Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Dự thảo tờ trình có những thông tin đáng chú ý: hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước; số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức.
Bên cạnh đó, sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tính đến 31/12/2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 493.100 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, không ít tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.