Việc nới room sẽ có tác động tích cực tới các ngân hàng

Việc nới room sẽ có tác động tích cực tới các ngân hàng

Ngân hàng muốn nới room cho cổ đông ngoại

(ĐTCK) Hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu trên 20% vốn điều lệ của ngân hàng trong nước và tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng nội không được quá 30%.

Các nhà băng cho rằng, quy định này chưa hấp dẫn được nhà đầu tư và mong muốn nới room cho khối ngoại. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, nới room ngân hàng không dễ.

Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, Ngân hàng đang đề xuất ý kiến lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nới room. Theo đó, việc nới room có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa. Theo ông Thọ, việc nới room đang là xu hướng. Mới đây, Chính phủ đã quyết định nới room cho một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn không thuộc lĩnh vực kiểm soát, nắm giữ tỷ lệ nhất định. Những doanh nghiệp này đã được nới room lên mức tối đa là 100%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và lĩnh vực ngân hàng có nhiều điểm đặc thù, nên mức độ và thời điểm sẽ do Chính phủ quyết định.

ABBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài lên mức tối đa 30%, trong đó, MayBank nắm giữ 20%, IFC nắm giữ 10%. Hiện tại, ABBank đang muốn đề nghị Chính phủ được nới room đến 49% cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi bán hơn 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt tăng vốn lên hơn 14.294 tỷ đồng đầu năm 2015, SCB cho biết, Ngân hàng đang tiếp tục kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại trong các đợt tăng vốn sắp tới (trong năm 2015, SCB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng vốn lên trên 15.294 tỷ đồng). SCB cũng tính đến khả năng tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai, khi được Chính phủ và NHNN cho phép.

Trên thực tế, để có thể lớn mạnh và tăng trưởng tốt, trước hết, các ngân hàng cần phải nâng cao năng lực tài chính. Chủ trương của Chính phủ cũng cho phép các ngân hàng thu hút vốn từ cổ đông ngoại và có thể vượt tỷ lệ 30% nếu được Chính phủ chấp thuận trong quá trình tái cơ cấu. Mặt khác, với nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nắm giữ tối đa 20% tại một tổ chức vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của họ trong quá trình quản trị ngân hàng. Nói cách khác, quyền phủ quyết và cao hơn là quyền quyết định của các cổ đông chiến lược nước ngoài hiện nay tại ngân hàng Việt Nam vẫn bị hạn chế do tỷ lệ cổ phần nắm giữ thấp.

Trải qua quá trình M&A, tái cấu trúc, một số ngân hàng cho biết, đang xem xét tìm kiếm đối tác để gọi thêm vốn ngoại và không chỉ bán tỷ lệ tối đa cho phép 30%, có nhà băng còn tính đến chuyện xin phép bán quyền kiểm soát.

Sau khi bán 49% cổ phần HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản), đổi tên thành công ty tài chính HDSaison, HDBank đang tính đến kế hoạch sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2014 và 2015 của HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài đến từ khu vực châu Âu, Mỹ và Nhật. Trước đó, thị trường đã có thông tin rằng, HDBank sẽ sớm bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản.

Những ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu, cần nguồn tài chính để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu cũng muốn thu thú thêm vốn ngoại, với kỳ vọng nới room. Trước đây, DongA Bank muốn được bán 49% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, khi đang tiến hành kế hoạch trên, DongA Bank đã rơi vào kiểm soát đặc biệt của NHNN.

Các nhà băng cho rằng, mở room là việc có tính xu thế, nhưng mức độ, liều lượng cũng như thời điểm như thế nào là do Chính phủ quyết định, dựa trên các yêu cầu về quản lý, mục tiêu của nền kinh tế… Theo lãnh đạo các nhà băng, việc nới room sẽ tác động tích cực tới ngân hàng, như thu hút thêm nhà đầu tư mới, thu hút thêm nguồn lực tài chính, nâng cao sự hợp tác của các đối tác.

Trả lời ĐTCK, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đang được giới đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là vào giai giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, khi Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép các ngân hàng nhỏ, yếu kém, cần tiềm lực tài chính có thể bán lại 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Andy, ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn và đây là cơ hội tốt để quỹ đầu tư nước ngoài xem xét bỏ vốn nhiều hơn vào ngân hàng. Tuy nhiên, cần phải nới room để thu hút được nhà đầu tư.   

Tin bài liên quan