“Tôi muốn chúc mừng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành công trong việc quản lý các chính sách tiền tệ, tín dụng, ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái, giải quyết nợ xấu và thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngân hàng 5 năm.
Điều này đã giúp giảm thiểu sự biến động của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác, thu hút FDI và tạo niềm tin của công chúng đối với năng lực và chính sách quản lý của NHNN”, ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam phát biểu tại buổi lễ gặp mặt cuối năm của NHNN Việt Nam với các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài.
Đây cũng là cảm nhận của hầu hết lãnh đạo nhà băng bởi 2017 là một năm khá thành công của hệ thống ngân hàng với năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và hiệu quả của hệ thống được nâng lên rõ rệt, nợ xấu đang được tích cực xử lý và kỳ vọng sẽ được giải quyết triệt để hơn nhờ Nghị quyết 42 của Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều băn khoăn, trăn trở.
Thanh khoản tốt nhưng lãi suất giảm chưa như kỳ vọng
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), trong năm qua, huy động vốn bằng VND ước tăng 18,4% và chiếm tỷ trọng 90,5% tổng vốn huy động; huy động ngoại tệ ước tăng 4% và chiếm tỷ trọng khoảng 9,5%. Trong khi tín dụng ước tăng khoảng 18%.
Như vậy, nhìn chung thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống là khoảng 87,3%, chỉ nhích nhẹ so với mức 85,6% của năm 2016.
Mặc dù huy động vốn không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, song nhờ NHNN đã điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc bơm hút tiền qua thị trường mở, nên thanh khoản của hệ thống luôn trong trạng thái dư thừa một cách hợp lý.
Thế nhưng, vấn đề được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thẳng thắn đề cập đó là dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, nhưng lãi suất chưa giảm như kỳ vọng.
Chưa kể, điều đáng ngại hơn được TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng cảnh báo: “Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, trong khi lãi suất huy động giảm không những không đáng kể mà còn đang tăng mạnh”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, “vẫn có cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các TCTD, kể cả TCTD tầm trung”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đã được UBGS chỉ ra. Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các TCTD lớn.
Một số TCTD nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu, thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (từ mức 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Điều này khiến các TCTD không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.
Một điểm đáng chú ý nữa, theo UBGS là mặc dù tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân của hệ thống TCTD giảm nhẹ xuống còn khoảng 31,2% vào cuối năm 2017, thấp hơn mức 34,5% của cuối năm 2016, song vẫn còn một số ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70-80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn gần 50% (sát ngưỡng quy định của NHNN tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN).
“Do vậy, các ngân hàng thương mại cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN”, UBGS khuyến cáo.
Thị trường ngoại hối ổn định, song sức ép dự báo vẫn còn lớn
Một trong những thành công của NHNN Việt Nam nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung trong năm qua được chuyên gia và thị trường đánh giá cao là thị trường ngoại hối, tỷ giá được duy trì ổn định trước những sóng gió trên toàn cầu. Không những vậy, NHNN còn mua vào được một lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ quốc gia lên 51,5 tỷ USD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, chính sách tỷ giá đã được NHNN thực thi rất hiệu quả trong năm 2017. Tính đến tháng 12/2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5% - 1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm.
Bên cạnh việc đồng USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm), theo UBGS, việc tỷ giá ổn định trong năm qua còn nhờ chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn còn ở mức lớn (khoảng 6 - 7%) nghiêng về việc nắm giữ VND. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư nhờ cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu; cán cân vốn và tài chính năm 2017 ước thặng dư ở mức khá cao (dự báo ở mức 4,03% GDP).
“Năm 2017 chứng kiến FDI kỷ lục và luồng vốn đầu tư gián tiếp dồi dào. Đây là yếu tố chính dẫn dắt tỷ giá năm 2017 diễn biến thuận lợi. Sang năm 2018, với lộ trình thoái vốn dự kiến tại hàng loạt các công ty của nhà nước, luồng vốn vào thị trường càng nhiều hơn, tỷ giá sẽ tích cực hơn, thậm chí là có áp lực khiến VND tăng giá. Do đó, tỷ giá năm 2018 thậm chí có thể giảm”, ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng Ban kinh tế Trung ương nêu quan điểm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng, sức ép lên tỷ giá vẫn rất lớn trong năm 2018 khi đồng USD có thể phục hồi nhanh nhờ Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần, cùng kế hoạch cải cách thuế đầy tham vọng của chính quyền Mỹ đã được thông qua, có thể khiến dòng vốn quốc tế đảo chiều, chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, giá cả nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là dầu thô đang có xu hướng tăng nhanh sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát, tỷ giá.
Trong nước, áp lực lạm phát cũng lớn hơn sau khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm qua. Sức ép càng tăng cao với lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Tất cả những yếu tố trên sẽ tạo sức ép lớn đến tỷ giá, đòi hòi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN càng phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong năm 2018.
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu không như kỳ vọng
Năm 2017 được ghi nhận là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Nhờ vậy, quá trình xử lý nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tiến trình tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy mạnh trong năm 2017, thể hiện sự quyết tâm của NHNN và Chính phủ trong vấn đề cải tổ và lành mạnh hóa hệ thống.
Đáng chú ý, theo UBGS, các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà chủ yếu xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác.
Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch UBGS cho biết, kể từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được thông qua, các ngân hàng càng đẩy mạnh hơn việc tự xử lý nợ xấu. Tính chung trong năm 2017, các nhà băng đã xử lý được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.
Thực tế, Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg được thị trường nhìn nhận đã đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu kể từ quý IV/2017 khi nhiều vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm đã được cơ bản giải quyết như: trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án; tạo cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu.
Tuy nhiên, “kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua lại còn chậm”, TS. Hiếu nói.
Đáng lo hơn là nợ xấu vẫn tăng về giá trị tuyệt đối cùng với đà tăng tốc khá nhanh của tín dụng. Số liệu của UBGS cũng cho thấy, số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống TCTD tăng mạnh, đến cuối năm 2017 ước tăng khoảng 24,7% so với cuối năm 2016. Dự phòng rủi ro cụ thể ước tăng 26,3%, dự phòng rủi ro chung ước tăng 22,1% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo ở mức 65,8%.
Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, UBGS thông tin: “Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2017 là 9,5%, giảm mạnh so với con số 11,5% trước đó nhưng vẫn còn cao gấp gần 4 lần so với con số chưa đến 3% do hệ thống ngân hàng tự báo cáo và cao hơn nhiều so với số liệu 2,34% (chưa tính khoản bán sang Công ty Quản lý tài sản của các TCTD - VAMC) được NHNN công bố giữa tháng 11”.
Dẫu vậy, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lạc quan: “Dự kiến năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng; tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tiếp tục cải thiện; khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm dần được hoàn thiện”.