Ngân hàng nhỏ thông qua tăng vốn rồi… để đấy

Cứ đến mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), lãnh đạo hàng loạt ngân hàng nhỏ lại có tờ trình xin tăng vốn. Thế nhưng, có ngân hàng 3-4 mùa xin tăng vốn mà đến nay, vốn vẫn y nguyên ở mức tối thiểu ban đầu.

Loanh quanh mức vốn 3.000 tỷ đồng

Một trong những vấn đề được cổ đông của Ngân hàng SaigonBank quan tâm nhất tại ĐHĐCĐ sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4/2017 là tăng vốn. Năm 2016, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 4.800 tỷ đồng. Năm 2014 và 2015, ngân hàng này cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng.

Năm nào tờ trình của HĐQT cũng được cổ đông thông qua, nhưng sau nhiều năm, kế hoạch này vẫn nằm trên giấy. Đến mức, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhắc nhở SaigonBank khi đề ra kế hoạch tăng vốn phải có giải pháp đi kèm, không phải cứ thông qua rồi… để đấy.

Ngân hàng nhỏ thông qua tăng vốn rồi… để đấy ảnh 1

 SaigonBank dù được nhắc nhở nhưng vốn điều lệ vẫn không thể tăng

Tương tự, rất nhiều ngân hàng TMCP cổ phần nhỏ, như NamABank, VietABank..., đã nhiều lần xin cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn, nhưng sau nhiều năm, vốn vẫn nằm im ở mức tối thiểu.

Theo thống kê của NHNN, toàn hệ thống còn 9 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ ở mức tối thiểu hoặc cao hơn không đáng kể, gồm: Kienlongbank, Saigonbank, VietA Bank, Nam A Bank, NCB, VietBank, BaoVietBank, Viet CapitalBank, PGBank.

Kinh doanh không mấy hiệu quả, ít lợi thế cạnh tranh, khó tìm đối tác chiến lược, lợi nhuận nhỏ… là các lý do khiến cổ đông mới và cũ của các ngân hàng không mấy mặn mà với việc mua cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng. Đặc biệt, với các cổ đông hiện hữu, tờ trình tăng vốn của HĐQT đã trở thành nỗi mệt mỏi, bởi quá trình tăng vốn kéo dài nhiều năm cũng đồng nghĩa với việc cổ đông còn đói dài cổ tức tiền mặt.

Né lên sàn vì ngại minh bạch

Ngoài tăng vốn, một trong những nội dung mà các ĐHĐCĐ ngân hàng rộ lên hơn một năm qua là chuyện lên sàn, nhằm đáp ứng quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư nêu rõ, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, thì sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM trong một năm kể từ ngày 1/1/2016.

Hiện ngoài 9 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán và VIB đã niêm yết trên sàn UPCoM, rất nhiều ngân hàng khác tuyên bố sẽ sớm lên sàn như LienVietPostBank, Techcombank, MaritimeBank, OCB, VPBank, TPBank… Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng nhỏ có quy mô vốn 3.000 tỷ đồng vẫn im hơi lặng tiếng.

Điều này không mấy khó hiểu, bởi giá cổ phiếu ngân hàng nhỏ trên sàn OTC rất thấp, chỉ 3.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu, mà lại rất hiếm người mua. Nếu lên sàn UPCoM, mục tiêu gọi thêm vốn khó thực hiện, mà ngân hàng còn lộ xấu khi phải công bố thông tin về sức khỏe của mình.

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận (Trường đại học Tài chính - Marketing TP.HCM), cần phải đưa ra thời hạn buộc ngân hàng phải lên sàn. Việc niêm yết trên sàn không chỉ phục vụ mục đích tăng vốn, mà còn để các ông chủ ngân hàng có trách nhiệm hơn với hoạt động của ngân hàng, giúp việc điều hành được minh bạch hơn bởi có thêm kênh giám sát từ xã hội.

Tin bài liên quan