Nhiều ngân hàng cộng thêm biên độ lãi suất tiết kiệm cho khách hàng lớn tuổi.

Nhiều ngân hàng cộng thêm biên độ lãi suất tiết kiệm cho khách hàng lớn tuổi.

Ngân hàng nhắm đến nguồn tiền gửi ổn định

(ĐTCK) Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác gia tăng sức hấp dẫn, cũng như việc cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm ngày càng gay gắt, không ít nhà băng đang “tung chiêu” nhắm đến phân khúc khách hàng gửi tiền có tính ổn định cao.

Chị Ngọc Anh (40 tuổi, quận 3, TP.HCM) cho hay, khoản tiền thu nhập của hai vợ chồng tuy không nhiều, chỉ trên dưới 30 triệu đồng/tháng, nhưng chị vẫn dành dụm để gửi tiền tiết kiệm, nhằm dự phòng cho những sự kiện bất ngờ.

Nhóm khách hàng từ 30 tuổi trở lên như chị Ngọc Anh chính là đối tượng mà các ngân hàng đang nhắm đến với kỳ vọng hút được nguồn tiền nhàn rỗi mang tính ổn định cao. Bởi đây là nhóm khách hàng thường có thói quen gửi tiết kiệm, thay vì mạo hiểm lựa chọn các kênh đầu tư khác có lợi nhuận cao nhưng luôn đi kèm rủi ro lớn.

TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tuy một số kênh đầu tư khác đang thu hút nhà đầu tư rót vốn, song tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là nhóm khách hàng có độ tuổi từ 40 - 50 tuổi. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 3 - 4% trong năm nay, việc gửi tiết kiệm mang lại lợi suất ổn định, khả quan, khi lãi suất tiết kiệm vào khoảng 5 - 6%/năm kỳ hạn ngắn và 7 - 8%/năm kỳ hạn dài.

Điều đáng nói là nhiều ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng lớn tuổi. Chẳng hạn, HDBank cộng thêm 0,7%/năm lãi suất cho khách hàng từ 28 tuổi trở lên. Kỳ hạn gửi tiết kiệm áp dụng ưu đãi là 6 tháng và 13 tháng. Cụ thể, căn cứ theo độ tuổi khách hàng và mức lãi suất tiết kiệm thông thường, HDBank sẽ cộng thêm lãi suất ưu đãi cho khách hàng từ 0,1%/năm đến 0,7%/năm; mức lãi suất áp dụng tối đa là 7,1%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 7,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng.

Cùng với chính sách trên, HDBank cũng đang triển khai chương trình cộng thêm lãi suất (thêm 0,2 - 0,4%/năm) cho khách hàng đã gắn bó với Ngân hàng những năm qua khi gửi tiết kiệm; chưa kể cộng thêm lãi suất (0,2%/năm) đối với những khoản tiền gửi đáo hạn và tái tục tại Ngân hàng trong thời gian này.

Còn tại VietA Bank, khách hàng từ 39 tuổi trở lên sẽ được cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau. Mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này hiện đã lên trên 8%/năm. Trong khi đó, tại Viet Capital Bank, lãi suất tiền gửi cao nhất lên đến 8,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm 18 tháng để hút vốn dài ngày.

Tương tự, ACB có sản phẩm tiết kiệm dành riêng cho các khách hàng từ 50 tuổi trở lên, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiết kiệm mà còn đáp ứng các nhu cầu thiết thực về chăm sóc sức khỏe và sẵn sàng cho cuộc sống hưu trí.

Chỉ cần gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ nhận quyền lợi bảo hiểm sức khỏe lên đến 200 triệu đồng hoặc các gói khám sức khỏe tổng quát từ 2 triệu đến hơn 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, khách hàng được tặng thêm 0,1% - 0,2% lãi suất khi mở sổ tích lũy.

Trên thực tế, phần lớn người lớn tuổi đều cho biết, họ rất lo lắng khi về già sẽ trở thành gánh nặng cho con cái hay lâm vào tình trạng sức khỏe kém và không có tài chính. Vì vậy, đối với nhiều gia đình ở Việt Nam hiện nay, việc lập kế hoạch cho tới tuổi nghỉ hưu, cũng như tìm kênh đầu tư an toàn để an hưởng tuổi già, được ưu tiên gần như hàng đầu. Họ vẫn chọn tiết kiệm là kênh chính vì nó khá thuận tiện và đơn giản.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng, đối với người lớn tuổi, thu nhập và nhu cầu làm ra tiền khác nhiều so với thời thanh niên. Có những người càng lớn tuổi thì có càng nhiều tiền, nhưng cũng có những người chỉ trông đợi vào tiền lương hưu khi về già. Thế nên, lúc này tài chính đóng vai trò quan trọng.

Đó cũng chính là lý do để một số ngân hàng có chương trình tiết kiệm riêng dành cho khách hàng trên 45 tuổi (Tiết kiệm 45+). Cụ thể, khách hàng trên 45 tuổi gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên sẽ nhận được lãi suất cộng thêm 0,2%/năm so với lãi suất thông thường.

Một điều khiến người gửi tiết kiệm thêm phần an tâm khi lựa chọn kênh này là vấn đề lãi suất khó có thể giảm xuống trong ngắn hạn. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động sẽ khó giảm trong năm 2018. Nguyên nhân là sức ép lạm phát và lãi suất USD năm nay có xu hướng tăng hơn so với năm 2017. Bên cạnh đó, một số kênh đầu tư đang có sức hấp dẫn lớn, nên nếu hạ lãi suất tiết kiệm, người dân có thể chuyển kênh đầu tư.

Tin bài liên quan