Một số ngân hàng đang tính chuyện niêm yết để tiếp cận một kênh gọi vốn thuận lợi hơn

Một số ngân hàng đang tính chuyện niêm yết để tiếp cận một kênh gọi vốn thuận lợi hơn

Ngân hàng niêm yết: Đủ vốn rồi mới xét?

Ngân hàng Nhà nước đang tính xây dựng thêm rào cản kỹ thuật đối với việc niêm yết cổ phiếu của các tổ chức tín dụng cổ phần.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cổ phần đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán. Bản dự thảo lần 1 vừa công bố đưa ra một số điều kiện đáng chú ý.

 

Lo vượt tầm kiểm soát

 

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã có 6 cổ phiếu ngân hàng tham gia niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Những thành viên này đã có mặt trên sàn từ 2 - 5 năm nay. Ngoài ra, một trường hợp khác là Ngân hàng Quân đội (MB) cơ bản cũng đã xong các thủ tục để sẵn sàng chào sàn, vấn đề còn lại có lẽ là yếu tố thời điểm.

 

Để niêm yết, tất nhiên những thành viên trên đều phải qua cửa xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng sắp tới, nếu thông tư trên ban hành, điều kiện đặt ra sẽ khó khăn hơn với những ngân hàng nhỏ.

 

Theo quy định của Luật Chứng khoán, việc niêm yết của các công ty đại chúng nói chung và của các tổ chức tín dụng nói riêng phải được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận trên cơ sở tuân thủ một số điều kiện. Các điều kiện này đòi hỏi khi niêm yết, các công ty đại chúng phải duy trì ổn định về cơ cấu quản trị, điều hành, và có tính đại chúng cao nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và góp phần ổn định thị trường.

 

Nhưng theo giải trình của Ban soạn thảo dự thảo thông tư nói trên, khác với các doanh nghiệp thông thường, hoạt động của các tổ chức tín dụng có tính nhạy cảm cao do ngoài vốn chủ sở hữu, vốn hoạt động của các tổ chức này còn được hình thành từ việc huy động vốn trong dân cư.

 

Theo đó, Ban soạn thảo cho rằng: “Khi tham gia niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức tín dụng cổ phần phải công bố thông tin khá chi tiết, trong khi việc công bố thông tin này mang tính nhạy cảm, có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của ngân hàng”.

 

Đặc biệt, một lo ngại khác được nhấn mạnh trong bản giải trình, rằng: “Khi tham gia niêm yết, cơ chế mua bán chuyển nhượng cổ phần của các tổ chức tín dụng cổ phần được tự do thực hiện theo quan hệ cung cầu trên thị trường, có thể làm giảm tính ổn định của cơ cấu cổ đông, vượt ra ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và bản thân tổ chức tín dụng. Do đó, việc niêm yết cổ phiếu của một tổ chức tín dụng, nếu có rủi ro, không những tác động xấu đến bản thân tổ chức đó mà còn có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng”.

 

Với những lập luận đó, Ban soạn thảo cho rằng, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân tổ chức tín dụng tham gia niêm yết cổ phiếu, qua đó, hạn chế các tác động tiêu cực và đổ vỡ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, việc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận trước nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng khi niêm yết cổ phiếu phải có đủ khả năng chống đỡ những rủi ro của thị trường là cần thiết.

 

Khó cho ngân hàng nhỏ

 

Trước khi có dự thảo thông tư nói trên, thị trường chứng khoán cũng đã từng nổi cộm câu hỏi vì sao UPCoM (thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết) không thu hút sự tham gia của các ngân hàng.

 

Một câu trả lời được nhắc đến nhiều trong năm 2009 là do vướng rào cản pháp lý, liên quan đến văn bản hướng dẫn và chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế có nhà băng đã phải hủy kế hoạch tham gia UPCoM vì vướng mắc này để tính chuyển niêm yết hẳn trên HOSE.

 

Nay, một số ngân hàng cũng đã và đang xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE hoặc HNX. Thế nhưng, nếu thông tư trên kịp ban hành, có thể kế hoạch của những thành viên trên sẽ bị “ách” lại.

 

Cụ thể, theo dự thảo thông tư, một điều kiện quan trọng đưa ra là để niêm yết cổ phiếu, giá trị thực có của vốn điều lệ tổ chức tín dụng cổ phần đó tại thời điểm đề nghị tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

 

Theo quy định hiện hành, mức vốn pháp định của các ngân hàng thương mại năm 2010 tối thiểu phải là 3.000 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy các thành viên đảm bảo yêu cầu này; những động thái gần đây cho thấy sẽ làm “mạnh tay” với những trường hợp không đảm bảo…

 

Trong khi đó, theo thông tin công bố, trong số những nhà băng đang xúc tiến kế hoạch niêm yết thì có 3 trường hợp chưa đảm bảo được yêu cầu vốn pháp định nói trên, thậm chí mới chỉ có từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Một mục đích mà họ đặt ra là niêm yết để tiếp cận một kênh gọi vốn thuận lợi hơn cho kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trong năm nay; còn nếu tăng ngay để đề phòng thông tư trên sớm ban hành thì không dễ.

 

Như vậy, có thể sẽ có những kế hoạch niêm yết được thúc đẩy nhanh hơn, đi trước thời điểm thông tư trên ban hành và có hiệu lực, nhưng hướng này vẫn phải qua cửa thẩm định của Ngân hàng Nhà nước như trước đây; hoặc chọn đường tăng vốn đảm bảo yêu cầu vốn pháp định trước khi niêm yết và sẵn sàng đón thông tư trên ra đời.

 

Xa hơn, mức vốn pháp định trong những năm tới sẽ không phải là 3.000, mà dự tính tới 5.000 rồi 10.000 tỷ đồng…

 

Trước mắt, theo dự thảo lần 1, thời điểm ban hành thông tư trên đã được “đề sẵn” là năm 2010.

 

Và ngoài điều kiện về vốn, dự thảo thông tư cũng đưa ra một số điều kiện đáng chú ý khác, như: tổ chức tín dụng đó phải hoạt động kinh doanh có lãi liên tục trong 2 năm liền kề và không có lỗ luỹ kế tính đến thời điểm đề nghị; phải bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm đề nghị; phải bảo đảm đầy đủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước liên tục 3 tháng trước thời điểm đề nghị và liên tục các tháng tính đến thời điểm xem xét đề nghị; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay của năm liền kề và liên tục các quý tính đến thời điểm xem xét đề nghị không lớn hơn 3%...