BIDV cam kết tài trợ 30.000 tỷ đồng cho dự án quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khu vực qua Tây Nguyên

BIDV cam kết tài trợ 30.000 tỷ đồng cho dự án quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khu vực qua Tây Nguyên

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo sớm dòng tiền lệch hướng

(ĐTCK) Câu chuyện dòng vốn ngân hàng chảy mạnh vào các dự án BOT giao thông được một số chuyên gia kinh tế nêu ra từ giữa năm 2014. Nhưng tại thời điểm đó, lãnh đạo một số ngân hàng vẫn nhận định dòng vốn vào các dự án giao thông khó thành làn sóng, do vướng mắc ở cả phía ngân hàng và DN… Mới đây, NHNN đã chính thức lên tiếng cảnh báo về hiện tượng dòng tiền lệch hướng này.

Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã chính thức cảnh báo việc một số TCTD có xu hướng đẩy mạnh tín dụng nhằm tăng nhanh quy mô đã tạo ra áp lực lớn về huy động vốn, gia tăng rủi ro do tập trung tín dụng vào một số ít khách hàng hoặc ngành, lĩnh vực, như các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, bất động sản…

Con số tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án giao thông từng được đề cập khá cụ thể tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hồi cuối năm 2014.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đại diện NHNN cho biết, chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT quản lý, các NHTM tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng (chiếm trên 89% tổng mức đầu tư). Riêng Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tính đến cuối năm 2014 đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân trên 20.000 tỷ đồng. Đây là số vốn tín dụng ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông.

Cùng với VDB, một số NHTM cũng vào cuộc tài trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án hạ tầng giao thông như BIDV, VietinBank, SHB... Cụ thể, BIDV đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GTVT, cam kết tài trợ các dự án quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khu vực qua Tây Nguyên là 30.000 tỷ đồng, với 19 dự án BOT. VietinBank cam kết tài trợ cho một số dự án lớn như Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hơn 5.900 tỷ đồng, Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là hơn 5.400 tỷ đồng, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Ninh Thuận 1.700 tỷ đồng...

SHB cũng ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng cho dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với CTCP Xây dựng số 2 (đại diện liên danh giữa CTCP Xây dựng số 2, CTCP Đầu tư khai thác cảng và CTCP Licogi 16) với tổng số tiền gần 1.300 tỷ đồng. SHB tài trợ cho vay 75% tổng mức đầu tư tương đương gần 1.300 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 15 năm với lãi suất ưu đãi.

Gần đây nhất, ngày 15/6/2015, đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tín dụng dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hợp đồng tín dụng dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) giữa các Chi nhánh Vietcombank gồm: Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Tĩnh với Liên danh nhà đầu tư là Tổng Công ty 319, Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Tập đoàn Xây dựng miền Trung và Công ty TNHH BT Thọ Xuân Nghi Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư là 4.167 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Vietcombank là gần 3.558 tỷ đồng.

Cũng tại Hội thảo của Bộ GTVT, bà Hạnh thông tin thêm: “Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án, trong năm 2015, dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng”.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, ở một góc độ nào đó, rõ ràng NHNN “đứng” trên thị trường, có cái nhìn tổng thể và cả chi tiết nên bắt đầu sốt ruột, do vậy buộc phải cảnh báo. Điều này trên thực tế cũng dễ hiểu bởi việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay còn gặp nhiều khó khăn từ chính các ngân hàng. Cụ thể, vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (nhiều dự án tới 20 - 25 năm).

“Sử dụng vốn ngắn hạn cho vay các khoản đầu tư dài hạn sẽ khiến ngân hàng rơi vào tình trạng mất cân đối, khả năng rủi ro thanh khoản cao”, vị tổng giám đốc trên nói.

Bà Hạnh chia sẻ: “Năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Rất nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án…”.

Bên cạnh đó, nhiều quan ngại của các chuyên gia kinh tế và chính lãnh đạo ngân hàng liên quan đến việc không ít các công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún… phải sửa chữa. Điều này dẫn đến doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng nói riêng và an toàn hệ thống nói chung… 

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cơ quan Thanh tra giám sát trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ là, giám sát thường xuyên các TCTD trong việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, chất lượng tín dụng… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý rủi ro, yếu kém, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng…

Khối NHTM nhà nước hiện chiếm thị phần lớn nhất trong toàn hệ thống, tháng 4/2015 chiếm xấp xỉ 46% về huy động vốn, khoảng 55% về tín dụng và 50% về tài sản.

Bên cạnh đó, số liệu về tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 18/6, được Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2012-2014, tăng 6,09% so với cuối năm 2014, huy động vốn tăng khoảng 4,6%. Đặc biệt, dòng vốn đổ vào bất động sản đã bắt đầu tăng nhẹ so với cùng kỳ 2014. Cụ thể, đến hết tháng 5, tín dụng bất động sản tăng 10,89% (chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ) trong khi 5 tháng đầu năm 2014, vốn đổ vào bất động sản chiếm tỷ trọng 7,96%.

Tin bài liên quan