng được Ban lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam về bán lẻ vào năm 2020.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động bán lẻ của Vietcombank đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng huy động, cho vay chung của Ngân hàng cũng như trong tổng lợi nhuận. Năm 2017, Vietcombank đạt trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và khả năng năm nay đạt 14.000 tỷ đồng trước thuế.

Theo tiết lộ của lãnh đạo Vietcombank, thu nhập của ông Thomas William Tobin còn cao hơn cả lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng, vì ông là người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ tài chính.

Không chỉ tại Vietcombank, tại nhiều ngân hàng khác, chuyên gia nước ngoài cũng đang nắm giữ vị trí điều hành; trong đó, tập trung chủ yếu ở khối bán lẻ. Đơn cử như VPBank, Giám đốc Khối, Trưởng phòng Bán lẻ đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Chính chiến lược thu hút nhân tài đã đem lại sự tăng trưởng ấn tượng của VPBank khi đi theo chiến lược đặt trọng tâm vào bán lẻ với bốn phân khúc: sản phẩm vay tín chấp tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng tiểu thương và khách hàng cá nhân ở tầng lớp mới nổi.

Tổng số nhân sự là người nước ngoài đang điều hành tại VPBank hiện nay ước tính phải vượt con số 10 người.

Techcombank, ACB, Eximbank… cũng là những ngân hàng sử dụng khá nhiều nhân sự cấp cao là người nước ngoài hoặc người Việt làm lâu năm ở các tổ chức tài chính quốc tế. Việc đầu tư thu hút chuyên gia quốc tế giỏi về làm việc, theo đánh giá của giới chuyên gia, một phần nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro trong bối cảnh ngân hàng Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng, phần khác xuất phát từ việc chiến lược chuyển đổi sang mô hình bán lẻ. Việc ngân hàng thương mại trong nước thuê lãnh đạo nước ngoài được đánh giá là một xu thế không thể bỏ qua trước áp lực cạnh tranh gay gắt giữ thị phần bán lẻ.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính đến năm 2020 là 120.900 người. Nếu các cơ sở đào tạo không thay đổi chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng. Ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, các tổ chức tài chính phải chi phí rất nhiều để thuê các chuyên gia nước ngoài như chiến lược phát triển mạng lưới, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế…

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng đã chú trọng vào việc xây dựng và đưa vào triển khai các hệ thống quản trị nhân sự tiên tiến, làm nền tảng vững chắc để tạo lợi thế cạnh tranh về con người và phát triển bền vững. Đồng thời, hệ thống lương thưởng tiếp cận theo hướng đưa ra các giải pháp cạnh tranh tổng thể về các chế độ đãi ngộ bằng tiền mặt (lương trả cho vị trí công việc, thưởng thành tích kinh doanh, các loại trợ cấp theo tính chất công việc, yếu tố vùng miền…) hay bằng các chương trình phúc lợi ngắn và dài hạn, cho cán bộ nhân viên và cho gia đình.

Khảo sát của Navigos Group - đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search về nhân sự ngành ngân hàng - cho thấy có tới 90% số ngân hàng chi trả mức thu nhập cho nhân viên của mình 10 - 30 triệu đồng/tháng. Nhưng 26% ngân hàng cho rằng, lương, chế độ đãi ngộ chưa thực sự cạnh tranh và là khó khăn lớn nhất trong việc tuyển dụng nhân sự.       

Tin bài liên quan